Theo tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong hai ngày 3 và 4/11 tại Cannes (Pháp), các nguyên thủ quốc gia đã nhất trí về khả năng tăng vốn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tăng quyền hành động của thể chế tài chính này. Giới chuyên gia nhận xét thế giới đang đứng trước một trật tự tiền tệ thế giới mới.
Lãnh đạo các nước thuộc Nhóm G20 tại Hội nghị. AFP - TTXVN |
Trả lời phỏng vấn tạp chí "Đại Tây Dương", Tiến sĩ Khoa học Xã hội Paul Jorion nhận định, Liên minh châu Âu (EU) đã chấp nhận dựa vào IMF chứ không dựa vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Với trật tự tiền tệ quốc tế mới được thiết lập tại Cannes, một thứ bậc mới của các cường quốc thế giới đã hình thành, song không còn dựa vào trật tự chính trị thế giới được định ra sau năm 1945 nữa mà dựa trên thực lực kinh tế của các nước. Bản đồ thế giới đã được xác lập lại theo thực lực kinh tế và phương tiện mà mỗi nước nắm trong tay, và được quyết định bởi nền thương mại quốc tế. Khi được hỏi phải chăng châu Âu đã lẩn tránh trách nhiệm của mình khi quyết định dựa vào IMF chứ không dựa vào ECB, ông Paul Jorion cho rằng, châu Âu chấp nhận đặt mình vào vị thế của một đứa trẻ, theo đó mọi chỉ thị đều được chỉ đạo bởi Trung Quốc và Mỹ.
Về tuyên bố của Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy rằng thế giới "không muốn có thiên đường thuế nữa" và các nước là "thiên đường thuế sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án", ông Paul Jorion cho rằng, hội nghị thượng đỉnh lần này của nhóm G20 khó có thể chấm dứt sự tồn tại của các "thiên đường thuế" về lâu dài vì đó là một "cái xấu cần thiết". Phần lớn các nước đều cần có "thiên đường thuế" để thực hiện một số giao dịch tài chính mà họ không thể thực hiện công khai được, chẳng hạn như các thương vụ mua bán vũ khí. Một vài trong số các "thiên đường thuế" đó gắn trực tiếp với các thị trường chứng khoán và nhà nước.
Trong khi đó, nhận định về tác động từ thất bại của hội nghị thượng đỉnh G20 đối với nền kinh tế thế giới trong thời gian tới, tờ "Thời báo Kinh doanh Toàn cầu" của Mỹ ngày 5/11 khẳng định, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Cannes một lần nữa bộc lộ những mâu thuẫn sâu sắc và sự yếu kém của các nhà lãnh đạo trong việc giải quyết những khó khăn của nền kinh tế thế giới.
Hội nghị bắt đầu bằng nỗi lo sợ Hy Lạp bị phá sản và rút khỏi khu vực đồng euro, và kết thúc trong nỗi lo sợ Italia sẽ thay thế Hy Lạp trở thành trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Báo "Người bảo vệ" của Anh mô tả ngày thứ hai của hội nghị là "một ngày u ám" và cảnh báo một cuộc suy thoái mới của thế giới đang đến gần hơn sau khi hội nghị không đạt được nhất trí về việc cung cấp thêm các nguồn tài chính cho những nước yếu kém và suy thoái kinh tế, đồng thời "con nợ" Italia buộc phải đồng ý để cho IMF áp dụng các biện pháp giám sát chương trình khắc khổ của nước này.
Cũng như những hội nghị trước đây, trong phần bế mạc hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 đã ra một thông cáo chung chính thức, trong đó đề cập đến nhiều biện pháp nhằm khôi phục sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, như tờ "Thời báo Tài chính" ngày 4/11 nhận định, "kế hoạch hành động" mà các nước cam kết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm hầu như chẳng có gì mới.
Báo này trích phát biểu của ông Eswar Prasad, cựu quan chức cấp cao của IMF, khẳng định hội nghị thượng đỉnh G20 không đưa ra được bất cứ điều gì mới ngoài "những cam kết mập mờ về tương lai và hàng loạt khó khăn bất lợi cho môi trường chính trị ở các nước". Nói cách khác, các nhà lãnh đạo G20 không đưa ra được bất kỳ giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng toàn cầu do những mâu thuẫn không thể nhân nhượng liên quan đến lợi ích quốc gia giữa các cường quốc lớn, từ đó đẩy thế giới ngày càng tới gần hơn bờ vực của một cuộc suy thoái kinh tế mới.
Trần Mạch (P/v TTXVN tại Angiêri)