Các hội nghị lần này (từ ngày 8-12/4) được đánh giá là có tầm quan trọng, tác động nhiều đến tương lai hợp tác EU-Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh cả Bắc Kinh và Brussels đều đang vướng vào tranh cãi thương mại với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trước thềm các sự kiện, giới chức Trung Quốc tuyên bố chuyến công du lần này của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới châu Âu sẽ giúp tăng cường hợp tác giữa hai bên và tạo động lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-EU, như Đại sứ Trung Quốc tại EU Trương Minh khẳng định một "mùa Xuân ấm áp" cho sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-EU đang đến.
Với một chương trình nghị sự dày đặc và diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, giới phân tích quốc tế lại tỏ ra không mấy lạc quan về các hội nghị này khi chuyến công du vừa qua của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy sự chia rẽ tại châu Âu trong quan hệ với Bắc Kinh. Ở thái cực thứ nhất, các chính khách quyền lực nhất EU như Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cùng lãnh đạo Pháp và Đức đã tỏ rõ sự thận trọng khi hối thúc Trung Quốc mở cửa thị trường, một mặt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nước này trở thành đối tác quan trọng của EU, nhưng đồng thời cũng là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Trong khi đó, ở thái cực còn lại, một số quốc gia EU dường như tỏ rõ sự ủng hộ Trung Quốc. Bắt đầu từ việc Chính phủ Italy tuyên bố tham gia Sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI), công quốc Monaco đã tuyên bố tiếp nhận mạng 5G của Huawei, trở thành lãnh thổ nước ngoài đầu tiên triển khai công nghệ này của Trung Quốc.
Những quan ngại về nguy cơ cuộc gặp tại Brussels diễn ra không thuận lợi đã xuất hiện khi ngay trước thềm sự kiện, Trung Quốc từ chối đưa ra cam kết chắc chắn đối với EU về quyền tiếp cận tự do vào thị trường của quốc gia châu Á này. Điều đó đã phủ bóng đen lên cuộc gặp ngày 9/4 với nhiều đồn đoán về khả năng hai bên sẽ không thể đưa ra được một tuyên bố chung. Thậm chí, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk còn khẳng định nên hủy bỏ bản dự thảo tuyên bố chung vì "Bắc Kinh không đáp ứng sự kỳ vọng và yêu cầu then chốt của EU, trong đó có quyền tiếp cận thị trường và một sân chơi công bằng dành cho doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc".
Đó mới chỉ là một phần của vấn đề. Thực tế, EU có nhiều lý do để quan ngại. Không chỉ dừng ở bảo hộ thương mại, EU cũng không hài lòng khi Trung Quốc đang tiếp cận với từng quốc gia thành viên của EU và tiến hành cơ chế đàm phán song phương thông qua BRI. Brussels cho rằng Bắc Kinh đang khôn khéo trong quan hệ với từng nước trong EU, đặc biệt là các nước gặp khó khăn về tài chính, để đạt các điều kiện có lợi cho mình. Với tốc độ đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đã tăng gấp 10 lần trong thập niên qua, nhiều ý kiến cho rằng các nước nghèo trong “mái nhà chung” sẽ chẳng sớm thì muộn bị “sa vào bẫy nợ" của cường quốc châu Á để buộc phải đánh đổi bằng các thỏa thuận khác. Câu chuyện Sri Lanka đã mất khả năng hoàn trả khoản vay từ Trung Quốc để xây dựng cảng Hambantota, dẫn tới cảng này và các khu đất xung quanh - có vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương, vịnh Bengal và biển Arab - giờ đây chịu sự kiểm soát của Trung Quốc cho đến năm 2116, đang được coi là dẫn chứng.
EU cũng lo ngại việc Trung Quốc mua lại toàn bộ hoặc một phần các cảng tại Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italy và Hy Lạp. Nếu không có trở ngại đáng kể, Trung Quốc đang dần thâu tóm cơ sở hạ tầng quan trọng ở châu Âu, trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu vào Trung Quốc lại đang giảm.
