Bình luận với Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) có trụ sở tại Israel ngày 26/9, nhà nghiên cứu Galia Lavi, Phó giám đốc Trung tâm Chính sách Israel - Trung Quốc tại quỹ Diane & Guilford Glazer cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông và các cuộc xung đột leo thang giữa Israel và Liban, Trung Quốc đã có những bước đi ngoại giao đáng chú ý.
Cụ thể, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) ở New York (Mỹ), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp người đồng cấp Liban và bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ quyền, an ninh của Liban. Trong cuộc trao đổi này, nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ luôn ủng hộ "những người anh em Arab" của mình, đồng thời chỉ trích các hành động bạo lực, đặc biệt là cuộc không kích của Israel vào Liban, mà ông gọi là "vi phạm các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế".
Theo bà Lavi, Trung Quốc, dù không công khai đề cập đến Hezbollah, đã lên án mạnh mẽ việc gây tổn hại đến dân thường. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ sốc trước số lượng thương vong lớn và kêu gọi tất cả các bên liên quan nhanh chóng hạ nhiệt căng thẳng. Tuyên bố này phản ánh một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Bắc Kinh tại khu vực Trung Đông, nơi mà lợi ích của Trung Quốc phức tạp và đa chiều.
Một trong những lý do chính mà Trung Quốc tuyên bố ủng hộ Liban là vì Bắc Kinh cần một Trung Đông ổn định để duy trì dòng chảy thương mại qua khu vực này. Với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và các tuyến đường thương mại đi qua Trung Đông. Một khu vực bất ổn có thể làm gián đoạn dòng chảy năng lượng và thương mại mà Trung Quốc phụ thuộc.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng muốn định vị mình là một lựa chọn thay thế cho các quốc gia tại Trung Đông thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến ngoại giao như Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI). Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã thực hiện nhiều nỗ lực để tham gia tích cực hơn vào các hoạt động ngoại giao khu vực, bao gồm cả việc làm trung gian cho các thỏa thuận hòa bình và thương mại.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã gặp phải thách thức trong việc bảo vệ lợi ích kinh tế của mình tại Trung Đông. Những biến động trong năm qua đã chứng tỏ rằng Bắc Kinh chưa thực sự sẵn sàng hoặc không thể ứng phó với các xung đột khu vực một cách hiệu quả. Điều này đặt Trung Quốc vào tình thế phải khôi phục lại vị thế và hình ảnh của mình, đặc biệt là trong mắt công chúng Arab. Những tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc tại Đại hội đồng Liên hợp quốc có thể được xem là một phần của chiến lược này, nhằm khẳng định lại vai trò của mình như một cường quốc có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực.