Lý do Trung Quốc điều tàu sân bay tới Syria

Không khó để Bắc Kinh có thể cùng lúc làm hai việc: tranh thủ thời cơ để cải thiện quan hệ với Mỹ, và cùng lúc ủng hộ Nga can thiệp quân sự vào Syria.


Mạng tin "Debka" ngày 26/9 tiết lộ rằng giữa lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhà Trắng ngày 25/9 và nói chuyện về tình hữu nghị giữa hai nước, tàu sân bay Liêu Ninh CV-16 của Trung Quốc được hộ tống bởi một tàu tuần tiễu trang bị tên lửa dẫn hướng đã cập cảng Tartus của Syria.

Bắc Kinh đang ngầm thể hiện quyết tâm trong việc phô trương sức mạnh không chỉ ở Biển Đông mà còn bằng cách tự liên kết quân sự và chính trị với Nga và Iran trong việc ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tàu sân bay Liêu Ninh CV-16 của Trung Quốc.


Các nguồn tin quân sự của "Debka" cho biết ngày 22/9, một ngày sau cuộc gặp cấp cao tại Moskva giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, tàu sân bay của Trung Quốc đã đi qua kênh đào Suez. Tại cuộc gặp này, ông Putin không đề cập tới việc tàu chiến của Trung Quốc đang tiến vào khu vực phía Đông của Địa Trung Hải hay điểm đến của nó. Sự xuất hiện của tàu chiến Trung Quốc được cho là làm mở rộng phạm vi các hỗ trợ quân sự cho ông Assad, bên cạnh sự hậu thuẫn từ Moskva và Tehran.

Mạng tin "Debka" chỉ ra bằng chứng về việc các lực lượng của Trung Quốc có kế hoạch duy trì sự hiện diện lâu dài tại Syria, theo đó, tàu sân bay của Trung Quốc được đưa tới cảng Tartus không đi cùng máy bay. Tuy nhiên, các máy bay chiến đấu và trực thăng sẽ có mặt trên boong tàu vào trung tuần tháng 11 tới, bay thẳng từ Trung Quốc qua Iran hoặc được chuyển bằng phương tiện vận chuyển khổng lồ của Nga từ Trung Quốc qua không phận Iran và Iraq. Điều này lý giải các tuyên bố về nhu cầu cấp bách của việc thiết lập một nhóm điều phối quân sự Nga-Syria-Iran tại Baghdad được giới chức đưa ra trong vài ngày trước.

Cơ chế này, cộng với việc các sỹ quan Nga có mặt tại Baghdad, cho thấy sự hiện diện quân sự của Nga không chỉ giới hạn ở Syria mà còn bắt đầu lan sang cả Iraq. Nhóm phối hợp này được tuyên bố là cần thiết để bắt đầu tiến trình liên kết với các chiến binh Hồi giáo Shi'ite được Iran hậu thuẫn nhằm chống tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tại cả Iraq và Syria. Tuy nhiên, nhiệm vụ cấp bách hơn của lực lượng này sẽ là kiểm soát lưu lượng lớn các chuyến bay quân sự của Nga, Iran và Trung Quốc quá cảnh qua không phận Iraq.

Các nguồn tin liên quan cho rằng Trung Quốc sẽ đưa tới Syria một phi đội máy bay chiến đấu J-15, trong đó một số sẽ được bố trí trên boong tàu sân bay và số còn lại sẽ được bố trí tại căn cứ không quân của Nga gần Latakia. Trung Quốc cũng sẽ triển khai trực thăng chống tàu ngầm Z-18F và trực thăng cảnh báo sớm trên không Z-18J. Bên cạnh đó, Bắc Kinh sẽ phái ít nhất 1.000 lính thủy đánh bộ tới chiến đấu cùng các binh sỹ từ Nga và Iran chống các nhóm khủng bố.

TTK
Tổng thống Nga tuyên bố không triển khai binh sĩ tác chiến ở Syria
Tổng thống Nga tuyên bố không triển khai binh sĩ tác chiến ở Syria

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27/9 cho biết nước này hiện không có kế hoạch triển khai binh sĩ tác chiến tại Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN