Vụ tấn công khủng bố vào trường Đại học Moi ở thị trấn Garissa, đông bắc Kenya, làm gần 150 người thiệt mạng đã cho thấy mối đe dọa ngày càng lớn và khả năng gây ra những vụ thảm sát của nhóm Hồi giáo cực đoan Al-Shabaab, bất chấp những chiến dịch thanh trừng của Nairobi và cái chết của những tên cầm đầu nhóm này.Binh sĩ Kenya được triển khai truy lùng phiến quân al - Shabaab, một ngày sau vụ tấn công ở Garissa, ngày 3/4. Ảnh:AFP/TTXVN |
Vụ tấn công khủng bố vừa qua cũng đặt ra những câu hỏi về chiến lược an ninh của Chính phủ Kenya mà những nhà chỉ trích cho rằng đang khiến những người Hồi giáo và cộng đồng người Somali ở Kenya trở nên xa lánh với những cộng đồng khác trong xã hội. Ông Mohamed Mubarak, một nhà phân tích an ninh đang làm việc tại Somali, nói: "Al-Shabaab muốn tạo ra một bầu không khí lo sợ và nghi ngờ nhằm giành lấy chỗ đứng lâu dài. Chúng có thể thành công nếu phản ứng của Kenya không được tính toán kỹ lưỡng".
Các tay súng Al-Shabaab đã tấn công vào trường Đại học Moi ở thị trấn Garissa gần biên giới Somali hôm 2/4. Sau đó, chúng đã thả một số người Hồi giáo và nhằm mục tiêu vào những người theo đạo Cơ đốc. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất kể từ khi Al-Qaeda đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Nairobi năm 1998 và là hành động gây chú ý nhất của nhóm Al-Shabaab kể từ khi nhóm này tấn công vào Trung tâm thương mại Westgate ở Nairobi năm 2013, khiến 67 người thiệt mạng.
Mặc dù sau đó Al-Shabaab mất dần quyền kiểm soát các khu vực ở Somali và bị phân tán lực lượng, nhưng các nhà ngoại giao cảnh báo nhóm này vẫn có khả năng gây ra những vụ tấn công tàn bạo theo kiểu du kích. Một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây phát biểu: "Về cơ bản, chúng ta đang chứng kiến sự ra đời của một nhóm Boko Haram ở Kenya. Al-Shabaab có chiến lược rõ ràng, đầu tiên là làm suy yếu quyền lực của chính quyền trung ương Kenya đối với toàn bộ khu vực đông bắc và khiến cho cộng đồng thiểu số Somali xa lánh những người Kenya còn lại". Một nhà ngoại giao cấp cao khác của phương Tây cho biết: "Nhà chức trách Kenya đã có thông tin tình báo và cố gắng hành động nhưng Al-Shabaab đã tìm ra được kẽ hở".
Mặc dù Chính phủ Kenya mới đây đã cải tổ bộ máy an ninh, trong đó có việc thay thế các nhân vật không được lòng dân và tăng cường các nỗ lực nhằm cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan an ninh và "nhổ tận gốc rễ" nạn tham nhũng, nhưng các nhà ngoại giao cho rằng việc nhằm mục tiêu vào những người gốc Somali đang mang lại kết quả ngược với mong muốn.
Nhiều nhóm vận động nhân quyền và hoạt động xã hội của người Hồi giáo cho biết cộng đồng của họ đang trở nên xa lánh với những cộng đồng khác do những cuộc thanh trừng mạnh tay của lực lượng an ninh Kenya. Cảnh sát Kenya đã khám xét hàng loạt nhà thờ và các khu vực được cho là che giấu những tay súng thánh chiến và bắt giữ hàng nghìn người gốc Somali, trong đó nhiều người đã phàn nàn là bị đối xử tồi tệ và buộc phải đút lót mặc dù sau đó họ được thả mà không bị cáo buộc gì. Ông Mubarak cho rằng: "Al-Shabaab không nhằm mục tiêu vào người Hồi giáo vì Chính phủ Kenya đã làm điều đó và do vậy họ làm điều ngược lại".
Trong những tháng gần đây, Al-Shabaab đang gặp phải những vấn đề mà các chuyên gia cho rằng càng khiến cho nhóm này trở nên nguy hiểm hơn đối với Kenya. Nhóm này đã bị suy yếu nghiêm trọng, mất dần lãnh thổ ở Somali vào tay lực lượng đa quốc gia do các nước châu Phi điều đến. Ngoài những mâu thuẫn nội bộ dẫn đến các vụ thanh toán lẫn nhau, các vụ không kích của Mỹ cũng đã khiến một số tên cầm đầu Al-Shabaab thiệt mạng. Một nhà ngoại giao phương Tây cho rằng: "Al-Shabaab đang trở nên nguy hiểm hơn vì chúng đang bị phân tán lực lượng. Chúng sẽ chỉ tìm các mục tiêu "mềm" và chúng đã tìm thấy một mục tiêu như vậy".
Huy Hiệp (Theo Thời báo Tài chính)