Ngày 14/11, quân đội Israel đã phát động chiến dịch “Cột mây” nhằm vào các cơ quan hành chính và quân sự của Phong trào Hồi giáo Hamas của Palextin ở Dải Gaza. Ngay trong ngày đầu tiên, quân đội Israel đã sát hại Ahmed Jaabari - nhân vật số hai của Hamas - và phá hủy nhiều giàn phóng tên lửa Fajr 5. Chiến dịch trên đã nhanh chóng mở rộng quy mô và không quân Israel gia tăng các vụ không kích. Bộ Tham mưu quân đội Israel đã huy động 75.000 quân dự bị đồng thời cảnh báo khả năng đổ bộ vào Dải Gaza.
Một chiếc xe trúng đạn trong chiến dịch "Cột mây" của Israel ở Dải Gaza ngày 14/11. |
Theo “Mạng tin Trung Đông”, sở dĩ Israel có những hành động gây chiến trong tình hình hiện nay bởi ảnh hưởng của các vị Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp mãn nhiệm đang bị suy yếu. Người ta đang chờ đợi Oasinhtơn bổ nhiệm Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng mới. Trước đó, Israel cũng từng thực hiện chiến dịch “Plomb durci” (từ 27/12/2008 - 18/1/2009) trong giai đoạn chuyển tiếp từ Tổng thống George W. Bush sang Tổng thống Barack Obama.
Một số nhà phân tích cho rằng, cuộc bầu cử Quốc hội Israel đang đến gần buộc Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Ngoại trưởng Avigdor Lieberman phải tìm cách cải thiện hình ảnh cứng rắn truyền thống của họ. Ngoài ra, quân đội Israel cũng muốn thể hiện khả năng thích ứng với các cuộc chiến tranh bất ngờ. Ít nhất với việc phá hủy các cơ sở hạ tầng và cơ quan hành chính tại Gaza, quân đội Israel cũng đã làm suy yếu cuộc kháng chiến của người Palextin. Việc làm suy yếu Hamas sẽ có lợi cho phong trào Fatah tại Bờ Tây và những bất ổn trên đẩy nỗ lực để được công nhận là một nhà nước của người Palextin tại Liên hợp quốc thêm phần khó khăn.
Chiến dịch “Cột mây” cũng có thể mở đường cho một kế hoạch cũ của người Do Thái, đó là việc tuyên bố Gioócđani như là Nhà nước của người Palextin và chuyển dần người Palextin tới Gioócđani. Tiếp đó Israel sẽ thôn tính những vùng lãnh thổ của người Palextin. Trong trường hợp đó, chiến dịch quân sự trên không cần nhắm vào tất cả các nhà lãnh đạo của Hamas, mà chỉ cần nhằm vào thủ lĩnh chính trị cũ của Palextin là Khaled Mechaal, người từng kêu gọi sự ủng hộ để trở thành tổng thống đầu tiên của Nhà nước Palextin ở Gioócđani.
Trong khi đó, tình hình tại Gioócđani cũng có phần liên quan. Cuộc chiến tại Xyri đã bóp nghẹt nền kinh tế Gioócđani. Ngày 13/11, Chính phủ Gioócđani đã thông báo tăng phí giao thông vận tải thêm 11% và giá khí đốt tiêu dùng thêm 53%. Động thái trên đã kích động một làn sóng biểu tình phản đối dữ dội. Đã có khoảng 120.000 giáo viên đình công. Ngày 16/11, có hơn 10.000 người biểu tình tại trung tâm thủ đô Amman và mang dấu ấn của phong trào Anh em Hồi giáo.
Ngoài Gioócđani, tình hình bất ổn hiện nay tại Xyri cũng có phần liên quan. Tháng 7 vừa qua, một thỏa thuận về Xyri đã được các cường quốc ký kết tại Geneva (Thụy Sỹ). Có khả năng Liên hợp quốc sẽ triển khai một lực lượng giữ gìn hòa bình tại Xyri, chủ yếu gồm quân đội của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO). Lực lượng trên có nhiệm vụ giảm căng thẳng giữa các bên tham chiến và truy bắt những phần tử Hồi giáo thánh chiến thâm nhập vào Xyri. Trước khả năng này, một số nhân vật hiếu chiến trong chính quyền Israel nhận thấy cần phải hành động đối với Gaza và Gioócđani trước khi lực lượng CSTO mang ảnh hưởng của Nga tới triển khai trong khu vực.
Nguyễn Văn Hào