Khi đại dịch COVID-19 buộc Roberto Ferraro phải đóng cửa hiệu bánh mì ở Amelia, một thị trấn trên đỉnh đồi tuyệt đẹp ở miền Trung nước Ý, anh đã phải thuê một địa điểm mới để sản xuất thêm kem bán ra nước ngoài.
Ferraro muốn chuẩn bị để mở lại cửa hàng trong những tuần tới, tìm cách bảo đảm nguồn cung cấp và đảm bảo giãn cách xã hội giữa các khách hàng. Nhưng thay vào đó, người đàn ông 51 tuổi này lại đang mất thời gian và sức lực vật lộn với đống tài liệu mà ông phải nộp cho ngân hàng để xin các khoản vay được chính phủ bảo lãnh.
Câu chuyện "tiền đâu?"
Theo hãng tin Reuters, nỗ lực của Ferraro chỉ là một ví dụ về tình trạng quan liêu đang ghìm giữ những khoản viện trợ nhà nước mà doanh nghiệp lúc này rất cần để sống sót trong nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone, cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19.
“Khi nào tôi có thể nhận được tiền? Các ngân hàng cũng không biết, còn tuỳ - vài ngày, vài tuần, họ không biết”, Ferraro nói. “Hồi tháng Ba, chúng tôi đã thanh toán tiền điện và lương kể cả khi đã bị buộc đóng cửa. Không giống như các siêu thị, chúng tôi đã không thể bán bánh Phục sinh”
Câu chuyện nguồn vốn của các doanh nghiệp ở Rome cũng xuất hiện ở mức độ lớn hơn hoặc nhỏ hơn tại các quốc gia khác trên khắp thế giới áp dụng phong tỏa để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Là quốc gia phương Tây đầu tiên phải đóng cửa, Italy đang tiên phong trong các động thái nhằm thận trọng mở cửa lại nền kinh tế. Từ ngày 4/5, các cửa hàng như của ông Ferraro có thể cung cấp sản phẩm mang đi và hoạt động kinh doanh sẽ khôi phục hoàn toàn từ 1/6.
Nhưng số liệu về giải ngân các khoản hỗ trợ của chính phủ cho đến nay là đáng lo ngại với cả giới lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia. Chính phủ Italy cho biết các khoản bảo lãnh nợ do nhà nước cung cấp có thể mở khóa tới 740 tỷ euro (803 tỷ USD) cho các doanh nghiệp đã bị tê liệt sau 7 tuần đóng cửa.
Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có 3,1 tỷ euro được giải ngân, trong đó, chỉ 115 triệu euro dưới dạng các khoản vay trị giá dưới 25.000 euro được nhà nước bảo đảm hoàn toàn, không yêu cầu ngân hàng xác minh tín dụng đối với người vay.
Nguy cơ phá sản hàng loạt
Vấn đề tài chính ở Italy đang cấp thiết hơn ở các nước châu Âu khác vì nền kinh tế đã chững lại từ trước dịch COVID-19, rồi lại bị virus SARS-CoV-2 tấn công mạnh nhất ở trung tâm công nghiệp phía Bắc đất nước, nơi chiếm tới 1/3 sản lượng kinh tế.
Các nhà kinh tế cho biết, nếu các khoản vay đến quá muộn khiến 2,1 triệu công ty không thể hoạt động, Italy chắc chắn sẽ không thể ngăn được một loạt vụ phá sản, cho dù gói kích thích kinh tế đã đẩy nợ công lên 156% GDP trong năm nay.
“Một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhất của các biện pháp [hỗ trợ tài chính] là chính phủ tạo ấn tượng rằng tiền đã chờ sẵn ở đó và tất cả mọi người chỉ cần đến ngân hàng lĩnh”, ông Salvo Politino, Phó Chủ tịch tổ chức vận động doanh nghiệp Unimeaway, nói. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Roberto Gualtieri đã bác bỏ chỉ trích về các biện pháp thanh khoản, nói rằng chúng có hiệu quả ngay lập tức và cung cấp “hỏa lực ấn tượng”.
Trước đại dịch, nhờ món bánh “baba” rưới rượu rum gia truyền, doanh nghiệp của ông Ferraro đã mở rộng mà không cần bất kỳ khoản vay ngân hàng nào trong 5 năm kể từ ngày khai trương.
Còn hiện giờ, Ferraro phải nộp đơn xin hai loại khoản vay được nhà nước bảo lãnh khác nhau, bao gồm một loại được bảo đảm hoàn toàn. Việc triển khai các khoản vay như vậy đã bắt đầu từ tuần trước, vấp phải một loạt các khiếu nại về tình trạng quan liêu và đã khiến ngân hàng ABI phải dừng yêu cầu các tài liệu không cần thiết cũng như không yêu cầu người vay trả hết những khoản nợ hiện tại bằng khoản vay mới.
Điều đó thể hiện một sự thay đổi văn hóa lớn đối với một ngành công nghiệp tài chính đã dành phần lớn thập kỷ vừa qua để cân đối các khoản vay sau khi bị thanh tra “tuýt còi” vì cho vay quá tự do.
Cái khó của ngân hàng
Ferraro cho biết cả hai ngân hàng mà ông đăng ký vay đều yêu cầu báo cáo thu nhập trong năm 2018 và 2019, một đòi hỏi vốn không bắt buộc theo nghị định của chính phủ. Kinh nghiệm của ông cho thấy các doanh nghiệp khác cũng đang vật lộn để tồn tại khi nền kinh tế Italy rơi vào cuộc suy thoái lần thứ tư trong vòng một thập kỷ, với mức sụt giảm dự kiến 8% trong năm nay.
Các quan chức ngân hàng giải thích rằng họ không thể xử lý hết khối lượng yêu cầu cho vay, mà theo Ngân hàng Trung ương Italy đến nay mới được 1,3 triệu euro trong tổng yêu cầu trên 140 tỉ euro. Bên cạnh việc bảo đảm 100% cho các khoản vay nhỏ, Italy cung cấp bảo lãnh 90% cho tới các khoản tới 800.000 euro. Chính phủ cũng bảo lãnh từ 70% - 90% các khoản vay lớn hơn, tùy thuộc vào quy mô của công ty.
Tuy nhiên các ngân hàng vẫn phải đánh giá uy tín tín dụng, vì họ chịu một phần rủi ro, trong khi cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến việc đánh giá khả năng trả nợ trở nên khó khăn.
Các nhà cho vay nói rằng họ đối mặt với rủi ro pháp lý theo luật của Italy vì họ có thể phải chịu trách nhiệm về lạm dụng tín dụng hoặc hỗ trợ phá sản nếu một người vay vỡ nợ.
“Nguy cơ hàng chục ngàn công ty có thể ‘chết khát’ là rất đáng kể. Tình hình nghiêm trọng hơn nhiều so với khả năng khắc phục của các biện pháp mà chính phủ đưa ra”, chuyên gia Roberto Sambuco, một đối tác tại công ty tư vấn tài chính hàng đầu Italy Vitale&Co, nhận xét.
Trong khi đó, ngân hàng ABI đang kêu gọi một lá chắn pháp lý khỏi việc bị truy tố ít nhất là đối với các khoản vay trị giá tới 100.000 euro.