Ngoài ra, EU cũng đặt nhiều dấu hỏi khi Trung Quốc "dòm ngó" các công ty công nghệ châu Âu. Sáng kiến “Made in China 2025” của Bắc Kinh là một kế hoạch tham vọng nhằm thu hẹp khoảng cách công nghệ với phương Tây, song EU lo ngại đây là "bước đệm" để Trung Quốc kiểm soát một số công nghệ quan trọng. Từ khía cạnh an ninh kinh tế, thương mại lẫn lợi ích chiến lược, EU có cơ sở để "dè chừng" trong quan hệ hợp tác với Trung Quốc.
Ý thức về những rủi rõ tiềm ẩn, châu Âu đã có những bước đi cụ thể. Tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 3 vừa qua, EU đã đưa ra bản danh sách "ứng xử với Trung Quốc", trong đó nhấn mạnh các nguyên tắc hành động trong hợp tác với Bắc Kinh, để đảm bảo các đầu tư từ Trung Quốc không thôn tính, đặc biệt các ngành công nghiệp mũi nhọn của châu Âu. Ủy ban châu Âu (EC) lần đầu nhìn nhận Trung Quốc vừa là một “đối tác chiến lược” vừa là một “đối thủ quan trọng” của Brussels. Trước đó, tháng 9 năm ngoái, EC đã thông qua Chiến lược Kết nối mới liên kết châu Âu và châu Á, qua đó thách thức một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.
Tuy nhiên, EU cũng bị rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" khi đang phải đối mặt với các sức ép thương mại từ Mỹ. EU cần "bắt tay" với một đối tác thương mại lớn như Trung Quốc để có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Bất luận ra sao, Trung Quốc là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của EU nói chung và từng nước thành viên EU nói chung. Trong nửa đầu năm 2018, Trung Quốc đã đầu tư 3,6 tỷ USD vào Thụy Điển - so với 1,6 tỷ USD, 1,5 tỷ USD và 1,4 tỷ USD lần lượt cho Anh, Đức và Pháp. Rõ ràng, EU đang gây sức ép buộc Trung Quốc thể hiện sự công bằng hơn trong cạnh tranh kinh tế để đảm bảo hai bên có thể nâng tầm hợp tác. Tuy nhiên, do bị chi phối các vấn đề lợi ích khác, Brussels cũng không thể quá mạnh mẽ trong các quyết sách của mình đối với Trung Quốc. Bắc Kinh hiểu được điều này và đang tìm cách áp đặt “lối chơi” của mình trong hợp tác với Brussels. Từ góc độ EU, quan hệ với Trung Quốc tạo ra những cơ hội lớn, song đây cũng là thách thức thực sự mà liên minh này không dễ vượt qua.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng có mối quan tâm lớn hơn với thị trường 500 triệu dân của EU. Theo ông Fredrik Erixon, Giám đốc Trung tâm Kinh tế chính trị quốc tế châu Âu, quan hệ EU-Trung Quốc là một trong những mối quan hệ thương mại và đầu tư quan trọng nhất trên thế giới, với mức độ ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động kinh tế. Ông nhấn mạnh: “Nếu mối quan hệ này xấu đi thì các nước đều bị ảnh hưởng, còn nếu mối quan hệ này tốt đẹp thì tất cả chúng ta đều được hưởng lợi.” Còn chuyên gia Valérie Niquet- thuộc Trung tâm Nghiên cứu xhiến lược - cho rằng châu Âu cũng có những lợi thế trước Trung Quốc, vì “Trung Quốc bị tác hại từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và Tổng thống Donald Trump nhiều hơn là họ thừa nhận. Tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục chậm lại, cho nên họ cần đến châu Âu và Pháp". Không chỉ là khía cạnh kinh tế, tăng cường quan hệ với EU cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực vốn là đồng minh hàng đầu của Mỹ. Đây sẽ yếu tố có lợi cho Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược vị thế siêu cường hàng đầu thế giới với Mỹ.