Mỹ lo sợ hay lạc quan về sự trỗi dậy của Trung Quốc?-Kỳ cuối

Theo bà Amy Zegart, Giáo sư kinh tế, chính trị tại Đại học Stanford, đồng Giám đốc Trung tâm Stanford về Hợp tác và An ninh Quốc tế và là thành viên cao cấp của Hội đồng Davies tại Viện Hoover (Mỹ), có thể nói, sự trỗi dậy của Trung Quốc là không hòa bình và thiếu trách nhiệm. Trung Quốc đang hiện đại hóa quân đội theo cách của mình, phát triển khả năng tác chiến mạng, đánh cắp công nghệ và tăng khả năng gián điệp để có được những lợi thế phi đối xứng cũng như khả năng hải quân để khắc chế sự thống trị của Mỹ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Cùng với đó, Trung Quốc đang mềm hóa sức mạnh ngoại giao nhằm phục vụ cho những lợi ích của Trung Quốc, khăng khăng về yêu sách “đường 9 đoạn” trên Biển Đông và yêu cầu internet phải được quản lý như chủ quyền quốc gia hơn là một tiện ích toàn cầu phục vụ cho thương mại tự do. Việc kích động căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông của Trung Quốc đã gia tăng những rủi ro nghiêm trọng của việc ngộ nhận, đánh giá sai, nguy cơ dẫn đến những cuộc xung đột quân sự có thể nhanh chóng lôi kéo Mỹ tham gia. Tóm lại là một Trung Quốc trỗi dậy thực sự đáng lo ngại.

Trong khi đó, nếu nhìn vào bên trong, chúng ta sẽ thấy một Trung Quốc mong manh dễ vỡ. Trung Quốc chi nhiều tiền cho an ninh nội địa hơn là cho quốc phòng. Có thể thấy, Bắc Kinh đang phải đối mặt với những tình thế tiến thoái lưỡng nan nghiêm trọng trong nước: Nếu nền kinh tế phát triển chậm chạp, thì trụ cột pháp lý có thể bắt đầu sụp đổ. Mặt khác, nếu kinh tế phát triển, thì hệ thống chính trị cần phải được cải tổ để giải quyết vấn đề kinh tế phát sinh và những thay đổi trong xã hội, trong đó có vấn đề già hóa dân số nhanh chóng - vốn là một quả bom hẹn giờ về vấn đề nhân khẩu học; khoảng cách bất bình đẳng, đặc biệt giữa nông thôn và thành thị; ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tệ nạn tham nhũng,…

Trung Quốc đang phát triển năng lực hải quân để khắc chế sự thống trị của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.


Những điều này sẽ có ý nghĩa thế nào đối với chính sách đối ngoại của Mỹ? Thứ nhất, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên tỉnh táo để lường trước sự bất ổn định của Trung Quốc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc không như thực tế và sự ổn định của Trung Quốc không phải như những gì mọi người vẫn thấy. Sự yếu kém trong nước có thể dẫn đến sự nguy hiểm đối với bên ngoài. Nói một cách cụ thể, nếu sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thực chất thì tranh chấp lãnh thổ với những nước có chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ trở nên tồi tệ hơn chứ không thể tốt lên được.

Thứ hai, chiến lược của Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương cần phải khởi động lại, tập trung nhiều hơn vào khả năng ngoại giao hiệu quả và những nỗ lực về kinh tế hơn là việc “xoay trục” mang tính biểu tượng quân sự. Thay vì việc bố trí thêm lực lượng Thủy quân lục chiến ở Australia, Mỹ cần phải sớm đạt được Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngoài ra, Mỹ nên theo đuổi một chiến lược mạnh mẽ hơn, liên tục hơn đối với những đồng minh đã có (đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc) nhằm tái khẳng định các cam kết của mình và kiềm chế đối thủ chủ chốt (Trung Quốc), đồng thời phát triển hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, và xây dựng các tổ chức đa phương khu vực trên cơ sở một loạt các chính sách để bảo đảm có một tiếng nói chung, mạnh mẽ đối với những quốc gia nhỏ hơn trong khu vực.

Sau sự kiện 11/9, với những mối đe dọa phi đối xứng trên thế giới, ưu thế quân sự không phải lúc nào cũng được đưa ra sử dụng. Nếu sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực tiếp tục là cần thiết, thì ngoại giao và thương mại sẽ bảo đảm hiệu quả hơn, giảm chi phí trong việc giành lại vị trí thống trị của Mỹ và duy trì ổn định khu vực, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.

Sẽ có nhiều người hỏi tại sao Mỹ lại lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc? Câu trả lời là: Châu Á-Thái Bình Dương liên quan tới lợi ích sống còn của Mỹ, trong đó có những cam kết quân sự lâu dài với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan; bảo vệ tuyến vận chuyển hàng hóa chiếm khoảng 50% tổng lượng vận chuyển dầu mỏ của thế giới và hơn một nửa tổng lượng hàng hóa tiêu dùng trên toàn bộ hành tinh.

Mỹ đã luôn hiện diện ở châu Á, nhưng trong lịch sử châu Á chưa bao giờ là ưu tiên số một của Mỹ kể từ thời chính quyền Tổng thống Tedd Roosevelt. Các nước châu Âu vẫn là đồng minh số một của Mỹ và cuộc khủng hoảng Trung Đông vẫn thu hút sự quan tâm lớn trong chính sách đối ngoại của Washington, nhưng định hướng chiến lược hướng về châu Âu và Trung Đông ngày càng xa rời thực tế sức mạnh quân sự, địa chính trị, kinh tế và chính trị. Bất chấp Trung Quốc có tiếp tục trỗi dậy hay không thì châu Á vẫn sẽ là khu vực chiến lược quan trọng nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ trong thế kỷ 21.


Công Thuận (Theo A.I)

Mỹ tăng cường an ninh sân bay vì lo ngại khủng bố
Mỹ tăng cường an ninh sân bay vì lo ngại khủng bố

Trước những tin tức tình báo nhận định rằng các phần tử khủng bố Trung Đông đang chế tạo loại bom có thể lén đưa lên các chuyến bay thương mại, ngày 2/7, giới chức Mỹ thông báo sẽ gia tăng các biện pháp bảo đảm an ninh tại các cửa khẩu sân bay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN