Mạng tin "AllAfrica" ngày 23/6 đăng bài viết cho rằng người châu Phi đã quen với việc phải nhìn người ngoại quốc đến lục địa này với nhiều hành lý lỉnh kỉnh, chí ít là kể từ khi các nhà thám hiểm châu Âu lần đầu tiên rong ruổi qua các đồng cỏ với những đoàn xe chất đủ mọi thứ. Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt chân đến châu lục này vào ngày 26/6, ông sẽ hoàn thiện thêm cảnh tượng đó. Các tàu chiến được huy động để hộ tống vị Tổng tư lệnh người Mỹ gốc Phi đầu tiên sẽ được trang bị cả những bệnh viện di động để phòng khi ông bị ốm, các chiến đấu cơ sẽ bay lượn không ngơi nghỉ trên bầu trời và ba xe tải sẽ chở kính chống đạn đến trang bị cho các khách sạn nơi ông lưu lại trong thời gian ở thăm...
Người dân Senegal sẵn sàng tiếp đón Tổng thống Obama. Ảnh: Reuters |
Thắng lợi của ông Obama trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008 đã được ăn mừng trên khắp lục địa. Kenya đã tuyên bố một ngày quốc lễ và Nelson Mandela của Nam Phi nói rằng ông Obama đã chứng tỏ rằng người Phi cũng "dám ước mơ". Ngày sau khi nhậm chức, ông Obama đã đáp lại bằng một loạt phát biểu đầy thiện cảm: "Tôi mang trong mình dòng máu châu Phi".
Tuyên bố của ông Obama khi dừng chân 20 giờ đồng hồ tại Ghana hồi năm 2009 đã làm dấy lên niềm hy vọng rằng ông sẽ là "nhà vô địch thế giới của châu Phi". Nhưng rồi ông đã không tới châu Phi lần nào kể từ ngày đó. Một số người châu Phi tỏ ra bực bội về sự vắng mặt của ông tại lục địa, cho rằng ông đã không đếm xỉa gì đến họ.
Phản ứng đó là dễ hiểu, nhưng không công bằng. Quan hệ giữa Mỹ và phần lớn châu Phi đã trở nên sâu đậm, bất kể lịch trình của ông Obama như thế nào. Lầu Năm Góc, phiền lòng trước danh sách ngày càng tăng của các nhóm khủng bố ở châu Phi, đã hiện diện tại châu lục nhiều hơn hẳn so với bất kỳ đối tác nước ngoài nào khác.
Kể từ khi ông Obama trở thành Tổng thống, danh sách những địa điểm chứa chấp máy bay không người lái của Mỹ ở Djibouti, Ethiopia và Niger đã gia tăng. Chúng nằm rải rác trong vùng Sahel, được điều hành bởi vị Tư lệnh châu Phi mới được bổ nhiệm và đi vào hoạt động ngay trong thời kỳ đầu của nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama. Khoảng 3.000 chuyên gia huấn luyện quân sự Mỹ đang hiện diện tại châu Phi trong năm nay, đông hơn bất cứ thời điểm nào trong quá khứ. Không lực Mỹ cũng đã hoạt động tại Libya và Mali, còn các lực lượng đặc nhiệm đang đồn trú tại Uganda và Somalia.
Mỹ cũng mở rộng quyền lực mềm của mình tại châu Phi. Số lượng ngày càng tăng các nhà ngoại giao và các nhân viên tại các địa phương đang tham gia vào các thể chế chính trị trên khắp châu lục. Họ hỗ trợ, tư vấn và lôi kéo giới tinh hoa tại địa phương. Mỹ đã đóng vai trò "bà đỡ" cho sự ra đời của Nhà nước Nam Sudan vào năm 2011, đồng thời giúp Guinea và Bờ Biển Ngà tránh khỏi bờ vực của một cuộc xung đột trong năm 2009 và 2010. Mỹ cũng thúc đẩy dân chủ và cung cấp viện trợ nhiệt tình hơn bất cứ nước nào khác cho châu Phi.
Nhìn chung, bộ sậu của ông Obama đã xử lý khôn ngoan đối với các vấn đề của châu Phi. Trong khi chính quyền Bush trước đó đã "phải lòng" các nhà lãnh đạo châu Phi, như Paul Kagamecura của Rwanda, Meles Zenawi của Ethiopia và Yoweri Museveni của Uganda, đánh giá cao sự năng động của họ mà không nhận ra các xu hướng phi dân chủ của họ, thì ông Obama đã tỏ ra dè dặt hơn. Chẳng hạn, ông đã đình chỉ viện trợ quân sự cho Rwanda, thay vào đó là tập trung hỗ trợ về mặt thể chế.
Ông Obama chọn thăm các nước Senegal, Nam Phi và Tanzania từ ngày 26/6 đến 3/7 bởi Senegal đã tiến hành một cuộc tổng tuyển cử công bằng vào năm ngoái; Nam Phi, với lịch sử đặc biệt của mình, vẫn là quốc gia hàng đầu tại châu lục; còn việc chọn thăm Tanzania là một cái tát vào mặt Kenya, quốc gia láng giềng được đánh giá là quan trọng hơn và là nơi chôn rau cắt rốn của cha ông. Ông Obama đã không chọn thăm Kenya vì vị tân Tổng thống của nước này, ông Uhuru Kenyatta, đang phải đối mặt với những cáo buộc tại Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Haye.
Điểm yếu của Mỹ tại châu Phi là vấn đề đầu tư. Đây sẽ là một trong những nội dung chính trong chuyến thăm lần này của ông Obama. Các công ty Mỹ đã có mặt từ lâu tại châu Phi, nhưng họ không theo kịp Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu lục, với trao đổi thương mại hai chiều đạt 200 tỷ USD mỗi năm, thì Mỹ mới đạt một nửa số này, cho dù quy mô đã tăng được 5 lần trong thập kỷ vừa qua, chủ yếu do Mỹ nhập khẩu dầu mỏ từ Angola và Nigeria.
Trong chuyến thăm này, ông Obama sẽ vận động để các công ty Mỹ được tham gia nhiều hơn vào các dự án hạ tầng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng lo ngại của Mỹ về sự bành trướng của Trung Quốc tại châu lục có lẽ đã bị thổi phồng. Mỹ và các đồng minh phương Tây của họ vẫn có ảnh hưởng mạnh hơn tại nhiều khu vực của châu Phi, nơi hiểu biết và sự can dự về mặt chính trị của Trung Quốc vẫn còn hạn chế. Mỹ hiện có 51 đại sứ quán tại châu Phi, trong khi Trung Quốc chỉ có 41, trong đó nhiều sứ quán Trung Quốc chỉ tập trung vào việc phát triển thương mại.
TTXVN/Tin tức