Giới phân tích quốc tế cho rằng sự "tan rã" của các lực lượng Hồi giáo tại Mali chỉ là tạm thời và có chủ đích, nhằm chuẩn bị cho một sự trở lại mạnh mẽ và bền bỉ hơn. Nếu đúng như vậy, sự can thiệp quân sự của quốc tế sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng đa diện tại quốc gia Tây Phi này.
Binh sĩ Mali tại trung tâm thành phố Gao ngày 24/2/2013. Ảnh: AFP-TTXVN |
Ngay khi Pháp bắt đầu can thiệp vào Mali tháng 1/2013, nhiều nhà báo quốc tế đã sớm cảnh báo rằng các chiến binh Hồi giáo đã "tan biến" vào các vùng sa mạc rộng lớn ở miền bắc. Khi máy bay chiến đấu Pháp tấn công các cứ điểm quan trọng, quân nổi dậy đã chuẩn bị sẵn xe để hộ tống thủ lĩnh, đưa vũ khí và các tay súng rời khỏi các thị trấn chủ chốt. Những người chứng kiến xác nhận sự ra đi này là "có trật tự" và được chuẩn bị chu đáo.
Sự rút lui theo kế hoạch cho thấy ý định rõ ràng của phiến quân nhằm xác định lại bản chất của cuộc xung đột ở Mali theo quan điểm của họ. Thật vậy, trong một tài liệu bị al-Qaeda trong vùng Maghreb Hồi giáo (AQIM) bỏ lại ở Timbuktu, một chỉ huy cấp cao đã thừa nhận rằng một cuộc can thiệp quốc tế sẽ vượt quá khả năng chống cự của nhóm này, vì thế họ nên tạm rút về "các căn cứ ở phía sau".
Những sự kiện gần đây cũng cho thấy các lực lượng quân sự địa phương và quốc tế nên tính đến khả năng phiến quân tăng cường khả năng chống trả và tổ chức một chiến dịch tấn công kéo dài. Gần đây binh sĩ Mali đã phải đối phó với làn sóng tấn công đầu tiên khi hàng loạt kẻ đánh bom liều chết nhằm vào các căn cứ của quân đội Mali và các trạm kiểm soát ở thành phố Gao.
Khi các tỉnh phía bắc Mali trở nên an toàn hơn, chiến binh Hồi giáo sẽ tăng cường tấn công theo mục tiêu, sử dụng chiến tranh phi đối xứng để "nắn gân" lực lượng quốc tế và tìm cách giành lại ưu thế. Các hang động và những ngọn núi ở vùng Adrar des Ifoghas là địa điểm lý tưởng cho các nhóm chiến binh ẩn náu, chuẩn bị các hoạt động đánh và rút.
Một diễn biến đáng lo ngại khác trong những tuần gần đây là sự hợp tác ngày càng tăng giữa các nhóm chiến binh Hồi giáo ở khắp Tây Phi. Người dân Timbuktu phàn nàn rằng nhóm phiến quân Boko Haram của Nigiêria đã thiết lập các trại huấn luyện ở thành phố này. Một tờ rơi từ một nhóm chiến binh Nigiêria khác - nhóm Ansaru - đã được phát hiện tại Gao, trong một ngôi nhà bỏ hoang của Mokhtar Belmokhtar, thủ lĩnh của nhóm này. Hắn cũng được cho là đứng sau cuộc tấn công vào cơ sở khí đốt ở In Amenas, Angiêri vừa qua. Và người ta còn cho rằng Boko Haram có thể sử dụng Sát làm hậu tuyến để chuẩn bị cho các cuộc tấn công trong tương lai. Những nước "mong manh" như Sát và Nigiê sẽ gặp khó khăn trong việc ngăn cản các tay súng di chuyển tự do qua biên giới của họ.
Các nhà phân tích quốc tế cho rằng thách thức đối với Mali đòi hỏi một cách tiếp cận đa chiều, vượt ra ngoài khuôn khổ của chương trình can thiệp đơn thuần. Gốc rễ thực sự của cuộc khủng hoảng hiện nay đã bị lu mờ bởi "cuộc chiến chống khủng bố" được đưa tin rầm rộ trên các phương tiện truyền thông. Ngoài việc khôi phục trật tự, Mali cần có một ban lãnh đạo hợp pháp và trách nhiệm, có khả năng thương lượng về các giải pháp chính trị lâu dài. Chính phủ dân sự lâm thời ở Bamacô cùng với xã hội dân sự và các nhà hoạt động quốc tế nên sử dụng khoảng thời gian rảnh tay ngắn ngủi mà quân đội nước ngoài dành cho họ để giải quyết nạn tham nhũng triền miên và những đòi hỏi hợp pháp của các thành phần trong xã hội. Đây là những vấn đề được coi là gốc rễ của cuộc khủng hoảng đa diện ở nước này.
TTK (Theo ThinkAfricaPress)