Mỹ lo ngại một EU không có Anh

Ngày 9/1, Philip H. Gordon, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Âu-Á, đã lên tiếng cảnh báo rằng việc nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) có thể gây tổn hại tới mối quan hệ giữa Luân Đôn và Oasinhtơn, thậm chí nước Anh có nguy cơ bị gạt ra rìa trong những vấn đề quốc tế.


 

Thủ tướng Cameron đang chịu áp lực ngày một lớn trước kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU.

 

Tuyên bố nhân chuyến thăm Luân Đôn này của ông Gordon chứng tỏ Oasinhtơn đã bắt đầu thấy lo ngại về nguy cơ một EU không có nước Anh trong tương lai. Tuy nhiên, đó lại là kịch bản mà giới hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ cần tính đến trong bối cảnh sức ép đang gia tăng, yêu cầu Thủ tướng Anh David Cameron và liên minh cầm quyền phải tổ chức trưng cầu ý dân để quyết định nước này ra đi hay tiếp tục ở lại với EU.


Tờ "The Independent" (Anh) dẫn lời ông Gordon khẳng định rằng mối quan hệ giữa Mỹ và EU đang phát triển tốt đẹp, và việc tăng cường tiếng nói của Anh trong tổ chức khu vực này có liên quan mật thiết tới lợi ích của Oasinhtơn. Vì thế, xét dưới bất kỳ góc độ nào, việc Anh rút khỏi EU sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Phát biểu công khai của một quan chức cấp cao Mỹ cho thấy những mâu thuẫn về vấn đề EU không chỉ gây chia rẽ chính giới Anh mà còn đe dọa trực tiếp đến lợi ích sống còn của Oasinhtơn ở châu Âu. Ông Gordon còn khẳng định: "Hơn tất cả các nước khác, vị thế và vai trò của Anh trong EU có ý nghĩa rất quan trọng đối với Mỹ". Theo ông, tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU là dấu hiệu của xu thế hướng nội ở nước Anh.


Trong khi đó, áp lực tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU vẫn tiếp tục gia tăng ở Luân Đôn. Phát biểu trước Quốc hội hồi đầu tuần này, Thủ tướng Cameron khẳng định rằng mặc dù không ủng hộ, nhưng ông cũng có thể tính đến phương án này. Giới truyền thông dự đoán, trong bài phát biểu sắp tới về EU, ông Cameron có thể sẽ đưa ra thời điểm tổ chức trưng cầu ý dân là vào năm 2018, sau cuộc tổng tuyển cử kế tiếp. Tuy nhiên, điều này chưa thể giúp hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng khi mà những người theo chủ thuyết hoài nghi về châu Âu đề nghị sớm tổ chức trưng cầu ý dân. Thị trưởng Luân Đôn Boris Johnson, một đối thủ cạnh tranh vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, còn thẳng thừng tuyên bố: "Tôi không nghĩ việc rời khỏi châu Âu lại là ngày tận thế".


Tuy nhiên, ông Gordon lại cho rằng việc rời khỏi EU hoặc giảm bớt vai trò trong tổ chức khu vực này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với nước Anh. Theo nhận định của "Thời báo Tài chính", chính quyền Mỹ đã có một bước đi khá bất ngờ khi công khai đề cập tới vấn đề này với báo giới Anh, rằng mối quan hệ đặc biệt Oasinhtơn-Luân Đôn chỉ "đơm hoa kết trái" nếu đảo quốc sương mù vẫn ngự trị ở "trái tim" EU. Mặc dù ông Gordon khẳng định không can thiệp vào công việc nội bộ của Anh, nhưng chuyên gia Jacob Kirkegaard thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Oasinhtơn lại cho rằng bước đi này thấp thoáng bóng dáng của hành động "phủ đầu" nhằm tạo ra sóng. Theo ông Gordon, châu Âu càng lâm vào những cuộc tranh cãi nội bộ bao nhiêu, thì họ càng khó có thể đoàn kết bấy nhiêu. Ông nói: "EU sẽ phát huy hiệu quả khi các thành viên tăng cường hợp tác, ví dụ như trong vấn đề cấm vận dầu mỏ đối với Iran".


Lê Phương (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN