Nhà Trắng thông báo rằng cuộc gọi điện của Tổng thống Barack Obama cho người đồng cấp Iran Hasan Rouhani đầu mùa thu vừa qua là cột mốc trong chính sách ngoại giao bắt nguồn từ sự cấp bách của cái gọi là "nền ngoại giao phút chót". Tuy nhiên, theo tiết lộ của "Nhật báo Phố Wall" ngày 7/11, sự tan băng trong quan hệ giữa Mỹ và Iran thực tế đã diễn ra từ nhiều năm nay thông qua các cuộc đàm phán bí mật. Cuộc điện đàm mùa thu lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hasan Rouhani. Ảnh: Internet |
Dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ, Trung Đông và Liên minh châu Âu (EU) có liên quan tới các nỗ lực ngoại giao bí mật nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran, "Nhật báo Phố Wall" cho biết các quan chức cao cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã bắt đầu "gieo hạt mầm" cho cuộc điện đàm nói trên từ trước đó rất lâu, bằng chứng là họ đã tổ chức một loạt cuộc gặp bí mật, trao đổi điện thoại hay thông qua các quốc vương Arập, những người Iran sống lưu vong và các cựu quan chức ngoại giao Mỹ để bí mật truyền tải các thông điệp giữa Washington và Tehran.
Tổng thống Obama đã trao quyền cho chuyên gia hàng đầu về Iran là ông Puneet Talwar tổ chức các cuộc gặp trực tiếp và điện đàm với các quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Iran, và một số cuộc gặp trên diễn ra ở thủ đô Muscat của Oman. Ông Puneet Talwar, một người Mỹ gốc Ấn miệt mài với chính sách Iran, đã nhiều lần đưa ra thông điệp ngắn gọn, cô đọng với những nhân vật đối ngoại phía Iran rằng Mỹ muốn giải quyết tranh chấp về chương trình hạt nhân của Iran một cách hòa bình.
Theo nguồn tin từ các nhà ngoại giao Iran và Mỹ, Nhà Trắng cũng tiếp cận Tehran thông qua các trợ tá cao cấp khác của ông Obama, trong đó có Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice. Theo chỉ đạo của ông Obama, bà Susan Rice đã "nuôi dưỡng" các mối quan hệ với người đồng cấp Iran trong thời gian từ năm 2009 - 2013, khi bà đảm nhiệm cương vị Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ), "làm nồng ấm" các mối quan hệ đó nhằm có được cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran tháng 9 vừa qua.
Mạng lưới liên lạc đó đã giúp thúc đẩy các bước đi gần đây hướng tới việc "nối lại tình hữu nghị" giữa Mỹ và Iran. Kể từ cuối tháng 9/2013, các quan chức cao cấp của Mỹ và Iran đã tổ chức 3 vòng đối thoại trực tiếp về vấn đề hạt nhân. Vòng đàm phán thứ 4 diễn ra tại Geneva ngày 7 - 8/11 là một phần trong các cuộc đàm phán giữa Iran với Nhóm P5+1, gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức. Một quan chức cao cấp Mỹ ngày 6/11 cho biết nhiều khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận ban đầu nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran trong tuần này.
Các quan chức Mỹ tin rằng chương trình hạt nhân của Iran, nếu không bị chặn bằng các cuộc đàm phán thành công hoặc tấn công quân sự, có thể sẽ được đẩy mạnh và vào mùa hè tới, Iran có thể trở thành quốc gia có các vũ khí hạt nhân. Theo nhận định của các nhà ngoại giao và học giả, ông Talwar - với chức danh là trợ lý đặc biệt của Tổng thống và Giám đốc cấp cao trong Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách Iran, Iraq, các nước vùng Vịnh - là một sự lựa chọn hợp lý cho công cuộc bí mật tiếp cận Tehran của Nhà Trắng.
Dưới thời Tổng thống G.W. Bush, ông Talwar cũng từng tham dự nhiều cuộc đối thoại bí mật giữa Mỹ và Iran tại châu Âu từ năm 2002 - 2006, do các tổ chức quốc tế như Hội châu Á, Hiệp hội LHQ (UNA) và Pugwash đứng ra tổ chức.
Theo "Nhật báo Phố Wall", việc ông M. Ahmadinejad theo đường lối cứng rắn đắc cử Tổng thống Iran năm 2009 đã dập tắt tình trạng bớt căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Các nỗ lực ngoại giao với Iran chỉ được đẩy mạnh trở lại sau khi ông Rouhani thắng cử vào tháng 6 vừa qua, và ông Talwar được đặt ở trọng tâm trong chiến dịch ngoại giao.
Ông Rouhani đã vận động tranh cử với cam kết cải thiện các mối quan hệ với phương Tây, và ông Obama đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội này. Chỉ vài ngày sau khi ông Rouhani nhậm chức, Nhà vua Oman Qaboos bin Said al Said, một nhà trung gian thường xuyên, đã tới Tehran và nhấn mạnh với giới lãnh đạo Iran rằng Nhà Trắng mong muốn đối thoại trực tiếp. Bản thân ông Obama đã viết thư cho ông Rouhani trong mùa hè vừa qua để nhấn mạnh rằng Washington muốn chấm dứt cuộc tranh cãi hạt nhân một cách hòa bình.
Các quan chức Mỹ và EU tiết lộ, việc ông Rouhani đắc cử đã làm phục hồi các cuộc tiếp xúc cao cấp giữa Mỹ và Iran cách đây nhiều năm ở châu Âu. Về phía Iran, ông Zarif - từng là Đại sứ Iran tại LHQ và hiện là Ngoại trưởng - cũng sử dụng các mối quan hệ trước đây của mình, đặc biệt là thông qua Hội châu Á ở New York, để kết nối và thông báo với Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ về các bước đi của chính phủ mới tại Iran nhằm loại bỏ quan ngại của Mỹ về chương trình ngoại giao của Iran.
Hội châu Á và Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (một viện nghiên cứu phi chính phủ) đã tổ chức nhiều hội nghị bàn tròn cho ông Rouhani và ông Zarif bên lề kỳ họp Đại hội đồng LHQ tháng 9 vừa qua. Bà Susan Rice và người đồng nhiệm Iran tại LHQ là Mohammad Khazaee đã liên hệ chặt chẽ qua điện thoại để sắp xếp cuộc gặp trực tiếp giữa ông Obama và ông Rouhani bên lề kỳ họp Đại hội đồng.
Mặc dù cuộc gặp không diễn ra song hai nhà lãnh đạo đã nhất trí trao đổi qua điện thoại sau khi ông Rouhani trở về Tehran hôm 27/9.
Lê Dương