Bộ Thương mại Mỹ ra thông báo áp đặt các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về xuất khẩu một số công nghệ nhạy cảm sang Trung Quốc. Nhiều nghị sĩ Quốc hội gửi thư tới Ngoại trưởng Mike Pompeo cổ vũ ông điều tra về vai trò của Trung Quốc trong việc che giấu nguồn gốc dịch COVID-19 và chiến dịch tung tin sai lệch về đại dịch. Tổng thống Trump tuyên bố tại một buổi họp báo rằng Mỹ sẽ tìm cách buộc Trung Quốc phải trả giá đắt vì dịch bệnh khởi phát từ Trung Quốc và lây lan ra toàn cầu hiện nay.
Đó chỉ là một phần những tín hiệu cho thấy quan hệ cạnh tranh giữa hai siêu cường giờ đang chuyển sang ngã rẽ mới tệ hơn, hệ quả của đại dịch COVID-19. Chỉ còn khoảng 6 tháng nữa là đến kì bầu cử Tổng thống Mỹ, liệu làn sóng bài Trung Quốc dâng cao trong công chúng Mỹ có thể trở thành một nhân tố quyết định?
Đối với nhiều chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Trung, căng thẳng song phương khởi phát từ đại dịch cho đến thời điểm này cho thấy một luồng quan điểm cứng rắn hơn vốn đang thẩm thấu vào công chúng Mỹ. Quốc hội Mỹ trở thành nơi công kích Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Trump cũng đang đứng giữa "giao lộ": cứng rắn hơn hay hợp tác sâu rộng hơn với Trung Quốc, nhất là về thương mại.
Một số người lâu nay cổ vũ cho “chia tách” (decoupling) với Trung Quốc cho rằng đại dịch tạo ra cơ hội tốt nhất kể từ những năm 1970 để thúc đẩy một cuộc thảo luận mạnh mẽ tầm quốc gia về tác động của một cuộc chia tách lớn. Một thảo luận như thế sẽ đề cập đến nhiều vấn đề, từ chuyển giao công nghệ, phụ thuộc của các ngành kinh tế Mỹ vào thương mại với Trung Quốc cho đến tăng cường chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền.
“Ba tháng trước đây, tôi có nói rằng sẽ không có cơ hội cho một sự chia tách giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng môi trường chính trị đã thay đổi. Mỹ chưa tiến đến sát các bước đi nghiêm trọng, mà sẽ rất đắt giá, cần thiết để chia tách khỏi Trung Quốc. Song tâm lý phẫn nộ từ những thiệt hại to lớn của đại dịch COVID-19 đã mở ra một cánh cửa để đánh giá lại quan hệ Mỹ-Trung”, học giả Derek Scissors, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Trung tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI) bình luận.
Một số chuyên gia khác nhìn nhận, một chiến lược mới đối với Trung Quốc không phải là thu hẹp hợp tác, mà là những hành động kích thích, gia tăng căng thẳng vốn đã được một số thành viên trong Quốc hội Mỹ và giới phân tích Trung Quốc theo đuổi hay cổ súy. Chuyên gia cao cấp Michael Auslin tại Viện Hoover trực thuộc Đại học Stanford nhìn nhận tác động chính từ việc gia tăng căng thẳng chính là việc nó làm trầm trọng hơn những xu hướng địa chính trị bộc lộ ra trong vài năm gần đây.
Vì thế, nhiều khả năng sẽ xuất hiện sức ép gia tăng đòi phải có hành động đối với các vấn đề đã được khơi lên, từ ngăn chặn đánh cắp sở hữu trí tuệ, dịch chuyển các chuỗi cung thiết yếu đối với an ninh quốc gia của Mỹ về nội địa, cho tới đáp trả hành vi bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo một số chuyên gia, một thay đổi mà Mỹ và các nước phương Tây cần tập trung khai thác thời hậu COVID-19 chính là việc Trung Quốc giờ đây bị nhiều quốc gia xem là đối tác thiếu tin cậy. Họ lý giải, điều này không chỉ do cách thức Trung Quốc xử lý đại dịch trong giai đoạn đầu, mà còn do những hành động "quá tay" của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ các nước xử lý dịch bệnh đã để lại ấn tượng xấu khắp nơi từ châu Âu cho tới châu Phi.
Những nỗ lực đòi trừng phạt Trung Quốc được khởi xướng từ số Thượng nghị sĩ Cộng hòa gần đây đã thu được sự chú ý của Tổng thống Trump. “Chúng ta không hài lòng với Trung Quốc”, ông Trump phát biểu hồi tuần trước, trước khi đưa ra cáo buộc virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Kế đến, ông hứa hẹn sẽ đưa ra “báo cáo rất chắc chắn” vạch rõ việc Trung Quốc đã xử lý sai lầm ở giai đoạn đầu và tìm cách che giấu thông tin.
Giới chức Nhà Trắng thừa nhận bình luận trên cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ ngày một quan tâm đến việc tìm kiếm cách thức “trừng phạt” Trung Quốc liên quan đến đại dịch. Sự chú ý được dồn vào ý tưởng tước bỏ quyền miễn trừ quốc gia đối với Trung Quốc để từ đó các bang và cá nhân bị thiệt hại từ COVID-19 có thể khởi kiện Trung Quốc thành công.
Nêu yêu sách đòi minh bạch nhiều hơn có thể là quyền của cộng đồng quốc tế, nhưng cơ hội để buộc Trung Quốc phải trả giá vì đại dịch còn xa vời. Theo Scott Kennedy - cố vấn cao cấp về các vấn đề kinh tế, doanh nghiệp Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ và các nước khác hoàn toàn có lý khi quan ngại về giai đoạn đầu bùng phát dịch, đòi hỏi thông tin rõ ràng hơn và những thay đổi chính sách từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ hội để khởi kiện Trung Quốc thành công là rất thấp. Bắc Kinh cũng bác bỏ mọi cáo buộc của Tổng thống Trump và giới chức Mỹ liên quan tới dịch COVID-19.
Học giả Scissors bình luận, trong các lựa chọn trừng phạt Trung Quốc, điều ông Trump có thể hướng đến là một vòng trừng phạt thuế mới. Tuy nhiên, “thuế là để buộc Trung Quốc mua nhiều hàng hóa Mỹ nhiều hơn và như vậy đương nhiên không phải là chia tách”, chuyên gia này nhìn nhận. Theo ông, bất kỳ bước đi nào chia tách Mỹ-Trung đều sẽ phải trả giá đắt và những chính trị gia không thích điều đó.
Bầu cử Mỹ 2020 có thể là nhân tố mới. Ông Scissors nói rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy công chúng nước này có thể đòi hỏi một kiểu quan hệ khác với Trung Quốc và không loại trừ nó sẽ trở thành chủ đề chính cho kỳ bầu cử sắp tới. Kết quả điều tra do Trung tâm Pew tiến hành hồi tháng trước củng cố thêm luận điểm dân Mỹ đang “ghét” Trung Quốc. Có đến 66% số người được hỏi cho rằng không có thiện cảm với Trung Quốc, tăng so với tỉ lệ 47% hồi năm ngoái.