Mỹ Latinh bên bờ vực suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử

Việc Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, hay Mexico ngày 8/7 ghi nhận số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở quốc gia này, cho thấy tình hình lây nhiễm tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Chú thích ảnh
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tới dự một hội nghị cấp Bộ trưởng ở Brasilia ngày 12/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi nhiều nơi trên thế giới đang bước vào giai đoạn "bình thường mới" thì khu vực này vẫn phải loay hoay đối phó với làn sóng đầu tiên của đại dịch COVID-19, vốn bùng phát ở Mỹ Latinh và Caribe 4 tháng trước. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh nghiêm trọng này không chỉ tác động mạnh tới mọi mặt của đời sống xã hội ở hầu hết các nước ở Tây Bán cầu trong nửa đầu năm nay, mà còn đe dọa đẩy toàn bộ khu vực vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử vào nửa cuối năm.

Trong một tháng trở lại đây, số ca mắc COVID-19 mới theo ngày tại các nước Mỹ Latinh liên tục tăng mạnh, đặc biệt là tại Brazil, Peru, Chile và Mexico, và đến nay khu vực này đã vượt qua cả Mỹ và châu Âu, trở thành điểm nóng có số bệnh nhân COVID-19 cao nhất thế giới với hơn 3 triệu trường hợp, chiếm tới 26% tổng số toàn cầu, trong đó gần 140.000 ca tử vong. Thậm chí, một số nước ở Mỹ Latinh được cho là áp dụng khá chặt chẽ và bài bản các biện pháp cách ly xã hội như Argentina, thời gian gần đây số ca nhiễm mới cũng gia tăng đột biến.

Mặc dù vậy, theo dự báo của Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), tình hình dịch bệnh vẫn rất khó lường tại hầu hết các nước và có lẽ phải tới giữa tháng 8, đường cong dịch tễ mới lên tới đỉnh điểm trước khi đi ngang và giảm dần vào cuối năm nay.

Phần lớn các nước Mỹ Latinh chủ trương áp đặt biện pháp cách ly xã hội ngay từ khá sớm, cấm toàn bộ các hoạt động tụ tập đông người, đóng cửa các trường học và các loại hình kinh doanh, ngoại trừ siêu thị, hiệu thuốc và một số mặt hàng thiết yếu khác. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà không phải tất cả các nước đều đạt được hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Với đặc thù là một trong những khu vực có tình trạng bất bình đẳng cao nhất thế giới, nhiều nước không thể hạn chế được người dân đổ ra đường. Một bộ phận không nhỏ người dân Mỹ Latinh phụ thuộc vào các công việc không chính thức để duy trì cuộc sống hằng ngày và họ buộc phải ra đường để mưu sinh. Chính vì vậy, việc phải tuân thủ lệnh cách ly bắt buộc trong 2, 3 tháng và thậm chí lâu hơn là điều bất khả thi. 

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện nay ở Mỹ Latinh có khoảng 158 triệu người làm việc không chính thức, khoảng 65 triệu người thiếu nước sinh hoạt và 55 triệu người sống ở những khu nhà không đủ điều kiện vệ sinh dịch tễ. Tất cả những điều này là một phần lý do khiến cho dịch COVID-19 ở Mỹ Latinh lan rộng khá nhanh chóng và dễ dàng. Cùng với đó, tình trạng thiếu hụt về đầu tư hạ tầng y tế và sự yếu kém trong cơ chế giám sát dịch bệnh cũng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn khi số ca nhiễm tăng mạnh từng ngày, gây quá tải hệ thống y tế.

Có thể nói, đại dịch COVID-19 đang đẩy Mỹ Latinh và Caribe đến cuộc suy thoái lớn nhất trong lịch sử. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn khu vực sẽ sụt giảm 5,2% trong năm nay, so với các mức giảm 5% của cuộc Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước, hay giảm 2,5% trong cuộc khủng hoảng những năm 80 cũng như mức giảm 1,9 % sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Các nền kinh tế hàng đầu khu vực đều được dự báo sẽ suy giảm kinh tế trầm trọng trong năm nay, trong đó tăng trưởng của Brazil có thể sẽ ở mức -9,1%, Mexico là -10,5% và Argentina khoảng -9,9%. 

Mặc dù vậy, suy thoái kinh tế do COVID-19 gây ra sẽ tác động đến các quốc gia trong khu vực theo những cách khác nhau. Khía cạnh đầu tiên và trực tiếp nhất sẽ là giảm sút trong các hoạt động xuất khẩu. Những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô (đồng, đậu tương, khí tự nhiên, dầu mỏ...) và các sản phẩm gia công, như Mexico và một số nước Trung Mỹ. Do đó, sự sụt giảm nhu cầu tại Mỹ, Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung euro sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cán cân thanh toán của các quốc gia Mỹ Latinh. 

Thứ hai, và nghiêm trọng hơn, là giá cả các mặt hàng nguyên liệu thô giảm mạnh. Các nước xuất khẩu dầu (Venezuela, Ecuador, Mexico và Colombia) sẽ bị tác động nhiều nhất do trên thị trường thế giới, dầu thô đã liên tục mất giá kể từ đầu năm nay. Thứ ba, cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ khiến ngành du lịch và vận tải hành khách sụp đổ. Các biện pháp hạn chế du lịch sẽ ảnh hưởng đến Mexico, Costa Rica và đặc biệt là các đảo quốc Caribe, nơi ngành "công nghiệp không khói" tạo ra khoảng 800.000 việc làm trực tiếp và 2,4 triệu việc làm gián tiếp, cũng như chiếm đến 15,5% GDP.

Một yếu tố khác ảnh hưởng không kém đối với một số nền kinh tế sẽ là sự sụt giảm của dòng kiều hối. Dòng ngoại tệ giảm sút sẽ tác động đặc biệt tới Haiti (gần 30% GDP của nước này dựa vào nguồn kiều hối), El Salvador và Honduras (20% GDP), ở mức độ thấp hơn là Mexico (2,8% GDP).

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Santiago, Chile, ngày 18/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc, nghèo đói và nghèo cùng cực sẽ gia tăng ở tất cả các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe. Cuối năm nay, số người nghèo sẽ tăng từ 186 triệu người hiện nay lên 214,7 triệu người, tương đương 34,7% tổng dân số khu vực, trong đó số người nghèo cùng cực sẽ lên đến 83,4 triệu người. Cùng với đó là vấn đề gia tăng bất bình đẳng. Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (hệ số Gini) sẽ tăng từ 0,5% đến 6,0%, tùy theo từng quốc gia. Đây sẽ là một thất bại tồi tệ của khu vực nếu so với những tiến bộ đạt được trong những năm 2000 và trở thành một thách thức lớn trong cuộc chiến chống đói nghèo giai đoạn hậu COVID-19 tại Mỹ Latinh.

Để hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh tới đời sống người dân, đặc biệt là những thành phần dễ bị tổn thương trong xã hội, chính phủ nhiều nước tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ kinh tế. Brazil kéo dài chương trình trợ cấp cho những người lao động không chính thức và thất nghiệp tới hết tháng 8, Argentina cũng duy trì Chương trình Hỗ trợ khẩn cấp lao động và sản xuất, trong đó các doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ tài chính sẽ nhận được khoản hỗ trợ tối đa tương đương với mức lương tối thiểu tại Argentina (khoảng 225 USD) cho mỗi công nhân. Mexico cũng thực hiện gói kích thích kinh tế với khoảng 1 triệu khoản tín dụng không lãi suất cho các hộ kinh doanh nhỏ. Chile công bố gói hỗ trợ kinh tế trị giá 11,7 tỷ USD, tương đương 4,7% GDP....

Cùng với đó, nhiều nước cũng bắt đầu nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội, mở cửa trở lại ở những mức độ khác nhau các hoạt động thường nhật, từ các trung tâm thương mại, nhà hàng, quán bar, cho tới phòng tập gym nhằm giảm thiểu tác động kinh tế đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, thành phần bị ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dịch COVID-19.     

Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp như hiện nay thì việc nới lỏng các biện pháp cách ly để phục hồi kinh tế đang trở thành “con dao hai lưỡi”, khiến cho số ca mắc COVID-19 ở một số nước tăng đột biến trở lại. Điển hình của nghịch lý này là Argentina, đã khá thành công với các biện pháp cách ly xã hội bắt buộc ngay từ đầu, nhưng kể từ khi nới lỏng giãn cách hồi giữa tháng Sáu thì số ca nhiễm tăng mạnh với hơn 2.000 ca/ngày, khiến chính phủ của Tổng thống Alberto Fernandez buộc phải tái áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế.

Có thể nói, về lâu dài, triển vọng kinh tế thời kỳ hậu COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe không mấy sáng sủa khi thu ngân sách giảm và nợ công cao khiến nhiều nước gặp khó trong việc thúc đẩy nền kinh tế. Theo giới chuyên gia, các hoạt động kinh tế trong khu vực này có được cải thiện hay không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng COVID-19 và hiệu quả của những biện pháp kích thích kinh tế được mỗi quốc gia áp dụng nhằm tăng chi tiêu và thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, với diễn biến lây nhiễm hiện nay, cuộc khủng hoảng COVID-19 đang đẩy khu vực lún sâu vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế - xã hội chưa thấy đường thoát.

Hoài Nam (Phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh)
Việc Mỹ nhất định phải làm nếu muốn chấm dứt đại dịch COVID-19
Việc Mỹ nhất định phải làm nếu muốn chấm dứt đại dịch COVID-19

Thông điệp thiếu nhất quán về tính chất nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đã khiến số ca mắc bệnh tăng vọt trong tháng 6 ở phần lớn các bang ở Mỹ. Muốn chấm dứt đại dịch, các chuyên gia y tế cho rằng Mỹ cần phải thay đổi điều đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN