Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay hữu nghị tại đường phân định ranh giới hai miền ở làng đình chiến Panmunjom ngày 27/4. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
11 năm sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều gần nhất, lãnh đạo hai miền Triều Tiên mới lại tiến hành cuộc gặp ở cấp cao nhất để thảo luận về những vấn đề còn tồn đọng với niềm hy vọng mới về một nền hòa bình và ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
"Khi bước chân đến đây, tôi nghĩ, đến nơi đây có gì mà khó vậy? Vạch phân giới có cao lắm đâu mà cản trở bước chân, vậy mà chúng ta cũng phải mất đến 11 năm mới đến được đây". Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chia sẻ cảm nhận như vậy sau khi bước qua đường ranh giới quân sự để sang lãnh thổ Hàn Quốc và có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Moon Jae-in.
Có thể nói, hình ảnh hai nhà lãnh đạo cùng mỉm cười và bước đi cạnh nhau hoàn toàn đối lập với không khí căng thẳng, đe dọa và đối đầu sau các cuộc phóng tên lửa rầm rộ cùng vụ thử hạt nhân quy mô nhất của Triều Tiên hồi năm ngoái, những hành động khiến cộng đồng quốc tế gia tăng trừng phạt và làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột mới trên bán đảo Triều Tiên.
Đặc biệt, "phút ngẫu hứng" bất ngờ khi ông Kim Jong-un đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc, sau đó mời Tổng thống Hàn Quốc bước qua ranh giới để đi vào lãnh thổ Triều Tiên trong phút ngỡ ngàng của các quan chức chứng kiến, dường như phát đi thông điệp hòa giải giữa hai miền Triều Tiên, qua đó cho thấy sự cởi mở, chân thành của cả hai bên trước khi ngồi vào bàn đàm phán.
Chuyên gia về Triều Tiên Paik Hak-soon bình luận: “Đó là một khoảnh khắc cực kỳ xúc động với tất cả mọi người”. Hình ảnh hai nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên tay trong tay, vai kề vai cùng bước qua ranh giới quân sự và tiến hành các cuộc gặp đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới toàn thế giới rằng họ sẵn sàng cùng nhau khởi xướng hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.
Tiếp sau đó, hình ảnh hai nhà lãnh đạo cùng tham gia trồng lưu niệm một cây thông - biểu tượng của hòa bình và thịnh vượng - tại đường phân giới quân sự ở làng đình chiến Panmunjom càng khiến dư luận quốc tế kỳ vọng về tương lai tươi sáng giữa hai miền Triều Tiên.
Trước thềm cuộc gặp lần này, hai nhà lãnh đạo đã cam kết nỗ lực để đạt tiến triển thực chất tại cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử này, với "một thỏa thuận lớn” nhằm "viết nên một chương mới trong quan hệ hai nước". Hai cuộc gặp cấp cao trước đây giữa lãnh đạo hai miền, được tổ chức tại Bình Nhưỡng vào năm 2000 và 2007, đều không mang lại kết quả đáng kể trong việc kiềm chế tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và cũng không giúp cải thiện quan hệ song phương theo hướng bền vững và tốt đẹp.
Điều quan trọng, hai nhà lãnh đạo đã thể hiện quyết tâm hướng tới người dân hai miền, như lời Tổng thống Moon Jae-in, là sẽ có một thỏa thuận để “tặng món quà lớn cho người dân hai miền”, còn nhà lãnh đạo Triều Tiên kêu gọi chấm dứt đối đầu trên bán đảo Triều Tiên và bày tỏ mong muốn cuộc gặp thượng đỉnh này "có thể hàn gắn vết thương của người dân".
Với tinh thần trên, lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành một cuộc đối thoại được đánh giá là “chân thành và thẳng thắn" nhằm tìm cách phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên, cũng như phát triển các quan hệ liên Triều.
Quyết tâm thúc đẩy nền hòa bình được phản ánh rõ nét qua tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo với cam kết sẽ "không còn chiến tranh" trên bán đảo Triều Tiên và mở ra một kỷ nguyên hòa bình mới. Trong văn kiện mang tên "Tuyên bố Panmunjom vì hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên", hai bên đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, cam kết ngừng mọi hành động thù địch chống phá lẫn nhau, và biến Hiệp định đình chiến thành Hiệp ước hòa bình nhằm hướng đến chấm dứt chiến tranh trong năm nay.
Hai bên cũng nhất trí tổ chức các cuộc thảo luận thường kỳ và thẳng thắn về những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc, nhằm tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và cùng cố gắng thúc đẩy động lực tích cực cho việc tiếp tục cải thiện quan hệ liên Triều cũng như hòa bình, thịnh vượng và thống nhất của bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố chung cũng bao gồm một loạt cam kết liên quan đến việc giải trừ quân bị, biến Khu phi quân sự (DMZ) thành "vùng hòa bình", tìm kiếm các cuộc đối thoại đa phương với các nước khác như với Mỹ, đồng thời nhất trí với đề xuất giải giáp hạt nhân theo từng giai đoạn và tổ chức đàm phán quân sự cấp tướng vào tháng 5 tới, và tổ chức cuộc sum họp cho các gia đình ly tán trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 vào tháng 8 năm nay.
Có thể thấy một bầu không khí lạc quan đang lan tỏa không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới. Ngay sau khi tuyên bố chung được công bố, Nga và Nhật Bản đã ngay lập tức đánh giá lạc quan về triển vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Người phát ngôn của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov đã ca ngợi hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử là "tin tức rất tích cực", đồng thời cho rằng cuộc đối thoại trực tiếp về bán đảo bị chia cắt này là rất "khả quan", mang lại những triển vọng tích cực. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng hoan nghênh kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và cam kết của hai nhà lãnh đạo nhằm đạt được một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Abe còn bày tỏ hy vọng Triều Tiên có những hành động cụ thể hướng tới việc thực hiện những cam kết của nước này. Trung Quốc cũng hoan nghênh tuyên bố chung của Triều Tiên và Hàn Quốc. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đánh giá cuộc gặp này là "cuộc gặp lịch sử" giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên.
Theo giới phân tích, mặc dù chưa thể ngay lập tức thống nhất 2 miền Triều Tiên, song cuộc hội đàm đã tạo ra cơ hội tiến tới xóa bỏ những căng thẳng quân sự không cần thiết giữa 2 miền, cũng như mở ra triển vọng về một hiệp ước hòa bình thay thế cho Hiệp định đình chiến sau chiến tranh, qua đó góp phần cải thiện quan hệ và sự trao đổi giữa 2 nước.
Kết quả trên không nằm ngoài dự đoán trong bối cảnh ông Kim Jong-un và Moon Jae-in đang gặp nhau ở ý tưởng lớn là chấm dứt tình trạng đối đầu căng thẳng kéo dài nhiều năm nay ở bán đảo Triều Tiên. Là người kế thừa và ủng hộ chính sách Ánh dương trước đây, ông Moon Jae In là luôn muốn giải quyết hồ sơ Triều Tiên thông qua thúc đẩy hòa hợp dân tộc, thống nhất đất nước.