Theo tờ Vox, quy định này có thể khiến hàng chục nghìn sinh viên nước ngoài gặp khó khăn trên con đường lấy tấm bằng đại học Mỹ.
Thị thực sinh viên hiện nay có giá trị trong suốt thời gian sinh viên học tập tại Mỹ. Nhưng theo quy định mới đề xuất do Bộ An ninh Nội địa vừa thông báo, thị thực của một số sinh viên nước ngoài chỉ có giá trị trong 2 năm và lý do là Mỹ muốn xác định các mối đe dọa an ninh và giám sát tuân thủ quy định an ninh dễ dàng hơn.
Các nước bị nhằm vào trong đề xuất trên là những nước bị Mỹ coi là quốc gia bảo trợ khủng bố và những quốc gia có tỷ lệ cao người dân tới Mỹ ở quá hạn thị thực.
Theo đề xuất, sau giai đoạn hai năm, những sinh viên này sẽ phải xin gia hạn thị thực. Hiện chưa rõ các quan chức phụ trách nhập cư có thể từ chối yêu cầu gia hạn thị thực hay không khi mà sinh viên thường cần 4 năm để hoàn thành chương trình đại học, 6 năm hoặc hơn để lấy bằng tiến sĩ.
Đề xuất mới cũng nói rằng nếu sinh viên cần nhiều thời gian hơn bình thường để hoàn thành khóa học, họ sẽ phải cung cấp bằng chứng học thuật thuyết phục, giấy tờ tình trạng sức khỏe, hoặc các tình huống ngoài tầm kiểm soát như thiên tai, khủng hoảng y tế…
Quy định mới được đề xuất có thể khiến sinh viên nước ngoài ngần ngại đăng ký vào các trường đại học Mỹ trong bối cảnh số lượng sinh viên nước ngoài vào Mỹ du học đã sụt giảm. Sinh viên nước ngoài mang tới khoảng 32 tỷ USD doanh thu hàng năm cho các trường đại học và quá trình học tập ở Mỹ tạo công ăn việc làm cho trên 300.000 người.
Hiện chưa rõ quy định mới này sẽ có hiệu lực hay không. Chính quyền của ông Trump chỉ còn vài tháng cho tới tháng 1/2021 để chốt quy định. Sau thời gian đó, chính quyền mới của Mỹ có thể bãi bỏ đề xuất. Trong trường hợp Tổng thống Trump tái đắc cử vào tháng 11 tới, ông sẽ có thời gian để thông qua quy định này.
Đề xuất sẽ ảnh hưởng tới những người tới từ các nước bị Mỹ coi là bảo trợ khủng bố như Iran, Syria, Sudan và Triều Tiên. Ngoài ra, công dân 55 quốc gia có tỷ lệ 10% ở quá hạn thị thực cũng có thể bị ảnh hưởng. Một số quốc gia có số lượng sinh viên du học Mỹ lớn như Việt Nam, Nigeria và Nepal.
Trong năm học 2018-2019, trên 24.000 người Việt Nam, 13.000 người Nigeria, 13.000 người Nepal và 12.000 người Iran đã đăng ký học tại các trường đại học Mỹ.
Sinh viên nước ngoài không thuộc nhóm 59 quốc gia nhưng theo học những trường không được chính thức công nhận hoặc không giam gia chương trình E-Verify (xác minh điều kiện hợp pháp của cá nhân để làm việc) cũng sẽ chỉ được cấp thị thực hai năm.
Theo tờ Vox, phần lớn những người ở Mỹ quá hạn thị thực tới từ Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Canada nhưng không quốc gia nào nằm trong nhóm 59 nước. Do đó, đề xuất nói trên chủ yếu nhằm vào sinh viên các nước châu Phi.
Các nước có tỷ lệ ở quá hạn thị thực cao (ngoại trừ Syria và Nigeria) thực ra lại chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số trường hợp ở quá hạn thị thực hàng năm.
Ví dụ, trong năm 2019, Burundi có tỷ lệ sinh viên và khách thuộc diện trao đổi ở quá hạn thị thực là 44% - thuộc hàng cao nhất thế giới. Nhưng 44% này chỉ tương đương 127 người, một con số quá nhỏ bé so với trên 60.000 người ở quá hạn thị thực.
Trong khi đó, Trung Quốc có tỷ lệ ở Mỹ quá hạn thị thực chỉ chưa đầy 2%, nhưng con số 2% này tương đương với trên 11.000 người.
Trước đó, Tổng thống Trump đã từng có động thái khiến sinh viên nước ngoài phải cân nhắc trước khi đăng ký du học tại Mỹ. Hồi tháng 7 năm nay, ông đã tìm cách trục xuất sinh viên nước ngoài học ở những trường chỉ dạy trực tuyến. Sau khi các trường đại học kiện chính sách này, chính quyền Mỹ cuối cùng phải bỏ quy định. Tuy nhiên, động thái này đã khiến sinh viên nước ngoài bất an và họ có thể nghĩ lại về việc ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, ông Trump đã áp đặt hạn chế với các chương trình thị thực tạo điều kiện cho sinh viên ở lại Mỹ lâu dài, trong đó có chương trình thị thực H-1B dành cho người lao động có tay nghề.
Trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, ông Trump đã ký lệnh tạm thời cấm người lao động nước ngoài nhập cảnh theo diện H-1B và các thị thực khác tới hết năm 2020. Trên 85.000 người nhập cư/năm được cấp thị thực H-1B dành cho người lao động có tay nghề. Trong đó, hàng nghìn người làm việc tại các tập đoàn công nghệ như Google và Amazon.
Chính quyền Mỹ cũng tìm cách chấn chỉnh tình trạng gian lận thị thực sinh viên bằng những phương pháp gây tranh cãi. Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) hồi tháng 11/2019 đã bị chỉ trích sau khi thông báo điều hành một trường đại học ma để lừa người nhập cư xin thị thực sinh viên giả mạo. Khoảng 250 sinh viên tại Đại học Farmington (Michigan) bị bắt sau đó. Đại học này thực ra không phải là cơ sở giáo dục thật. ICE quảng cáo là trường có khóa học STEM nhưng không có giáo viên, giáo trình, lớp học, hoạt động giáo dục khác mà chỉ là tấm vé để sinh viên xin thị thực F-1.
Tuy nhiên, các luật sư đại diện cho sinh viên bị bắt nói ICE đã gài bẫy để sinh viên nước ngoài phạm tội, lừa họ trả hàng nghìn đô la cho trường đại học ma mà không thể nào biết hành vi của họ là phạm pháp.