Nguy cơ tiềm ẩn xung đột là thường trực. Nhưng khủng hoảng Ukraine cũng cho thấy rõ mức độ tập trung cạnh tranh quyền lực nước lớn theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Tác động từ kết cục của cuộc đua này không chỉ bó hẹp trong phạm vi châu Âu, mà còn lan tỏa toàn cầu, liên quan trực tiếp đến các nước ngoài khu vực.
Những bên liên quan và quan điểm của “người chơi lớn"
Đầu tiên phải kể đến Nga. Trong các cuộc gặp với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ngày 9/2/1990, Ngoại trưởng Mỹ James Baker đã đưa ra lời bảo đảm về việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không mở rộng về phía Đông, nhưng đây chỉ là cam kết miệng, không được xác định trong bất kỳ văn bản, thỏa thuận chính thức nào. Sau khi Liên Xô sụp đổ, NATO thông qua chính sách mở cửa, cho phép các Đông Âu, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ gia nhập tổ chức này.
Có 14 nước gia được kết nạp làm thành viên chính thức của NATO sau năm 1991. Nhưng khi liên minh quân sự này xem xét trường hợp của Gruzia và Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin vạch ra giới hạn đỏ, không chấp nhận để NATO áp sát biên giới, gây đe dọa trực tiếp tới Nga, ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO bằng bất kỳ giá nào.
Ukraine: Ukraine có lý do để tin rằng mình bị “phản bội”. Đó là bởi năm 1994, các bên liên quan đã ký Bản ghi nhớ Budapest năm 1994. Thỏa thuận này quy định Nga, Mỹ và Anh cam kết tôn trọng chủ quyền, biên giới hiện có và độc lập của Ukraine theo Đạo luật cuối cùng của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng như không sử dụng bất kỳ vũ khí nào chống lại độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Bản ghi nhờ Budapest là nhân tố chủ chốt khiến Ukraine từ bỏ kho vũ khí hạt nhân được thừa hưởng từ thời Liên Xô. Hiện tại, khi cẳng thẳng và mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine gia tăng, Mỹ và Anh không sẵn sàng gửi quân trực tiếp tới Ukraine để hỗ trợ chính quyền Kiev. Ukraine cũng không phải là thành viên NATO, nên liên minh quân sự này không có trách nhiệm ràng buộc phải bảo vệ Ukraine.
Xét tới yếu tố chiến lược và địa chính trị, Kiev nhận thấy rằng không thể xem thường quyết tâm của Moskva trong ngăn chặn NATO, thiết lập vùng đệm an toàn, bởi chính Ukraine đã từng phải nếm trải biến cố Crimea sáp nhập vào Nga (năm 2014), cùng với đó là xung đột ở miền đông – nơi các lực lượng đòi độc lập có được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Moskva.
Mỹ: Sau khi chứng ki Nga đưa quân can thiệp quân sự ở Gruzia (2008), đứng nhìn Crima sáp nhập vào Nga và mới đây là chiến dịch rút quân náo loạn khỏi Afghanistan, Mỹ muốn “chiếu tướng” đường lối cứng rắn của Moskva thông qua việc giương cao luận điểm gia nhập hay đứng ngoài NATO là quyền tự do lựa chọn của Kiev.
Không có ý định gửi quân trực tiếp tới Ukraine, nhưng Washington lo ngại việc Nga mở rộng ảnh hưởng về phía Tây có thể sẽ khiến nhiều đồng minh NATO rơi vào tình thế dễ bị tổn thương. Đó là lý do Mỹ đang thực hiện các bước đi mang tính biểu tượng trong việc củng cố đoàn kết với đồng minh, kể cả cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Mỹ cũng quan ngại nếu tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đi vào vận hành, sẽ có nhiều nước thành viên NATO phụ thuộc vào ngày một lớn vào nguồn cung năng lượng của Nga, từ đó làm suy yếu vai trò của NATO.
