Ngày 21/2, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức cuộc điều trần nằm trong khuôn khổ đợt xem xét hành chính thứ tám đối với việc chống bán phá giá cá tra, cá ba sa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Trong khuôn khổ của cuộc điều trần này, Bộ Thương mại Mỹ xem xét việc có thay thế nước thứ ba để làm căn cứ tính giá và tính thuế sau khi Hiệp hội những người nuôi cá nheo của Mỹ tìm cách gây áp lực thông qua các Thượng nghị sĩ Mỹ.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu cá tra, cá ba sa lớn thứ hai của Việt Nam. Ảnh: Internet |
Phía các doanh nghiệp Mỹ muốn Bộ Thương mại nước này không chọn Bănglađét mà lấy một nước khác như Inđônêxia hoặc Philíppin làm căn cứ. Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, ông Đào Trần Nhân, sau khi tham dự phiên điều trần bày tỏ quan ngại về vụ việc này. Trả lời phóng viên TTXVN tại Mỹ, ông Nhân nói: "Đây là một hành động hết sức nguy hiểm đối với ngành nuôi trồng, chế biến cá tra và cá ba sa của Việt Nam", vì nó có thể làm tăng thuế suất lên tới hai đến ba chục lần trong khi các doanh nghiệp xuất mặt hàng này vào Mỹ trong năm 2012 chỉ chịu thuế suất rất thấp là 0% (đối với sản phẩm của doanh nghiệp Vĩnh Hoàn) hoặc chưa tới 1% (0,03 USD/kg) với nhiều doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, ông Đào Trần Nhân cũng tỏ ra lạc quan về khả năng Bộ Thương mại Mỹ sẽ không thay đổi việc chọn nước thứ ba làm căn cứ cho cá tra, cá ba sa nhập khẩu từ Việt Nam. "Các luật sư đại diện cho phía Việt Nam tại phiên điều trần đã trình bày những lập luận và bằng cớ sắc sảo với Bộ Thương mại Mỹ, cho rằng không có lý do gì để thay đổi sau gần 8 năm liên tục sử dụng Bănglađét", ông Nhân cho biết. Cơ sở là những điều kiện và trình độ phát triển nghề nuôi trồng và chế biến cá tra, cá ba sa của Việt Nam tương đồng với Bănglađét. Mặt khác, bất cứ sự thay đổi nào cũng gây khó khăn cho chính Bộ Thương mại Mỹ trong việc thu thập số liệu.
Lý do cá tra, cá ba sa Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ cần phải sử dụng nước thứ ba làm căn cứ tính thuế chống bán phá giá, cũng theo ông Nhân, là bởi sau nhiều năm đề nghị và đấu tranh, Việt Nam vẫn chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường.
Những năm trước đây, các nhà nuôi cá da trơn của Mỹ nhiều lần tìm cách ngăn cản các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ. Trong đó có cả việc gây sức ép lên các cơ quan chức năng của Mỹ tạo ra các hàng rào kỹ thuật, coi cá tra, cá ba sa của Việt Nam không phải là cá da trơn. Diện tích nuôi cá da trơn ở Mỹ đã giảm khoảng một nửa, từ khoảng 67.000 ha mặt nước xuống còn hơn 33.000 ha.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu cá tra, cá ba sa lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau các nước EU. Trong năm 2012, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vào Mỹ đạt hơn 358 triệu USD, chiếm khoảng hơn 20% trong tổng kim ngạch hơn 1,7 tỉ USD xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam.
Dự kiến, Bộ Thương mại Mỹ sẽ có phán quyết về việc lựa chọn nước thứ ba làm căn cứ tính thuế chống bán phá giá cho cá tra, cá ba sa Việt Nam vào ngày 14/3 tới.
Tuấn Đạt (P/v TTXVN tại Oasinhtơn)