Mỹ và các đồng minh của họ đang đi tiên phong trong việc sử dụng máy bay không người lái vũ trang. Nhưng các quốc gia khác, bao gồm cả các đối thủ chiến lược của Mỹ cũng đang đuổi kịp họ. Máy bay không người lái đang trở thành một mối đe dọa trên toàn cầu.
Máy bay không người lái mới "Shahed 129" của Iran. Ảnh: AFP/TTXVN |
Công bố mới nhất của Tổ chức Báo chí Điều tra (BIJ) cho biết 550 người, trong đó 295 người được cho là dân thường, đã bị thiệt mạng vì máy bay không người lái. Và trong số 295 dân thường này có 95 trẻ em.
Trước đây, chỉ có Mỹ và Israel là hai nước sản xuất và xuất khẩu máy bay không người lái chủ chốt của thế giới. Sau đó, Anh đã tham gia cùng với hai nước này để trở thành bộ ba sử dụng loại vũ khí này nhiều nhất trong chiến đấu. Tuy nhiên, bức tranh này đã thay đổi nhanh chóng sau khi Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây bắt đầu quan tâm đến loại vũ khí công nghệ cao này.
Hiện nay, Israel đang chiếm tới 40% thị trường máy bay không người lái có vũ trang hoặc không vũ trang, thu về khoảng 4,6 tỷ USD từ xuất khẩu sản phẩm này trong giai đoạn 2006 - 2013. Ngoài ra, nước này còn cung cấp một lượng lớn cho các lực lượng vũ trang trong nước đang ngày càng dựa nhiều vào máy bay không người lái. Điều này phản ánh một xu hướng mang tính chiến lược là giảm bớt sự tham gia của các lực lượng mặt đất, đồng thời tăng cường sức mạnh từ trên không, thông qua việc sử dụng cả máy bay chiến đấu truyền thống lẫn phương tiện bay chiến đấu không người lái (UCAV), trong các chiến dịch tầm xa.
Mặc dù lực lượng không quân của Iran khá lạc hậu, phần lớn hạ tầng có từ trước cuộc cách mạng năm 1979, nhưng chương trình máy bay không người lái do Iran tự phát triển là một thành quả đáng tự hào. Theo Open Briefing, một nhóm tình báo dân sự, Iran đang sở hữu 17 máy bay không người lái, trong đó có 6 chiếc được vũ trang. Ở Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia tiềm tàng trong lĩnh vực này, với 24 chiếc khác nhau đang hoạt động hoặc đang được phát triển (trong đó có 4 chiếc được vũ trang). Thổ Nhĩ Kỳ đã tự phát triển được một ngành công nghiệp hàng không vũ trụ đáng ghi nhận, và sự quan tâm của họ đối với máy bay không người lái vũ trang cho thấy một khuynh hướng có thể được nhiều nước khác đi theo.
Trong khi đó, Ấn Độ mới ở giai đoạn đầu trong quá trình phát triển máy bay không người lái vũ trang, mặc dù nước này đã triển khai máy bay không người lái không vũ trang từ hơn một thập kỷ nay. Trong số 5 chiếc mua của Israel, có 2 chiếc được vũ trang. Tuy nhiên, nước này đang có kế hoạch tự sản xuất trong nước. Tháng 8 năm nay, người đứng đầu mới của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO), ông Avinash Chander, cho biết cơ quan này đã lên kế hoạch bắn thử vũ khí dẫn đường chính xác từ UCAV "trong vài tháng tới".
Theo Open Briefing, Trung Quốc hiện có 46 máy bay không người lái các loại đang hoạt động hoặc sắp đưa vào hoạt động, trong đó có 11 chiếc có vũ trang. Điều này phù hợp với mục tiêu của Trung Quốc nhằm triển khai hệ thống định vị toàn cầu riêng của mình vào năm 2020, dựa trên hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu-2 (Beidou-2). Cùng với lực lượng máy bay không người lái vũ trang tầm xa, hệ thống GPS do Trung Quốc tự phát triển này sẽ giúp họ có được tiềm năng xuất khẩu lớn.
Nga đến nay vẫn chưa được coi là một "thế lực" trong làng máy bay không người lái. Nước này thậm chí còn phải nhập khẩu từ Israel. Tuy nhiên, lực lượng máy bay không người lái của Nga cũng đang phát triển nhanh chóng, với 53 chiếc các loại đang được sử dụng hoặc đang được chế tạo, trong đó có 6 chiếc được vũ trang.
Minh Đức (Theo mạng tin "Open Security")