Diễn ra trong bối cảnh tình hình Trung Đông đang diễn biến khó lường sau một loạt "nước cờ" bất ngờ của Mỹ tại "điểm nóng" này, hội nghị được ví như “sân khấu” mà Washington tiếp tục tận dụng để tái khẳng định cam kết chiến lược với khu vực và trấn an các đồng minh, "sứ mệnh" đã được Ngoại trưởng Pompeo thực hiện trong chuyến thăm Trung Đông hơn 1 tháng trước.
Có thể nói những động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Trung Đông năm 2018 đã đảo ngược hầu hết chính sách của các chính quyền tiền nhiệm, từ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv về đây, biện pháp được coi là trái với giải pháp hai nhà nước trong cuộc xung đột Israel - Palestine, đến “khai tử” thỏa thuận hạt nhân lịch sử, áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran, hay gần đây nhất là quyết định rút quân khỏi Syria.
Không chỉ gây tranh cãi, những bước đi của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Trung Đông khiến các đồng minh “đứng ngồi không yên”. Không ít chỉ trích cho rằng chính sách của Nhà Trắng đối với Trung Đông hiện không còn mang tầm nhìn dài hạn, bỏ mặc các đồng minh.
Thậm chí, một số ý kiến còn khẳng định Mỹ đang “tự bắn vào chân mình” khi tự loại bỏ vai trò dẫn dắt các vấn đề khu vực, đồng nghĩa với thất bại trong việc “kiềm chế” Iran và Nga - hai đối thủ chính cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ trong khu vực.
Cục diện Trung Đông đã không ngừng xoay chuyển, trong đó vị thế của Nga liên tục được củng cố, vô hình trung khiến ảnh hưởng của Mỹ dường như bị lu mờ. Trong mắt các đồng minh của Washington ở Trung Đông, một chính quyền Mỹ "thất thường" không còn đóng vai trò một đối tác đáng tin cậy.
Tái định hình chính sách Trung Đông, hay "lấp đầy" khoảng trống đang có nguy cơ làm suy yếu sức mạnh của Mỹ tại khu vực chiến lược này, đang được Washington tích cực triển khai.
Trong chuyến công du 8 ngày tới Trung Đông hồi tháng 1, Ngoại trưởng Pompeo đã "phác thảo" sơ bộ tầm nhìn mới của Mỹ ở Trung Đông với cam kết Washington sẽ tiếp tục sát cánh cùng các đồng minh trong việc đảm bảo an ninh, ổn định tại khu vực, sẽ không từ bỏ các nỗ lực nhằm hạn chế phạm vi ảnh hưởng của Iran. Ngay cả việc rút quân tại Syria cũng sẽ diễn ra từ từ, theo lịch trình chứ không phải lập tức rút hết quân, bỏ trống trận địa quan trọng ở Syria.
Hội nghị tại Vácsava lần này được xem là bước tiếp theo để Mỹ củng cố cam kết của mình, trong đó có "thành tố quan trọng là đảm bảo Iran không phải một nhân tố gây bất ổn". Việc Mỹ cử một loạt quan chức cấp cao trong chính quyền gồm Phó Tổng thống Mike Pence, nhóm hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump do cố vấn cấp cao và là con rể của ông chủ Nhà Trắng Jared Kushner đứng đầu và đặc phái viên phụ trách các cuộc đàm phán quốc tế Jason Greenblatt đã phản ánh kỳ vọng của Washington tại hội nghị.
Với sự tham dự của cố vấn cấp cao Jared Kushner, hội nghị cũng được cho là dịp để Mỹ công khai lần đầu tiên đề xuất hòa bình giữa Israel và Palestine dù nhiều nguồn tin cho rằng “thỏa thuận thế kỷ này” sẽ không được công bố cho đến sau cuộc bầu cử tại Israel, dự kiến diễn ra vào ngày 9/4 tới. Giới phân tích cho rằng đây là cách để Mỹ khẳng định lại vai trò trung gian cho tiến trình hòa bình Trung Đông, cũng là để ngầm thể hiện Washington chưa bao giờ "từ bỏ" khu vực chiến lược này.
Kỳ vọng là thế, nhưng việc có tới 20 nước phản đối không tham dự hội nghị, nhiều nước lớn ở châu Âu tỏ thái độ lạnh nhạt, trong đó có Đức và Pháp không cử ngoại trưởng tham dự hay Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cũng có lý do vắng mặt, cho thấy căng thẳng giữa các đồng minh EU và Mỹ xung quanh vấn đề Iran. Bản thân nước chủ nhà Ba Lan dù “bắt tay” với Mỹ tổ chức hội nghị Trung Đông, song vẫn nhấn mạnh lập trường đứng về phía EU ủng hộ thỏa thuận hạt nhân lịch sử.
Hội nghị cũng không tránh được sự tẩy chay của một số quốc gia quan trọng ở Trung Đông như Qatar, Liban, Iran hay cả đồng minh của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ. Dù ủng hộ Mỹ trong vấn đề “kiềm chế” ảnh hưởng của Iran, song đồng minh quan trọng hàng đầu của Washington tại Trung Đông là Saudi Arabia lại công khai bày tỏ quan điểm trái với Mỹ trong vấn đề Palestine. Ngay trước thềm hội nghị, Quốc vương Saudi Arabia Salman tuyên bố Riyadh “vĩnh viễn đồng hành với Palestine hướng tới một nhà nước độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô”.
Thực tế này buộc Mỹ và Ba Lan phải hạ thấp tham vọng chương trình nghị sự ban đầu được đưa ra hồi tháng 1, theo đó, hội nghị Vácsava sẽ không tập trung vào Iran hay gây dựng liên minh chống lại Tehran mà sẽ xem xét tổng thể các vấn đề tại Trung Đông, trong đó có khủng bố, cực đoan, thương mại và an ninh hàng hải.
Rõ ràng, dù chưa diễn ra, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy khả năng xuất hiện sự chia rẽ trong hội nghị Vácsava đối với các vấn đề nóng bỏng ở Trung Đông. Nói như ông Ali Vaez, Giám đốc dự án Iran tại tổ chức khủng hoảng quốc tế, thì Mỹ khó có thể đạt được tham vọng của mình tại hội nghị Vácsava, bởi trên thực tế, chính sách Trung Đông mới mà giới chức ngoại giao Mỹ đang thể hiện qua những chuyến công du hay những hội nghị quốc tế, lại có phần thiếu nhất quán với các bước đi thực tế của Tổng thống Donald Trump.