Mô hình tiêm chủng kết hợp vaccine ngừa COVID-19

Trong nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, một số quốc gia đang từng bước cho phép tiêm mũi thứ hai bằng loại vaccine khác với mũi đầu tiên.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã được tiêm mũi 2 bằng vaccine của hãng Moderna. Ảnh: AFP/TTXVN

Lãnh đạo một số nước cũng đã được tiêm chủng theo mô hình kết hợp này, trong đó Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa được tiêm mũi 2 bằng vaccine của hãng Moderna, hay Thủ tướng Italy Mario Draghi tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech, sau khi tiêm mũi 1 là vaccine của hãng Astra Zeneca.

Sự thay đổi này được thực hiện sau khi một số nhà khoa học cho rằng việc tiêm kết hợp hai loại vaccine như vậy có thể nâng cao hiệu quả trong cuộc chiến chống đại dịch. Một số quốc gia đã lựa chọn hình thức kết hợp khi nguồn cung của một loại vaccine cụ thể bị cạn kiệt, trong khi loại khác lại có sẵn; hoặc loại vaccine đầu tiên không đem lại hiệu quả cao; hoặc do thận trọng, cân nhắc tới yếu tố an toàn khi một số loại vaccine gây ra phản ứng không mong muốn ở những người đã tiêm liều đầu tiên. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu buộc các nước phải cân nhắc tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau.

Từ lâu, các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng việc tiêm hai loại vaccine khác nhau có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn, do vaccine kích thích các khu vực khác nhau của hệ thống miễn dịch hoặc "huấn luyện" nó nhận ra các phần khác nhau của mầm bệnh xâm nhập. Các nhà khoa học gọi đây là “tăng nguyên tố dị hợp”. Đây không phải là ý tưởng mới, các nhà nghiên cứu cũng đã thử nghiệm phương pháp này trong cuộc chiến chống lại một số bệnh khác, như dịch Ebola.

Chú thích ảnh
Một cụ bà được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech tại Haxby, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chuyên gia cũng cho biết việc kết hợp vaccine COVID-19 không chỉ là sử dụng vaccine do hai hãng khác nhau sản xuất, mà còn là phối hợp hai cách kích hoạt phản ứng miễn dịch khác nhau, do công nghệ bào chế vaccine khác nhau. Chẳng hạn, vaccine của Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ mRNA. Đa số các loại vaccine COVID-19 còn lại được phát triển dựa trên công nghệ viral vector (như vaccine Sutnik V, vaccine của AstraZeneca hay Johnson&Johnson), có loại vaccine lại dựa trên protein. Theo các nhà khoa học, việc kết hợp các loại vaccine có công nghệ phát triển khác nhau có thể "kích hoạt" những khả năng khác nhau của hệ miễn dịch, từ đó bảo vệ cơ thể tốt hơn và tăng khả năng chống lại các biến thể.

Chuyên gia Dipyaman Ganguly thuộc Viện Sinh hóa Ấn Độ tin rằng việc kết hợp 2 loại vaccine “có thể trở thành một lá chắn tốt hơn” chống lại các thể virus đột biến. Trong tương lai, cách tiếp cận này có thể dẫn đến sự ra đời của các dòng vaccine “đa năng”, đủ sức bảo vệ con người trước những biến thể khác nhau.

Trong khi đó, chuyên gia Zhou Xing, nhà miễn dịch học tại Đại học McMaster ở Canada, nhấn mạnh ngoài những lợi ích tiềm năng về miễn dịch học, việc kết hợp hai loại vaccine gần giống nhau cũng “mang lại sự linh hoạt cần thiết khi nguồn cung cấp vaccine không đồng đều hoặc hạn chế". 

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ tháng 2/2021, nhóm các nhà nghiên cứu vaccine của Đại học Oxford (Anh) đã bắt đầu thực hiện thử nghiệm, theo đó các tình nguyện viên được tiêm mũi thứ nhất vaccine của AstraZeneca và mũi thứ hai của Pfizer nhằm xác định mức độ an toàn và hiệu quả của việc tiêm kết hợp vaccine. Từ tháng 4, thêm vaccine của Moderna và Novavax cũng được đưa vào nghiên cứu. Chủ nhiệm công trình nghiên cứu này, Phó Giáo sư về nhi khoa và tiêm chủng tại Đại học Oxford Matthew Snape cho biết trọng tâm của nghiên cứu là tìm hiểu xem các loại vaccine phòng COVID-19 sẵn có liệu có thể được sử dụng một cách linh hoạt hơn, kết hợp hai loại vaccine khác nhau cho 2 mũi tiêm, hay không. Dữ liệu sơ bộ từ nghiên cứu này cho thấy người được tiêm 2 loại vaccine khác nhau có khả năng cao xuất hiện phản ứng phụ ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, bao gồm sốt, mệt mỏi và đau đầu, so với nhóm tiêm đủ liều của một loại vaccine. Các nhà nghiên cứu cho rằng các tác dụng phụ có thể là dấu hiệu của phản ứng miễn dịch mạnh và hầu hết các tác dụng phụ đều biến mất trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, chế độ điều trị không phù hợp sau khi tiêm có thể dẫn tới một số bất lợi ngắn hạn.

