Trong khi một số nhà quan sát nhìn nhận cái mà họ gọi là “Mùa xuân Arập” dưới góc độ tích cực, một số khác lại không nghĩ như vậy. Ông Eric Dénécé, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo (CF2R) của Pháp, cho rằng các êkíp lãnh đạo ở Tuynidi và Ai Cập “không thay đổi là bao”, còn cuộc nổi dậy của dân chúng chỉ là những “cuộc đảo chính do phái quân sự dàn dựng”.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Infos ngày 12/6, ông Eric Dénécé không tin các cuộc “cách mạng” đó nổ ra một cách “ngẫu hứng” mà chắc hẳn đã được chuẩn bị “từ nhiều năm trước”. Trong năm 2007 - 2008, nhiều hội nghị do các tổ chức phi chính phủ của Mỹ như Freedom House, International Institute hay Canvas đã được tổ chức với sự góp mặt của đông đảo blogger và thủ lĩnh các phong trào phản kháng. Các hội nghị này đã gieo mầm mống dân chủ và tạo ra một bối cảnh thuận lợi cho cách mạng sau này. Tiến trình này giống hệt tiến trình đã dẫn đến cuộc cách mạng ở Xécbia, cuộc cách mạng Cam ở Ucraina, cuộc cách mạng Hoa Hồng ở Grudia và sự tan rã của Liên Xô trước đây.
Lý giải tại sao “Mùa xuân Arập” mãi đến năm 2011 mới nổ ra, ông Eric Dénécé cho rằng các cuộc phản kháng của dân chúng hay sinh viên ở các nước Arập vẫn thường xuyên xảy ra, song lần nào cũng bị quân đội và cảnh sát đàn áp. Lần đầu tiên, quân đội không ủng hộ cảnh sát khi từ chối đàn áp các vụ nổi dậy ở Tuynidi cũng như ở Ai Cập, và các phong trào phản kháng đó được báo chí quốc tế đưa tin rộng rãi. Đặc biệt, trong tuần lễ trước khi nổ ra “cách mạng”, đại diện cấp cao nhất của quân đội Tuynidi và Ai Cập đã đến Oasinhtơn. Mỹ đã bảo đảm chu cấp gần như toàn bộ chi phí cho quân đội các nước này và bật đèn xanh cho họ lật đổ êkíp cầm quyền.
Theo ông Eric Dénécé, năm 1979 ở Iran, năm 1991 ở Liên Xô cũng đã nổ ra các cuộc “cách mạng thực sự” dẫn đến những thay đổi cơ bản về con người, thể chế, mối quan hệ nội tại, mối quan hệ quốc tế... Tuy nhiên, các sự kiện mới đây ở các nước Arập không có gì giống như vậy mà chỉ là thay đổi các tầng lớp lãnh đạo. Với sự đồng ý của Mỹ, các cuộc đảo chính “êm dịu” đã được thực hiện ở các nước Arập thông qua việc lợi dụng và khai thác một cách thông minh làn sóng phản kháng của dân chúng. Theo ông Eric Dénécé, đối với Oasinhtơn, đó chỉ là sự “thay đổi mang tính liên tục” nhằm điều chỉnh đôi chút sự cân bằng trong khu vực, không giống như bản chất của các cuộc cách mạng. Oasinhtơn khuyến khích và ủng hộ quân đội các nước Bắc Phi và Trung Đông phát triển theo hướng đóng vai trò “kiểu Thổ Nhĩ Kỳ”, nghĩa là không nắm quyền - trừ trong trường hợp bất khả kháng - mà chỉ là người bảo đảm cho sự ổn định của đất nước chống Hồi giáo cực đoan và góp phần duy trì ổn định trong vùng, đồng thời không tỏ thái độ thù địch thực sự với Ixraen.
Trần Mạch (P/v TTXVN tại Angiêri)