Theo bình luận của báo Deutsche Welle (Đức) mới đây, vấn đề Ukraine trung lập là một trong những điều kiện mà Nga cho rằng để chấm dứt cuộc xung đột hiện nay. "Đây là một vấn đề đang được thảo luận và có thể được coi là một sự thỏa hiệp nhất định", người phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vào tháng 3/2022 khi các cuộc đàm phán của hai bên đang diễn ra.
Deutsche Welle cho rằng Ukraine cam kết trung lập khi độc lập vào năm 1991, nhưng đã thay đổi quan điểm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu để sửa đổi hiến pháp và biến tư cách thành viên Liên minh châu Âu và NATO thành mục tiêu quốc gia.
Nhưng không chỉ Nga muốn ngăn chặn vấn đề này. NATO đã liên tục từ chối tư cách thành viên của Ukraine vì lo ngại điều này sẽ kích hoạt một cuộc đối đầu quân sự với Nga. Và giờ đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận rằng mục tiêu gia nhập NATO có lẽ là không thể thực hiện được.
Ba quốc gia trung lập thường được coi là hình mẫu cho một Ukraine trung lập: Áo, Thụy Điển và Phần Lan. Nhưng mỗi nước đều có một lịch sử riêng biệt.
Áo, giống như Đức, đã bị chiếm đóng bởi bốn cường quốc Đồng minh vào cuối Thế chiến thứ hai: Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp. Liên Xô đồng ý rút lui với điều kiện Áo cam kết thực hiện "trung lập vĩnh viễn", sau đó được ghi trong Hiến pháp nước này vào năm 1955.
Leos Müller, nhà sử học tại Đại học Stockholm và là tác giả của cuốn sách "Tính trung lập trong Lịch sử Thế giới", cho rằng địa vị trung lập mang lại cho các quốc gia như Áo, Thụy Sĩ (và Bỉ) một vị thế quốc tế đặc biệt, khiến Geneva, Berne, Brussels và Vienna trở thành những vị trí đắc địa cho các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc.
Nhưng Thụy Điển, không giống như Áo, đã chọn trung lập sau khi phải nhượng lại Phần Lan - khi đó là lãnh thổ của Thụy Điển - cho Nga, sau một cuộc chiến tranh vào năm 1809.
Phần Lan độc lập vào năm 1917 khi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb nhận định: “Chúng tôi sẽ không thể giữ được chủ quyền của mình nếu không có một nền tảng trung lập thực dụng”.
Tuy nhiên, sự trung lập này dường như đã bị mai một theo thời gian. Áo, Phần Lan và Thụy Điển không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, nhưng họ đã trở thành thành viên của EU vào năm 1995. Trong khi đó, EU cũng có chính sách an ninh và đối ngoại chung với các yếu tố quân sự. Mới đây, các bộ trưởng ngoại giao của EU đã đồng ý thành lập một lực lượng phản ứng nhanh lên đến 5.000 binh sĩ.
Các nước láng giềng của Nga là Thụy Điển và Phần Lan đặc biệt quan tâm đến vấn đề hợp tác quân sự với NATO. Vào tháng 6 năm ngoái, Thụy Điển và Phần Lan đã mời bảy quốc gia NATO, trong đó có Đức, tham gia cuộc diễn tập chung "Thách thức Bắc Cực 2021".
Hai quốc gia này hiện cũng đang tham gia cuộc tập trận quy mô lớn "Phản ứng Lạnh", với sự tham gia của khoảng 30.000 binh sĩ từ 27 quốc gia từ ngày 14/3 - 1/4/2022, ở phía bắc Na Uy, chỉ cách biên giới Nga vài trăm km. Cuộc diễn tập này đã được lên kế hoạch từ lâu trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, nhưng giờ đây nó đã mang một ý nghĩa đặc biệt.
Leos Müller nhận định, cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến Thụy Điển và Phần Lan phải suy nghĩ lại, vì họ cảm thấy "bị đặt vào tình thế nguy hiểm về mặt chiến lược". Phần Lan có đường biên giới dài với Nga, trong khi ở ngay bên kia Biển Baltic, các thành viên NATO là Estonia và Latvia, những quốc gia có đông dân tộc thiểu số nói tiếng Nga, đã lo lắng cho an ninh của chính họ. Và vùng ngoại ô Kaliningrad của Nga là căn cứ triển khai các tên lửa tầm trung nằm trên Bờ biển Baltic, chỉ cách Helsinki và Stockholm 800 km.
Thụy Điển và Phần Lan hiện đang thảo luận về việc liệu họ có nên từ bỏ vị thế trung lập và gia nhập NATO hay không. Nếu tham gia, họ sẽ được bảo vệ bởi Điều 5 của NATO, trong đó quy định rằng một cuộc tấn công vào một thành viên được coi là một cuộc tấn công Liên minh và sẽ kích hoạt các phản ứng tự vệ.
Ông Stubb lưu ý rằng Phần Lan hiện đang cân nhắc nộp đơn xin gia nhập NATO. "Vấn đề không phải là nếu, mà là khi nào", ông Stubb nói. Theo các cuộc thăm dò gần đây, 62% người Phần Lan hiện ủng hộ tư cách thành viên, chỉ có 16% phản đối. Ông Stubb cho biết: "Quá trình này đã được khởi động trong Chính phủ và Quốc hội Phần Lan. Con tàu đã rời ga. Điểm đến cuối cùng của nó sẽ là trụ sở chính ở NATO".
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan là "đáng hoan nghênh nhất".
Nhưng theo Leos Müller, Stockholm có vẻ chưa chắc. Ở Thụy Điển, chỉ 41% ủng hộ việc gia nhập NATO, trong khi 35% phản đối. Ông Müller cho rằng vấn đề tư cách thành viên NATO sẽ đứng đầu chương trình nghị sự trong cuộc bầu cử Qquốc hội Thụy Điển vào tháng 9 tới. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra, quan điểm ở nước này đã thay đổi rất nhiều và nếu cả Thụy Điển, Phần Lan quyết định tham gia, thì họ sẽ làm điều đó cùng nhau, trong một động thái phối hợp.
Báo Deutsche Welle bình luận, cho đến nay, vấn đề tư cách thành viên NATO chưa được đề cập ở Áo, nhưng nước này ở một vị trí địa chiến lược rất khác biệt. Vấn đề cần lưu ý là nếu Thụy Điển và Phần Lan tìm cách từ bỏ vị thế trung lập, thì họ không thể trở thành hình mẫu cho một Ukraine trung lập.