Ngành công nghiệp khai thác dầu khí của Mỹ đã được thừa nhận có sự thay đổi bước ngoặt, khi sản lượng mặt hàng này tại Mỹ từ chỗ suy giảm đã tăng trưởng trở lại. Nhưng nó không thể giúp những tính toán của chính phủ Mỹ biến thành sự thật. Cụ thể, Mỹ không thể thực hiện được cả 2 mục đích: Dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu, vừa cứu châu Âu thoát khỏi “vòng kim cô” năng lượng từ Nga. Do đó, giấc mơ xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu của Mỹ không bao giờ có cơ hội trở thành hiện thực.
Tại sao vậy? Năm 2013, tất cả các nước Liên minh châu Âu (EU) cộng với Thụy Sĩ, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Balkan tiêu thụ tổng cộng 18,7 nghìn tỷ “feet” khối khí đốt tự nhiên. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), 30% (tương đương 5,7 tỷ feet khối), lượng khí này được cung cấp bởi Nga. Liệu Mỹ có thể gánh vai trò này? Tổng thống Nga V. Putin đã đề cập đến vấn đề năng lượng với Tổng thống Mỹ Obama và cả hai đều biết rằng Washington không có khả năng cung cấp 5,7 tỷ feet khối khí sang châu Âu. Có rất nhiều lý do giải thích cho nhận định này.
Cơ sở hạ tầng
Hiện nay không có đường ống nào để chuyển khí đốt tự nhiên từ Mỹ đến châu Âu. Vì vậy, tất cả khí xuất khẩu sang châu Âu sẽ phải được hóa lỏng và vận chuyển bằng tàu biển qua Đại Tây Dương. Quá trình hóa lỏng khí đốt tự nhiên là vô cùng tốn kém. Một khối lượng lớn khí tự nhiên sẽ bị hao hụt trong quá trình nén và hóa lỏng khí đốt.
Trong thực tế, để hóa lỏng 5,7 tỷ feet khối LNG sẽ đòi hỏi tiêu tốn hơn 1,9 tỷ feet khối khí đốt tự nhiên. Vì vậy, Mỹ sẽ phải cần đến 7,6 tỷ feet khối khí đốt tự nhiên để tạo ra 5,7 tỷ feet khối LNG cần thiết cho châu Âu.
Không đủ nguồn cung
Nếu sử dụng 7,6 tỷ feet khối khí đốt tự nhiên của mình để cung cấp cho châu Âu, Mỹ sẽ không còn đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Thực vậy, mùa đông vừa qua đã cho thấy lượng dự trữ khí đốt tự nhiên của Mỹ chỉ còn ở mức thấp, 800 tỷ feet khối.
Nếu Washington chuyển tất cả lượng khí dự trữ này cho châu Âu (để cung cấp năng lượng cho châu lục này vượt qua 50 ngày mùa đông lạnh giá), tất cả hệ thống đèn sử dụng khí đốt và ngành công nghiệp khí gas, vốn sản xuất hơn 30% điện trong nước, sẽ ngừng hoạt động.
Dù có được bổ sung nguồn cung mới, Mỹ vẫn phải nhập khẩu 1,3 tỷ feet khối/năm. Và mặc dù việc sản xuất khí từ đá phiến sẽ tiếp tục tăng, thì nguồn cung mới này cũng chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất điện trong nước, khi chính quyền Obama tiếp tục cuộc vận động hạn chế sử dụng than và sản xuất điện bằng than. Điểm mấu chốt ở đây là Mỹ sẽ không đủ lượng khí để cung cấp cho châu Âu.
Trong khi đó, sản xuất khí đốt tự nhiên ở châu Âu đang xuống dốc vì Na Uy giảm sản xuất khí. Ngoài ra, tình hình chính trị ở Bắc Phi vẫn còn bất ổn. Hơn nữa, khu vực này cũng không phải là một đối tác đáng tin cậy mà châu Âu có thể trông cậy để nhập khẩu khí đốt.
Đội giá
Với tình hình hiện nay, mức giá LNG mà Mỹ bán cho Châu Âu sẽ vào khoảng hơn 9 USD/1.000 feet khối thì mới đủ bù đắp chi phí vận chuyển và hóa lỏng. Trong khi đó, khí đốt nhập khẩu từ Nga chỉ có giá 0,5 USD/1.000n feet khối, không hóa lỏng và được cung cấp bằng đường ống.
Hơn nữa, các cơ sở hóa lỏng và chuyển tải hiện tại không có khả năng đáp ứng nhu cầu để cung cấp cho châu Âu, ngay cả khi nguồn cung khí đốt ở Mỹ đủ đáp ứng. Chi phí cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng mới sẽ mất nhiều thập kỷ mới có thể thu hồi.
Nếu các vấn đề chính trị giữa EU và Nga không được giải quyết và kéo dài, châu Âu cũng không có khả năng từ bỏ khí đốt của Nga trong nhiều thập kỷ để ký kết hợp đồng cung cấp dài hạn với các nhà cung cấp LNG của Mỹ.
Vũ Thanh(N.I)