Theo bình luận của Tập đoàn Thông tin Năng lượng (Energy Intelligence Group) ngày 18/8, Mỹ đang tìm cách giành lại ảnh hưởng và quyền kiểm soát ở Trung Đông, sau những động thái trước đó - bắt đầu dưới thời chính quyền Barack Obama trước đây - nhằm hạ cấp khu vực này như một ưu tiên của Washington.
Sự điều chỉnh của Mỹ đang được thúc đẩy bởi các biến động địa chính trị - những vấn đề dễ bị tổn thương do cuộc xung đột Nga - Ukraine, vấn đề Iran, sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của chính Washington với Bắc Kinh.
Toan tính của Mỹ
Đó là vấn đề đang thực sự diễn ra trong mùa hè này: Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm kiếm một thỏa thuận lớn để bình thường hóa Israel - Saudi Arabia, được hỗ trợ bởi sự nâng cấp trong quan hệ Mỹ - Saudi Arabia bao gồm một bảo đảm an ninh chính thức và sự nhượng bộ của Israel về vấn đề Palestine. Không thể phủ nhận rằng các rào cản vẫn rất lớn, bắt nguồn từ việc chính phủ cánh hữu nhất trong lịch sử Israel muốn mở rộng các khu định cư và có thể sáp nhập các phần của Bờ Tây, gây ra những xáo trộng ở Palestine.
Nhưng đối với Washington, lợi ích tiềm năng là rất đáng kể. Theo Kristian Coates Ulrichsen của Viện Baker thuộc Đại học Rice, việc thiết lập lại mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia có thể giúp "kìm hãm" mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Trung Quốc đang ngày càng phát triển, trong bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn với việc nối lại quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran do Bắc Kinh làm trung gian hồi tháng 3 năm nay.
Ông Ulrichsen cho rằng, toan tính của Washington dường như xoay quanh việc làm thế nào để "lôi kéo" Saudi Arabia trở lại với "trật tự" do Mỹ lãnh đạo, sau khi Saudi Arabia đưa ra quan điểm không liên kết hơn, hợp tác với cả Nga, Trung Quốc và Mỹ trong một thế giới ngày càng đa cực. Một thỏa thuận cũng có thể củng cố sự hiện diện an ninh của Mỹ xung quanh các điểm trung chuyển dầu mỏ và tuyến đường thương mại quan trọng.
Bất đồng giữa Mỹ và Saudi Arabia
Mối quan hệ lâu dài giữa Mỹ và Saudi Arabia đã thay đổi liên tục trong một thời gian. Khu vực Trung Đông đã trải qua “sự tổn thương vì bị bỏ rơi”, như chuyên gia Ibish mô tả, bao gồm việc Mỹ không hỗ trợ cựu lãnh đạo Ai Cập Hosni Mubarak trong Mùa xuân Arập và thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015. Các phản ứng quyết liệt năm 2019 nhằm vào năng lực sản xuất của Saudi Arabia dường như đã đưa ra thông điệp rõ ràng hơ đối với khu vực.
Đồng thời, một ban lãnh đạo mới đang nổi lên trong khu vực, đứng đầu là Thái tử Mohammed bin Salman ở Saudi Arabia và Sheikh Mohammed bin Zayed ở Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), thể hiện quan điểm độc lập và quyết đoán hơn ở Trung Đông (đặc biệt là đối với Yemen và Qatar) và trên toàn cầu, khi cả hai đều chú ý đến các quan hệ đối tác quốc tế thay thế hoặc bổ sung. Một Trung Quốc đang trỗi dậy cung cấp đầu tư, công nghệ, thị trường và hơn thế nữa, trong khi Nga mang lại thêm ảnh hưởng trên thị trường dầu mỏ thông qua OPEC+.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine càng làm phức tạp thêm động lực của mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia. Căng thẳng giữa hai bên liên quan đến việc cắt giảm sản lượng của OPEC đã xuất hiện vào tháng 10 năm ngoái, với việc Washington cho rằng Riyadh đang hỗ trợ Moskva một cách hiệu quả thông qua các chính sách của OPEC+. Nhưng điều này dường như đã khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden phải xem xét lại quan điểm chiến lược của mình, khi việc "xoay trục" một phần ra khỏi khu vực đã khiến Washington gặp khó khăn trong việc kêu gọi sự ủng hộ khi cần.
Chính quyền Biden kể từ đó đã tìm cách cho Saudi Arabia thấy rằng họ đáng tin cậy hơn bất kỳ đối tác thay thế nào, kể cả Trung Quốc. Để phản ứng với thông tin tình báo của Riyadh về mối đe dọa từ Iran đối với Saudi Arabia vào mùa thu năm ngoái, Mỹ đã triển khai các máy bay F-22 đến khu vực. Gần đây hơn, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện hải quân ở vùng Vịnh và đang cân nhắc đưa lực lượng thủy quân lục chiến có vũ trang lên tàu thương mại để đề phòng việc bị Tehran bắt giữ. “Đó là lời nói đi đôi với việc làm, đặc biệt là hành động”, chuyên gia Ibish nói.
Thiếu hụt đòn bẩy từ các bên khác
Quan điểm của Washington trong các cuộc gặp gần đây cũng minh họa cho động lực thay đổi. Ngoài việc ủng hộ Israel, Washington được cho là muốn Riyadh "giữ khoảng cách" với Trung Quốc về kinh tế và quân sự. Các cuộc đàm phán giữa hai bên tập trung vào những mục tiêu chiến lược rộng lớn này hơn là sản xuất và định giá dầu trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, các yêu cầu từ Saudi Arabia có vẻ cụ thể hơn: Nước này muốn một đề nghị của Israel thúc đẩy các kế hoạch thành lập một nhà nước Palestine; một hiệp ước an ninh vững chắc với Mỹ và khả năng tiếp cận các loại vũ khí tiên tiến hơn; cũng như sự hỗ trợ của Mỹ trong chương trình hạt nhân dân sự, theo các điều khoản của Riyadh. Điều đó có thể có nghĩa là quyền tự chủ của Saudi Arabia đối với toàn bộ chu trình nhiên liệu hạt nhân, điều mà Mỹ từ lâu đã phản đối vì nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân - và điều mà Israel cũng sẽ phản đối.
Trong một số dấu hiệu, Saudi Arabia tuần trước đã bổ nhiệm đại sứ của mình tại Jordan, Nayef bin Bandar Al-Sudairi, làm đại sứ không thường trú tại Palestine.
Nhưng các bên khác có ít động lực hơn Mỹ để thúc đẩy một thỏa thuận lớn như vậy vào thời điểm này: Một số người trong chính phủ Israel coi trọng tham vọng ở Bờ Tây hơn các mối quan hệ với Saudi Arabia, trong khi Riyadh có các lựa chọn khác cho chương trình hạt nhân dân sự của mình. Trong vùng Vịnh, việc Saudi Arabia đang tiếp tục nối lại quan hệ với Iran được coi là làm giảm rủi ro an ninh khu vực.
Theo quan điểm của Saudi Arabia, các liên kết kinh tế và năng lượng của nước này với châu Á và Trung Quốc giờ đây sâu sắc đến mức Riyadh sẽ không muốn lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, chuyên gia Ulrichsen bình luận.
“Họ sẽ không đưa ra lựa chọn đó. Họ đã nói rất rõ ràng, bao gồm cả việc xác định lập trường trong cuộc xung đột ở Ukraine. Thay vào đó, trong thế giới mới, đa cực hơn, các quốc gia như Saudi Arabia sẽ tìm cách duy trì các mối quan hệ song song - với Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước khác. Washington sẽ cần phải nỗ lực để giành ảnh hưởng", vị chuyên gia trên kết luận.