Phó Giáo sư Matthew Snape kỳ vọng nếu nghiên cứu có thể chứng minh rằng việc tiêm chủng kết hợp này tạo ra phản ứng miễn dịch tốt như việc tiêm chủng tiêu chuẩn và không làm tăng đáng kể các phản ứng đối với vaccine, sẽ có nhiều người hoàn thành kế hoạch tiêm chủng phòng COVID-19 sớm hơn. Điều này cũng sẽ hỗ trợ hệ thống y tế ứng phó trong trường hợp thiếu hụt bất kỳ loại vaccine đang được sử dụng. 

Ngoài nghiên cứu tại Anh, các nhà nghiên cứu Nga cũng đang thử nghiệm kết hợp giữa vaccine Sputnik V và sản phẩm của AstraZeneca. Hầu hết các nghiên cứu vẫn đang ở giai đoạn đầu, nhưng một số đã đưa ra kết quả sơ bộ đầy hứa hẹn. Một nghiên cứu của Viện Y tế Carlos III (Tây Ban Nha) công bố tháng trước cho thấy những người được tiêm vaccine của AstraZeneca mũi đầu và vaccine của Pfizer mũi thứ hai  có kháng thể chống virus SARS-CoV2 tốt hơn (gấp 7 lần) những người chỉ tiêm vacccine của AstraZeneca. Hiện Tây Ban Nha đã cho phép những người dưới 60 tuổi tiêm kết hợp hai loại vaccine này. 

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca cho người dân tại Bremen, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Một số quốc gia châu Âu như Đức, Thụy Điển, Pháp, Tây Ban Nha và Italy cho phép những người tiêm một liều vaccine của AstraZeneca có thể tiêm mũi 2 bằng một loại vaccine khác, đặc biệt trong trường hợp có liên quan đến chứng rối loạn đông máu hiếm gặp. Hiện Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho phép kết hợp 2 liều vaccine của hãng Pfizer và Moderna trong những tình huống đặc biệt, chẳng hạn như khi thiếu vaccine hoặc người được tiêm không rõ nguồn gốc của mũi tiêm đầu. Từ đầu tháng 6, nước này cũng triển khai cuộc thử nghiệm lâm sàng tiêm liều tăng cường bằng vaccine khác cho người trưởng thành và đang chờ kết quả. Canada khuyến nghị các tỉnh bang nên tiêm vaccine khác (của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna) cho liều thứ hai nếu mũi đầu là vaccine của AstraZeneca. 

Tại châu Á, để đối phó với việc chậm giao vaccine của AstraZeneca, Hàn Quốc tuần trước đã thông báo rằng các nhân viên y tế đã tiêm liều đầu tiên của loại vaccine đó có thể nhận mũi thứ hai là của hãng Pfizer. Ấn Độ, Malaysia cũng cân nhắc áp dụng biện pháp tương tự.

Trung Quốc cũng đang xem xét tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau để cải thiện hiệu quả của vaccine được sản xuất trong nước. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc Cao Phúc cho rằng một lựa chọn khác để khắc phục vấn đề hiệu quả là đan xen sử dụng các liều vaccine ứng dụng công nghệ khác nhau. Đây cũng là lựa chọn mà các chuyên gia y tế nước ngoài đang nghiên cứu.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Cailungo, San Marino, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Bên cạnh việc tiêm 2 loại vaccine khác nhau, một số nước, trong đó có Thái Lan và Chile, cũng đang cân nhắc tiêm liều tăng cường cho những người đã đủ 2 mũi vaccine để nâng cao khả năng miễn dịch nhằm đối phó với các biến thể mới của virus. Theo chiến lược mới, mũi tiêm đầu tiên có thể là vaccine của AstraZeneca, kế đến là của hãng Pfizer/BioNTech hoặc Moderna, và liều tăng cường có thể là của Novavax.

Với những thử nghiệm bước đầu trên, giới khoa học cho rằng về ngắn hạn, việc kết hợp tiêm các loại vaccine khác nhau có thể là giải pháp tình thế nên được cân nhắc, trong bối cảnh tình trạng khan hiếm nguồn cung vaccine đang ảnh hưởng tới tiến độ tiêm chủng ở nhiều nước. Còn về lâu dài, vẫn cần có những nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu và đánh giá khả năng bảo vệ thực tế của mô hình tiêm kết hợp vaccine này. Các nghiên cứu sẽ phải tập trung theo dõi các nhóm lớn được tiêm hai loại vaccine kết hợp, đối chiếu với nhóm tiêm một loại để đưa ra đánh giá cụ thể.

Các nhà khoa học cũng đang tìm hiểu những biến thể của virus SARS-CoV-2 có ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả của các loại vaccine khác nhau. Về lâu dài, các nhà sản xuất cũng sẽ phải nghiên cứu điều chỉnh để vaccine có thể ứng phó tốt với các biến thể mới.

Trần Thanh Bình (TTXVN)
Nỗi sợ COVID-19 quay trở lại tại 'hình mẫu tiêm chủng' Israel
Nỗi sợ COVID-19 quay trở lại tại 'hình mẫu tiêm chủng' Israel

Với trên 5,5 triệu người đã được tiêm vaccine, Israel tin chắc đại dịch sắp chấm dứt tại quốc gia này. Tuy nhiên, tình trạng gia tăng các ca mắc COVID-19 gần đây một lần nữa gây lo ngại đại dịch quay trở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN