Theo ông Lý Quang Diệu, sự xuất hiện của ông Thaksin Shinawatra đã thay đổi vĩnh viễn nền chính trị Thái Lan. Trước khi ông Thaksin nổi lên, thủ đô Bangkok thống trị mọi mặt về chính trị của đất nước. Nếu trước đó có bất đồng nào trong giới tinh hoa Bangkok thì cũng không có điểm nào khủng khiếp như những bất đồng sắp xảy ra. Cũng không có bất hòa nào gây chia rẽ như những bất hòa nổi lên trong và sau nhiệm kỳ của ông Thaksin. Người dân Thái Lan xuống đường tuần hành ở thủ đô Bangkok bày tỏ sự ủng hộ chính phủ ngày 10/1. Ảnh: THX/ TTXVN |
Những gì ông Thaksin đã làm chính là đảo lộn nguyên trạng chính trị Thái Lan bằng cách chuyển cho các vùng nghèo hơn của đất nước những nguồn lực từng bị Bangkok và các cư dân trung, thượng lưu của nó chiếm phần lớn. Nền chính trị của Thaksin là kiểu chính trị mang tính hòa nhập hơn, cho phép nông dân từ phía bắc và đông bắc được chia sẻ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Trước đó đã từng tồn tại một hố sâu ngăn cách trước khi ông xuất hiện trên chính trường, do các chính sách tập trung cho Bangkok của các vị tiền nhiệm gây ra. Tất cả những gì ông làm là thức tỉnh người dân về hố sâu này cùng sự bất công của nó, và đưa ra các giải pháp chính sách để vượt qua hố sâu ấy. Nếu ông Thaksin không làm như vậy cũng sẽ có người khác đến và làm điều tương tự, ông Lý Quang Diệu nhận định.
Khi nhậm chức Thủ tướng năm 2001, ông Thaksin đã là một doanh nhân thành đạt và là một tỷ phú. Nhưng nếu người Thái giàu có trông chờ ông chứng tỏ tinh thần đoàn kết giai cấp, họ sẽ nhanh chóng bị thất vọng. Ông đã thực hiện các chính sách ưu đãi người nghèo nông thôn với một mức độ chưa từng có tiền lệ. Ông đã nới hạn các khoản vay cho nông dân, dành học bổng du học cho sinh viên con nhà nông thôn và cung cấp nhà ở được chính phủ trợ giá cho người nghèo đô thị, mà nhiều người trong số đó đã di cư ra thành phố để tìm việc làm và chỉ đủ tiền để sống trong các khu ổ chuột. Kế hoạch chăm sóc sức khỏe của ông – nhằm vào những ai không tự trả được bảo hiểm y tế – giúp người dân chỉ phải trả 30 baht (khoảng 1 USD) cho mỗi lần khám bệnh.
Với những đối thủ của ông Thaksin cho rằng ông đã làm đảo lộn đất nước. Họ không muốn để ông yên thân với điều đó. Họ gọi ông là một kẻ dân túy và tuyên bố rằng các chính sách của ông sẽ khiến quốc gia phá sản. Đáng chú ý là điều này không ngăn cản họ tiếp tục nhiều chính sách như vậy và tạo ra nhiều chính sách tương tự khi họ cầm quyền từ tháng 12-2008 đến tháng 8-2011.
Họ buộc ông phạm tội tham nhũng và ưu đãi công việc kinh doanh của gia đình, những cáo buộc mà ông đã bác bỏ. Họ cũng không vui vẻ với việc ông xử lý cứng rắn – mà một số người nói là độc tài –đối với truyền thông, cũng như cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi của ông ở miền nam đất nước, mà trong quá trình đó quy trình chuẩn mực đôi khi có thể bị lơ là.
Tuy nhiên, nông dân với số lượng áp đảo đã phớt lờ các chỉ trích và bầu lại ông năm 2005. Giới tinh hoa Bangkok cuối cùng đã không thể chịu đựng nổi con người này. Ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 2006.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: AFP-TTXVN |
Kể từ đó, thủ đô của Thái Lan đã trải qua nhiều biến động. Từ năm 2008, cảnh hỗn loạn xảy ra nhiều lần trên đường phố Bangkok, với các cuộc biểu tình ồ ạt liên quan đến hoặc là phe Áo Vàng – những người phản đối Thaksin nhân danh bảo vệ chế độ quân chủ, hoặc là phe Áo Đỏ – gồm những người ủng hộ Thaksin nồng nhiệt.
Nhưng cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất – được tổ chức năm 2011 và trao chức Thủ tướng cho em gái của Thaksin là Yingluck – chứng minh cho sự ủng hộ của cử tri Thái đối với con đường mới mà Thaksin đã chọn cho Thái Lan. Những nông dân ở miền bắc và đông bắc sau khi đã được hưởng lợi từ việc tiếp cận vốn sẽ không từ bỏ điều đó.
Ông Thaksin và các đồng minh hiện đã chiến thắng năm lần tổng tuyển cử liên tiếp, trong các năm 2001, 2005, 2006, 2007 và 2011. Với các đối thủ của Thaksin, việc gắng sức đấu lại là vô ích.
Bất chấp những náo động gần đây trong xã hội Thái Lan, vẫn còn lý do để lạc quan về dài hạn. Áo Đỏ sẽ tiếp tục đông hơn Áo Vàng trong một thời gian dài vì nhóm sau hình thành từ một nhóm đang teo tóp. Thế hệ trẻ hơn đã không còn quan điểm kính trọng như trước đối với hoàng gia. Hơn nữa, mặc dù Vua Bhumibol Adulyadej là một nhân vật được kính trọng nhưng phần lớn uy tín và quyền năng liên quan đến ông sẽ không còn khi ông qua đời.