Kết quả một nghiên cứu quy mô lớn của Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho thấy những người có nhóm máu A, B hoặc AB có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao hơn 8% so với những người có nhóm máu O và nguy cơ suy tim cao hơn 10%. Ngoài ra, những người có nhóm máu A và B cũng có nguy cơ gặp phải tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) cao hơn 51% và nguy cơ bị thuyên tắc phổi cao hơn 47%. Đây là những rối loạn đông máu nghiêm trọng có thể làm tăng nguy cơ suy tim.
Tiến sĩ Douglas Guggenheim tại Trường Y khoa Penn Medicine thuộc Đại học Pennsylvania cho rằng nguyên nhân khiến những người nhóm máu A, B hoặc AB có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch có thể là do tình trạng viêm nhiễm xảy ra trong cơ thể để chống lại các tác nhân gây hại. Các protein có trong máu nhóm A và B có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn tĩnh mạch và động mạch, dẫn đến tăng nguy cơ đông máu và bệnh tim.
Theo ông Guggenheim, điều này cũng có thể lý giải tại sao người nhóm máu O có ít nguy cơ bị mắc COVID-19 hơn so với những người có nhóm máu A, B hoặc AB. Bệnh COVID-19 nếu chuyển biến nặng có thể gây ra các vấn đề về tim, huyết khối và các vấn đề tim mạch khác.
Tuy nhiên, những người thuộc nhóm máu O dù ít có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và huyết khối nhưng có nguy cơ cao bị xuất huyết hoặc rối loạn chảy máu hơn, đặc biệt sau khi sinh nở. Theo một nghiên cứu khác, phụ nữ nhóm máu O có nguy cơ bị xuất huyết sau sinh cao hơn so với phụ nữ nhóm máu A, B hoặc AB. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Critical Care còn cho thấy những người có nhóm máu O có thể bị mất máu nhiều hơn sau chấn thương, khiến vết thương trở nên nghiêm trọng hơn.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy nguy cơ suy giảm nhận thức ở những người nhóm máu AB tăng lên nếu so sánh với những người có nhóm máu O. Các triệu chứng suy giảm nhận thức gồm mất tập trung chú ý, giảm trí nhớ, khả năng phán đoán, đưa ra quyết định và tư duy chậm chạp.
Theo các nhà nghiên cứu, cùng với việc xác định nhóm máu, các yếu tố như chế độ ăn uống, thói quen vận động hoặc mức độ ô nhiễm không khí cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá sức khỏe tim mạch. Tiến sĩ Guggenheim khuyến nghị, để có một trái tim khỏe mạnh, cần thực hiện một chế độ ăn uống tốt cho tim mạch để giảm tình trạng viêm nhiễm xảy ra trong cơ thể. Ông khẳng định: “Một chế độ ăn uống cân bằng, tốt cho sức khỏe tim mạch nói chung sẽ là khuyến nghị mà tất cả các bác sĩ đưa ra, và nhóm máu A, B, AB hay O không thay đổi điều này”.