Đúng ngày Quốc khánh Mỹ (4/7), Triều Tiên phóng thử một quả tên lửa mà nước này khẳng định là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Các chuyên gia cho rằng tên lửa này có tầm bắn lên tới 6.759 km, đánh dấu việc Triều Tiên lần đầu phóng thử thành công loại tên lửa có khả năng tấn công Alaska.
Điều này tuy chưa đồng nghĩa với việc lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể đe dọa Mỹ bằng một cuộc tấn công hạt nhân, nhưng vẫn là một bước tiến lớn trong việc phát triển công nghệ vũ khí.
Thật không may, theo tờ Forrtune, Mỹ hiện có một vài lựa chọn đối phó với mối đe dọa trên nhưng chúng đều có lỗ hổng nghiêm trọng.
Đối với giải pháp quân sự, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từng miêu tả lựa chọn này có thể trở thành “một tấn bi kịch trên quy mô không thể tưởng tượng nổi”.
Tất cả cơ sở vật chất hạt nhân của Triều Tiên đều được gia cố và lắp đặt tại những khu vực vùng núi cao của quốc gia. Chính vì vậy, nếu như Mỹ triển khai một chiến dịch tấn công chính xác, thì không những không thể loại bỏ hoàn toàn khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng mà còn gần như chắc chắn khơi mào cho một cuộc trả đũa chết người.
Hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ và hàng triệu người dân Hàn Quốc đều nằm trong tầm bắn của tên lửa truyền thống Triều Tiên. Không chỉ có vậy, binh sĩ Mỹ và đồng minh ở Nhật Bản cũng dễ là mục tiêu tấn công của tên lửa tầm ngắn Bình Nhưỡng.
Nếu chính quyền của ông Kim Jong-un cảm thấy bị đe dọa, chắc chắn quốc gia Đông Bắc Á này sẽ triển khai các loại vũ khí hạt nhân và hóa học, đem theo những hậu quả khôn lường.
Thực sự, Triều Tiên đã nhiều lần ám chỉ nước này xem vũ khí hạt nhân là tối quan trọng với sự sống còn của quốc gia. Điều này là lí do khiến bất kỳ giải pháp quân sự nào cũng trở nên bất khả thi cũng như giải pháp đàm phán là không xảy ra. Mỹ và Hàn Quốc cũng không thể nào đề xuất một thứ gì đó để làm thay đổi quan điểm có lợi cho mình của Triều Tiên.
Chính vì không để gây ra hậu quả thảm khốc, Mỹ chỉ còn áp dụng được “chính sách ngăn chặn” với quốc gia này, bằng cách liên tục phô bày lực lượng qua các cuộc tập trận chung với đồng minh Hàn Quốc trong nỗ lực ngăn chặn hành vi của Triều Tiên trong tương lai.
Trong khi đó, Washington cũng buộc phải sử dụng đến công cụ hỗ trợ - bao gồm các lệnh trừng phạt và sự cô lập quốc tế - để gây sức ép lên Bình Nhưỡng không phát triển chương trình hạt nhân.
Song một lần nữa các công cụ này đều gặp khó khi phải đi qua Trung Quốc. Cho đến hiện tại, Trung Quốc một lần nữa chứng minh họ không sẵn lòng ép buộc quốc gia láng giềng.
Tác động của Trung Quốc lên Triều Tiên đều là những tác động trực tiếp. Nói cách khác Trung Quốc là nguồn cung chính thực phẩm, tài chính và năng lượng cho quốc gia láng giềng. Việc can thiệp những dòng chảy này để điều chỉnh hành xử của Triều Tiên có thể đủ để khiến chính quyền Triều Tiên bất ổn.
Việc chính quyền sụp đổ ở một đất nước như Triều Tiên sẽ tạo ra khủng hoảng người tị nạn, và khi thống nhất với Hàn Quốc, binh sĩ Mỹ sẽ có dịp đến sát biên giới với Trung Quốc hơn.
Chính vì vậy Tổng thống Donald Trump sẽ chẳng thể nói được gì để thay đổi lí lẽ của Bắc Kinh. Đối với Trung Quốc, sự sống còn của chính quyền Bình Nhưỡng còn quan trọng hơn bất kỳ chương trình hạt nhân nào mà nước này theo đuổi.
Không chỉ có vậy, do 90% hoạt động thương mại của Triều Tiên là qua Trung Quốc, nên bất kỳ nỗ lực trừng phạt mới nào cũng sẽ có thể dính tới các công ty Trung Quốc và điều này sẽ khiến chính quyền ông Trump khó kiếm thêm bạn mới tại Bắc Kinh.
Kết quả là, Mỹ sẽ phải kết hợp giữa chính sách ngăn chặn và chính sách ngoại giao. Cùng lúc đó, để tiếp tục phô diễn lực lượng, Washington sẽ cần phải nhận được sự ủng hộ từ chính quyền của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in – một người đi theo chính sách tiếp cận Triều Tiên thông qua đối thoại.
Đối với giải pháp nào Mỹ cũng cần có một đội ngũ bao gồm các chuyên gia và nhà ngoại giao kỳ cựu đầy kinh nghiệm. Tuy nhiên với những gì mà chính quyền hiện tại làm được, mọi thứ đang trở nên quá xa vời.