Trong khuôn khổ các chuyến thăm, bên cạnh hội đàm với lãnh đạo các nước chủ nhà, thảo luận về các vấn đề hợp tác vĩ mô, những người đứng đầu các nền kinh tế Đông Nam Á đã gặp gỡ, tiếp xúc với hàng chục doanh nghiệp, mở rộng kết nối giữa giới kinh doanh trong những lĩnh vực thế mạnh của từng nước. Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, trao đổi và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là nội dung trọng tâm trong các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo các nước.
Với chương trình nghị sự tập trung vào mở rộng cơ hội hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, nhiều hợp đồng trị giá hàng tỷ USD đã được các nước ký kết nhân chuyến công tác lần này của các lãnh đạo Đông Nam Á. Trong 6 ngày ở Đức (10-15/3), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã có các cuộc gặp bàn tròn và riêng rẽ với hàng chục lãnh đạo ngành công nghiệp và doanh nghiệp Đức, bao gồm các tập đoàn lớn như X-Fab, Infineon Technologies AG hay Schott AG, qua đó giúp Malaysia thu hút những khoản đầu tư tiềm năng trị giá 45,4 tỷ ringgit (9,69 tỷ USD) đến từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau như chất bán dẫn, hàng không vũ trụ, thiết bị y tế, hóa chất và dịch vụ. Chuyến thăm từ ngày 11-15/3 của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tới Đức và CH Séc cũng được đánh giá là “đầy hiệu quả” khi mang về những thỏa thuận đầu tư trị giá ít nhất 4 tỷ USD từ các doanh nghiệp Đức, trong khi Philippines và CH Séc ký kết 3 Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực đầy triển vọng như chất bán dẫn, công nghệ thông tin và đẩy mạnh phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư. Trong khi đó, trọng tâm chương trình nghị sự của Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin trong chuyến thăm chính thức Pháp và Đức là thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Thái Lan và EU, hợp tác chặt chẽ hơn trong thương mại và đầu tư. Viện Nghiên cứu Phát triển tương lai Thái Lan ước tính FTA với EU sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hằng năm của nước này thêm 1,2%, trong khi xuất nhập khẩu hằng năm cũng tăng 2,8%.
Đều nhằm mở rộng cánh cửa hợp tác, thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế với các thị trường lớn và đẩy tiềm năng ở châu Âu, chuyến thăm "Lục địa già" lần này còn có những ý nghĩa riêng đối với từng quốc gia. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Marcos Jr. công du châu Âu kể từ tháng 5/2023, và ông cũng là Tổng thống Philippines đầu tiên thăm Đức trong 10 năm qua. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 6/2022, Tổng thống Marcos Jr. đã tìm cách cải thiện mối quan hệ của Manila với phương Tây, vốn đã bị tổn hại nặng nề dưới thời người tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Nhà lãnh đạo Philippines khẳng định chuyến thăm đánh dấu một thời điểm quan trọng trong nỗ lực của Philippines nhằm tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ song phương và khám phá các con đường tăng cường hợp tác với Đức và CH Séc cũng như cả thế giới. Ông nhấn mạnh” Tôi nhìn nhận chuyến thăm với sự mong đợi và lạc quan về những cơ hội được khám phá”.
Đối với Thái Lan, Thủ tướng Thavisin công du châu Âu trong bối cảnh vòng đàm phán thứ ba về Hiệp định thương mại tự do giữa nước này và EU dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 tới. Thái Lan đang hy vọng sẽ ký kết FTA với EU vào năm 2025, nhằm vực dậy nền kinh tế trì trệ sau đại dịch COVID-19. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Thái Lan, với giá trị trao đổi song phương đạt 34,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2023. Do đó, việc tăng cường hợp tác và nhận được sự ủng hộ của Đức và Pháp - 2 nền kinh tế hàng đầu châu Âu - là điều rất quan trọng với Thái Lan.Tại Paris và Berlin, ông Thavisin đều nhận được những cam kết ủng hộ đối với việc thúc đẩy thỏa thuận được ký kết cũng như nỗ lực của Bangkok gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) .
Trong khi đó, thông qua chuyến thăm của Thủ tướng Anwar tới Đức, Malaysia cũng hướng tới củng cố tình hữu nghị lâu dài giữa hai nước, được xây dựng trên mối quan hệ kinh tế bền chặt và sự tôn trọng lẫn nhau. Với kim ngạch thương mại song phương lên tới 13,9 tỷ USD trong năm 2023, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của nước này trong EU. Ngược lại, Malaysia là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong ASEAN. Hiện có hơn 700 doanh nghiệp Đức đặt trụ sở ở Malaysia, tạo ra khoảng 65.000 việc làm. Việc mở rộng hợp tác nhiều mặt chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước. Thủ tướng Scholz cũng nhấn mạnh rằng việc củng cố hơn nữa quan hệ đối tác hoàn toàn phù hợp với mục tiêu đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế của Đức trên toàn thế giới.
Diễn ra cùng một thời điểm, các chuyến công du phản ánh mối quan tâm không chỉ của các nước Đông Nam Á mà cả từ châu Âu trong việc thúc đẩy quan hệ giữa các nước nói riêng và EU nói chung với khu vực ASEAN đầy tiềm năng. Đặc phái viên của EU về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Richard Tibbels cho rằng, EU đang thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng với thị trường khổng lồ khoảng 670 triệu dân của ASEAN, bởi tiềm năng của khu vực này là rất lớn. EU có thể sớm nối lại đàm phán về các FTA riêng biệt với Malaysia và Philippines sau nhiều năm tạm dừng, sau khi đã có “các FTA tiên tiến nhất” với Singapore và Việt Nam và đàm phán với Thái Lan đang diễn ra tốt đẹp. Trong một phát biểu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ hy vọng EU sẽ hoàn tất FTA với các nước trong khu vực ASEAN, tăng cường sự thịnh vượng của các quốc gia thông qua thương mại và đầu tư công nghiệp tốt.
Riêng đối với Đức, điểm đến chung của lãnh đạo các nước trong dịp này, chuyên gia Felix Heiduk thuộc Viện An ninh và Quốc tế Đức nhận định, các nhà hoạch định chính sách Đức coi Đông Nam Á là tâm điểm của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thế kỉ 21 và là khu vực chủ yếu diễn ra sự cạnh tranh Mỹ-Trung. Sự can dự kinh tế ngày càng tăng của Đức tại khu vực này là một phần của quá trình đa dạng hóa quan hệ thương mại ở châu Á và ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á cũng tìm đến Đức nói riêng và EU nói chung như một đối tác chiến lược phòng ngừa rủi ro khi cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gia tăng.
Với thiện chí và mong đợi đến từ hai phía, chuyến công du của các nhà lãnh đạo Malaysia, Philippines và Thái Lan tới châu Âu hứa hẹn không chỉ giúp tăng cường quan hệ và thu hút đầu tư song phương, mà còn mở ra thêm nhiều cánh cửa hợp tác giữa ASEAN và EU.