Phát biểu tại hội nghị của Câu lạc bộ Valdai diễn ra tại thành phố Sochi (Nga) ngày 24/10, Tổng thống Vladimir Putin đã nhắc đến một “trật tự thế giới mới” trong bối cảnh những cột trụ của trật tự cũ đang dần suy thoái.
Các nhà lãnh đạo thế giới tại hội thị thượng đỉnh của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS 2014 tại Brazil. |
Trong một trật tự thế giới cũ, mọi chuyện thật đơn giản. Thế giới được phân chia làm hai nửa: một nửa là phương Tây, một nửa là phần còn lại của thế giới. Ở đó, phương Tây là số một và 20 năm trước, sáu nền kinh tế lớn nhất thế giới là bộ phận của một thế giới thân Washington.
Mỹ, cánh chim đầu đàn của phương Tây, hoàn toàn vượt trội. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ lớn gấp 4 lần so với Trung Quốc và gấp 9 lần so với Nga.
Trong khi đó, GDP của Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, chỉ xấp xỉ GPD của Italy bé nhỏ hay Vương quốc Anh. Vào thời điểm đó, bất kì quan điểm nào cho rằng trật tự thế giới này sẽ thay đổi mạnh mẽ chỉ trong 2 thập kỉ cũng nghe sao thật quá khôi hài.
Trong con mắt của phương Tây, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước lạc hậu và sẽ phải mất đến cả một thế kỉ đằng đẵng để hai quốc gia này nuôi xong giấc mộng trở thành đối thủ của nước Mỹ. Còn Nga thì bị xem là một quốc gia có nhiều vấn đề kinh tế nghiêm trọng, đang rất suy yếu và đảo điên vì hỗn loạn.
Nhưng tất cả mọi chuyện đã thay đổi.
Những gì tưởng chừng không thể của 20 năm trước lại là chuyện hoàn toàn có thể ở thời điểm hiện tại khi trong nhiều lĩnh vực, tình huống phương Tây rơi vào vị thế "chiếu dưới", khi nước Mỹ bị Tổng thống Nga buộc tội lạm dụng vị thế dẫn đầu và khi các cột trụ của trật tự cũ rơi rụng dần.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trước năm 2015, bốn trong số các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ là thành viên của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc). Và
Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới. Điều này có thể đã diễn ra bởi các chỉ số kinh tế có xu hướng “lết” theo sau các diễn biến kinh tế thật sự.
Italy, "người khốn khổ" của lục địa già châu Âu, đã rớt khỏi nhóm 10 nước hàng đầu trong khi Anh chỉ gần như neo đậu mong manh trong bảng xếp hạng, dù London vẫn được quảng bá là một trung tâm tài chính của thế giới.
Giữa lúc ngôi sao từng tỏa ánh hào quang Anh quốc đang dần lụi tàn thì một nước Pháp lọm khọm lại lảo đảo đi từ cuộc khủng hoảng này đến nỗi bất hạnh khác.
Dù vẫn còn quá sớm để gạch tên nước Mỹ bởi vì đế chế này sẽ không sớm sụp đổ, nhưng ánh mặt trời đang khuất dần về phía núi. Lỗi gần như chẳng phải từ nước Mỹ mà phần nhiều nằm ở sự suy giảm quyền lực của các đồng minh truyền thống của quốc gia này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
Trên thực tế, hai quốc gia đồng minh duy nhất vẫn còn có thể trụ vững của Mỹ là Đức và Nhật Bản. Nhưng thật không may thay, cả Đức lẫn Nhật đều không phải là những tay chơi quân sự nghiêm túc. Trong khi Anh và Pháp từ lâu đã trợ lực cho các chuyến phiêu lưu quân sự của Mỹ thì Đức không phải là một đối tác hào hứng và nhiệt tình đến thế.
Lí do là vì một phần lớn trong giới chính trị của Berlin rất ngờ vực quyền lực của nước Mỹ. Thậm chí, một số không nhỏ trong giới trí thức Đức còn cảm nhận rằng Moskva là đồng minh tự nhiên của Đức, chứ không phải là Washington.
