Nghiên cứu trên phân tích 22 công trình nghiên cứu sử dụng cơ sở dữ liệu quốc tế từ năm 1947 đến tháng 12/2021. Dữ liệu nghiên cứu cũng liên quan khoảng 395 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có khoảng 300 triệu liều vaccine mRNA của các hãng Pfizer và Moderna, và gần 10 triệu liều vaccine ngừa những bệnh khác.
Nghiên cứu cho thấy nguy cơ bị viêm cơ - màng ngoài tim sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 là thấp và không khác nhiều so với người tiêm vaccine ngừa các bệnh khác. Cụ thể, chỉ có 18 ca viêm cơ tim trên 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, so với tỷ lệ 56 ca trên 1 triệu liều vaccine ngừa bệnh khác. Nguy cơ viêm cơ - màng ngoài tim ở người tiêm vaccine mRNA ngừa COVID-19 cao gần 4 lần so với người tiêm các loại vaccine khác ngừa COVID-19.
Đáng chú ý, nghiên cứu chỉ rõ nam giới dưới 30 tuổi có nguy cơ viêm cơ tim cao hơn 10 lần so với nữ giới cùng nhóm tuổi. Nam giới trên 30 tuổi có nguy cơ cao hơn 3 lần so với nữ giới cùng nhóm tuổi.
Theo đồng tác giả nghiên cứu, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, Tiến sĩ Jyoti Somani, những phát hiện trên cho thấy rõ lợi ích của vaccine (bao gồm giảm nguy cơ lây nhiễm, nhập viện, bệnh nặng và tử vong) cao hơn rủi ro xảy ra những tác dụng phụ hiếm gặp.
Giải thích nguyên nhân các vấn đề về tim mạch liên quan đến vaccine mRNA ngừa COVID-19, bà Somani cho rằng đó có thể là tác dụng phụ của phản ứng viêm do bất kỳ loại vaccine nào gây ra, chứ không chỉ là vaccine ngừa COVID-19.
Tiến sĩ Margaret Ryan tại Đại học San Jose California cho biết vấn đề tương tự cũng từng được ghi nhận đối với vaccine phòng bệnh đậu mùa, theo đó tỷ lệ nam giới trẻ tuổi bị viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine này ở mức cao. Theo chuyên gia này, kết quả nghiên cứu liên quan đến các vaccine mRNA cho thấy cần thúc đẩy phát triển các loại vaccine an toàn hơn.