Liên minh châu Âu: Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và đồng minh NATO đang cố gắng tạo lập một mặt trận thống nhất. Nhưng rạn nứt là điều dễ nhận thấy. Khoảng 40% nhập khẩu năng lượng của EU phụ thuộc vào Nga là một nhân tố không dễ bỏ qua.
Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể tuyên bố dứt khoát một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine sẽ đặt dấu chấm hết cho Nord Stream 2. Nhưng không dễ dàng để Đức đưa ra một khẳng định tương tự. Lựa chọn tốt nhất cho EU vì thế là giải pháp ngoại giao. Đó là lý do tại sao Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần đây liên tục có các chuyến ngoại giao con thoi tới Nga và Ukraine.
Những người chơi khác: Trung Quốc có lẽ là nước được hưởng lợi lớn nhất từ khủng hoảng Ukraine. Đối đầu tại điểm nóng này khiến chú tâm của Mỹ dịch chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu. Bắc Kinh qua đây cũng có cơ hội để nâng cấp hợp tác với Moskva lên mức chưa từng có. Trung Quốc không có bất kỳ trách nhiệm ràng buộc nào ở Ukraine và có thể đứng ngoài, thể hiện quan điểm trung lập và không phải trả bất kỳ mức giá nào.
Các đồng minh NATO và đối tác của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như Đài Loan/Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc cũng đang theo dõi sát phản ứng của Mỹ, NATO trong khủng hoảng hiện nay. Bởi rất có thể họ sẽ rơi vào tình cảnh của Ukraine nếu Trung Quốc quyết định hành động mạnh tay trong vấn đề thống nhất Đài Loan hay mở rộng tham vọng chủ quyền ở Biển Đông, Biển Hoa Đông.
Dự báo các kịch bản cho khủng hoảng Ukraine
Xung đột toàn diện: Giới phân tích cho rằng cân đối giữa lợi ích và thiệt hại khiến Nga gần như không có kế hoạch tấn công quân sự toàn diện nhằm vào Ukraine. Mỹ và EU sẽ có phản ứng, với các đòn trừng phạt, cấm vận nhằm vào Nga. Về phần mình, NATO cũng không có được lợi ích gì ngoài việc phản ứng ra mặt để giữ thể diện mà không đạt mục tiêu chủ yếu nào. Với NATO, một Ukraine bị Nga thu phục còn tệ hơn một Ukraine đóng vai trò là vùng đệm như hình thái hiện nay.
Can dự hạn chế: Nga sẽ công nhận Cộng hòa Donestk và Cộng hòa Luhansk tự xưng. Đây là hai điểm nóng ở miền đông Ukraine, nơi các lực lượng đòi độc lập đã đơn phương ra tuyên bố thành lập hai nhà nước cộng hòa nhân dân. Nga qua đây "nhắc" Ukraine một bài học và thử phản ứng của NATO.
Mức giá mà Nga phải trả trong trường hợp này sẽ nhỏ hơn so với kịch bản tấn công quân sự tổng lực nhằm vào Ukraine. Nhưng tổn thất kinh tế từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây là không đổi. Ukraine khi đó cũng sẽ có thêm động lực để quyết tâm gia nhập NATO.
Đối đầu tiếp diễn: Nếu không thay đổi được chiều hướng Ukraine gia nhập NATO, Nga sẽ bị nhìn nhận là bên thua cuộc. Nhưng nếu NATO ra tuyên bố không kết nạp Ukraine là thành viên, đó sẽ là chiến thắng của Nga. Uy tín của NATO bị hủy hoại, còn các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ mất lòng tin vào Mỹ. Đối đầu tiếp diễn sẽ khiến cả Nga và Ukraine phải gánh chịu tổn thất tài chính lớn.
Ngoại giao thắng thế: Đây là lựa chọn tốt nhất cho lợi ích toàn cầu. Các bên liên quan khi đó sẽ tìm ra tiếng nói chung để giảm leo thang căng thẳng, không khiến bên nào bị coi là mất thể diện trước bên còn lại.