Cùng lúc này, sức mạnh đang trỗi dậy của BRIC cũng như các nền kinh tế mới nổi khác mang những hàm ý lớn đối với sự tiêu thụ, kinh doanh và đầu tư toàn cầu. IMF dự báo, trước năm 2020, Nga sẽ vượt Đức trong khi Ấn Độ sẽ vượt mặt Nhật Bản. Thị phần toàn cầu của Mỹ sẽ sụt giảm, từ 23,7% trong năm 2000 xuống còn 16% trước năm 2020.
Năm 1960, kinh tế Mỹ chiếm ,7% nền kinh tế thế giới. Trong khi mãi đến năm 1987, con số đó của kinh tế Trung Quốc chỉ là 1,6%. Tuy nhiên, theo dự báo, vào cuối thập kỉ này con số trên của Trung Quốc sẽ là 20%. Đây là một sự biến chuyển ngoạn mục chưa từng có tiền lệ.
Tầm quan trọng của sự ổn địnhBài phát biểu của Tổng thống Nga Putin tại câu lạc bộ Valdai không phải là một sự võ đoán. Nó thể hiện sự hiểu biết từ nhiều khía cạnh về việc sự cân bằng toàn cầu hiện đang nằm ở đâu và đang hướng đến đâu trong những năm tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Có thể nói, quyền lãnh đạo của Mỹ đến từ việc cùng với các đồng minh của mình, Mỹ vừa kiểm soát phần lớn thương mại toàn cầu, vừa giương cao một cây gậy quân sự. Nhưng điều đó giờ đây đã là lịch sử.
Mối quan tâm của ông Putin là về sự ổn định và khả năng dự báo trước, điều đối lập với chủ nghĩa tự do hiện đại phương Tây. Nhưng ở phương Tây, ông Putin thường bị hiểu lầm. Những tuyên bố đại chúng của ông, hướng nhiều đến các thính giả trong nước hơn là lực lượng ở nước ngoài, lại thường bị xem là những phát biểu mang tính hung hăng, sô vanh.
Dẫu vậy, điều mà thế giới cần phải nhớ là việc Tổng thống Nga là một cao thủ judo. Do đó đường đi nước bước của ông đều được tính toán kĩ lưỡng để gây hoang mang và làm chệch hướng đối thủ. Xét về ẩn ý, có vẻ như vị Tổng thống của nước Nga đang tìm kiếm một sự hợp tác, chứ không phải là sự cô lập.
Ông Putin nhìn thấy Nga là một phần của một lựa chọn quốc tế mới với sự góp mặt của các quốc gia thuộc nhóm BRIC khác để kiềm chế sự hung hãn của Mỹ ở bất cứ nơi đâu có thể. Và điều này được ông xem là con đường dẫn đến ổn định. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu và Bắc Mỹ hiện đại không hiểu được điều này. Chìm đắm trong sự kìm tỏa mà họ đã vui thỏa trong 20 năm qua, họ vẫn chưa hiểu ra trật từ toàn cầu đang thay đổi một cách nhanh chóng.
Việc Mỹ sẽ phản ứng thế nào với hiện thực mới sẽ đóng vai trò quan trọng. Nước Mỹ như một chàng trai trẻ, và chàng trai đó cần một gã đóng vai kẻ xấu để có cớ hành động. Trong một thập kỉ, vai ác này chuyển từ Bin Laden đến Saddam Hussein, từ việc bài Pháp vì không ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược Iraq cho đến tâm lý bài Nga.
Nếu các chính trị gia của nước Mỹ vẫn tiếp tục giữ cách hành xử như vậy, thì sự chuyển đổi sang một thế giới đa cực có thể sẽ không đến trong hòa bình. Đó là điều mà thế giới lo ngại, và sự lo ngại đó là hoàn toàn có thật.