Việc phải mất vài tháng để chính quyền Obama đưa ra quyết định cắt viện trợ cho Ai Cập do cuộc trấn áp đẫm máu của chính quyền nhằm vào những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi đã phản ánh sự khó khăn như thế nào trong việc cân bằng những lợi ích khác nhau của Mỹ tại quốc gia Trung Đông này.Máy bay F-16 Mỹ dự kiến viện trợ cho Ai Cập. Ảnh: Reuters. |
Một thành viên của Ủy ban Quân lực Hạ viện cho biết, Hiệp ước hòa bình của Ai Cập với Israel, quyền tiếp cận kênh đào Suez của tàu chiến Mỹ cùng với các máy bay chiến đấu của Lầu Năm Góc được phép bay qua không phận Ai Cập đã chi phối lớn đến việc cân nhắc của chính quyền Obama trước khi đưa ra quyết định cắt giảm viện trợ đối với Cairo.
Khi quân đội Ai Cập lật đổ chính phủ dân cử của ông Mohammed Morsi và đàn áp các cuộc biểu tình đã giết chết hàng trăm người ủng hộ ông thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo trong mùa hè vừa qua, chính quyền Mỹ chỉ lên án bạo lực nhưng không hủy bỏ 1,5 tỷ USD viện trợ hàng năm cho nước này.
Vào tháng 8/2013, Tổng thống Obama chỉ hủy một cuộc tập trận chung lớn với Ai Cập và đề nghị cắt giảm viện trợ về các hệ thống vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu F-16, trực thăng tấn công Apache và xe tăng M -1. Hơn nữa, kể từ khi ông Morsi bị quân đội truất phế ngày 03/07/2013, Mỹ chưa bao giờ coi đây là một cuộc đảo chính, vì trong trường hợp đó, Washington phải ngưng viện trợ quân sự cho Cairo ngay lập tức mà chỉ kêu gọi nước này nhanh chóng trở lại chế độ dân sự và sớm tổ chức một cuộc bầu cử mới. Ông Mohamed Morsi là vị tổng thống dân cử đầu tiên từ sau phong trào dân chủ, Mùa Xuân Ai Cập.
Sau đó, tình trạng bạo lực càng leo thang đã khiến nhiều người trong Quốc hội, trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain, R- Ariz …, kêu gọi Mỹ cần có một phản ứng mạnh mẽ hơn. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy có sự ủng hộ cắt giảm viện trợ từ quốc hội Mỹ, nhưng một mối quan tâm lớn khác đặt ra đó là việc Ai Cập sẽ phản ứng thế nào về hiệp ước hòa bình với Israel mà hai nước đã ký năm 1979.
Tuy nhiên, cuối cùng quyết định đã được đưa ra vì Mỹ tính toán rằng Ai Cập sẽ mất nhiều hơn nếu cắt đứt quan hệ gần gũi với Washington. Quân đội Ai Cập đã dựa rất nhiều vào sự viện trợ của Lầu Năm Góc với các loại vũ khí tối tân như máy bay chiến đấu F-4, máy bay vận tải C-130, trực thăng Black Hawk, các loại tên lửa, tàu chiến…
Hàng năm Mỹ cung cấp cho Ai Cập viện trợ quân sự trị giá tương đương 1,5 tỷ USD, chủ yếu dưới dạng khí tài quân sự và đào tạo huấn luyện, chống khủng bố, kể cả các chiến dịch ở sa mạc Sinai gần biên giới với Israel, ngoài ra, còn có các khoản viện trợ khác về kinh tế, y tế, giáo dục....
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố quyết định của Mỹ đình chỉ viện trợ cho Ai Cập không có nghĩa Washington muốn làm trầm trọng quan hệ giữa hai nước. "Chính phủ lâm thời (Ai Cập) hiểu rất rõ cam kết của chúng tôi đối với sự thành công của chính phủ này, cũng như mong muốn của chúng tôi được chứng kiến thành quả của họ. Do đó, không có chuyện chúng tôi khép lại quan hệ hay đi ngược lại những cam kết nghiêm túc về việc hỗ trợ Chính phủ Ai Cập", ông Kerry nói và khẳng định việc Mỹ tạm ngừng cung cấp khí tài hạng nặng cho Ai Cập có thể được dỡ bỏ "dựa trên biểu hiện" của Chính phủ Ai Cập.
Phản ứng với quyết định trên của Mỹ, Ngoại trưởng Ai Cập Nabil Fahmy ngày 16/10 tuyên bố quan hệ giữa Mỹ và Ai Cập đang bị khủng hoảng nghiêm trọng và điều này có thể gây tổn hại cho toàn bộ khu vực Trung Đông, "kể cả các lợi ích của Mỹ".