Mỹ tìm cách tăng cường trừng phạt kinh tế chống Trung Quốc

Khi quan hệ song phương xấu đi vì COVID-19, Washington tìm cách kiểm soát chuỗi cung và dòng vốn đầu tư.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sau khi hai bên
ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc các biện pháp kinh tế mạnh bạo hơn nhằm vào Trung Quốc khi ông ngày một tức giận về cách thức Bắc Kinh xử lý đại dịch COVID-19. Điều này đe dọa tới thỏa thuận đình chiến thương mại mới được ký kết cách đây chưa đầy 4 tháng giữa hai nước. 

Khi dịch bệnh lan khắp nước Mỹ, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hủy hoại nền kinh tế, Tổng thống Mỹ cáo buộc Trung Quốc che giấu thông tin về đại dịch, không ngăn chặn virus lây lan ra toàn thế giới. 

Trên truyền thông đại chúng, quan chức chính phủ, cố vấn tại quốc hội và các nhân vật vận động hành lang ở Washington nói rằng chính quyền Tổng thống Trump và Quốc hội Mỹ đang tìm cách cân xứng giữa ngôn từ bài Trung Quốc với các bước đi để kiểm soát chuỗi cung và dòng vốn đầu tư. Thế nhưng, hiện chưa rõ Mỹ có sẵn lòng tiến đến ngưỡng đó hay không, khi xét đến những lo ngại về những thiệt hại kinh tế lớn hơn. 

Sự đi xuống trong quan hệ Mỹ-Trung gây rúng động, đặc biệt khi xét đến thỏa thuận đình chiến thương mại được hai bên hoàn tất hồi tháng 1, chấm dứt 2 năm đe dọa thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy quy mô còn hạn chế, nhưng thỏa thuận này làm dấy lên hy vọng có thể tạo ra một tình thế ổn định nào đó trong quan hệ kinh tế cho đến sau bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2020. Nhưng với việc ông Trump cảnh báo Washington có thể sẽ từ bỏ thỏa thuận nếu Bắc Kinh không thực hiện các cam kết mua hàng hóa của Mỹ, nguy cơ về áp thuế cao hơn với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lại trỗi dậy. Tổng thống Trump ngày 6/5 cho biết chính quyền sẽ đánh giá, rà soát việc Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận trong hai tuần tới.

Xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc trong quý 1 giảm, dập đi hy vọng Bắc Kinh sẽ nhanh chóng tăng cường nhập khẩu các mặt hàng nông sản, chế tạo của Mỹ được nêu trong thỏa thuận. 

Theo Stephanie Segal, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ và hiện là chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), khủng hoảng COVID-19 đóng vai trò như là máy gia tốc đối với căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Bà cho biết nhiều người từng nghĩ đến viễn cảnh đại dịch kích thích nhu cầu hợp tác, điều phối đa phương; nhưng thực tế không phải vậy khi hai bên tìm cách đổ lỗi cho nhau.

Với riêng ông Trump, có một nguyên nhân chính trị ngày một cấp thiết để chuyển hướng sang quan điểm cứng rắn với Trung Quốc: Chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống, trong khi đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden tấn công ông xem nhẹ nguy cơ COVID-19, trong khi lại ca ngợi vai trò của ông Tập Cận Bình trong giai đoạn cuối của đàm phán thương mại.

Tổng thống Mỹ ngày 6/5 đã đề cập đến tính khốc liệt của dịch COVID-19, cho rằng đây là cuộc tấn công tồi tệ nhất mà Mỹ phải gánh chịu, nghiêm trọng hơn cả trận Trân Châu Cảng hay vụ tấn công khủng bố 11/9. Ông bình luận nhẽ ra dịch bệnh có thể được ngăn chặn từ nơi khởi phát Trung Quốc. 

Nhà Trắng thực hiện một số biện pháp kinh tế mà sẽ làm Bắc Kinh tức giận. Mỹ đã thắt chặt kiểm soát việc xuất khẩu sản phẩm bán dẫn sang Trung Quốc, để ngỏ khả năng chặn quỹ lương hưu của chính phủ đầu tư vào các công ty Trung Quốc và hạn chế nhập khẩu thiết bị điện của Trung Quốc được sử dụng trong hệ thống truyền tải điện ở Mỹ. 

Khi tư tưởng hiếu chiến, bài Trung Quốc gia tăng ở Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đặc biệt quan ngại trước nguy cơ Nhà Trắng sẽ còn hành động cứng rắn hơn nữa, điều có thể hủy hoại dòng trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước, làm trầm trọng hơn suy thoái kinh tế toàn cầu và tại Mỹ. 

Quan chức Mỹ đã loại trừ các bước đi cực đoan như hoãn trả các khoản nợ Trung Quốc dưới dạng trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, lại xuất hiện những đề xuất mang tính gây đứt gãy, như đòi giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, nhất là về công nghệ và thiết bị y tế, cùng với đó là khả năng áp đặt một vòng trừng phạt thuế mới. 

“Trong môi trường chính trị kiểu này, rất dễ để chơi trò đổ lỗi lẫn nhau. Nhưng không nên theo đuổi các giải pháp mà sẽ chặn đứng phục hồi kinh tế Mỹ. Thách thức lớn nhất với cả hai là cùng nhau hợp tác để loại trừ virus SARS-CoV-2 và khôi phục tăng trưởng toàn cầu”, ông Myron Brilliant, người đứng đầu bộ phận quan hệ quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ bình luận. 

Trả lời phóng vấn trên kênh Fox Business ngày 4/5, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết ông hy vọng Trung Quốc tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh sẽ phải hứng chịu những hệ quả lớn nếu không thực hiện các cam kết. 

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Matthew Pottinger cùng ngày đưa ra chỉ trích mang tính ám chỉ nhiều hơn. Ông nói rằng Trung Quốc có thể được hưởng lợi từ việc giảm chủ nghĩa dân tộc và tăng chủ nghĩa dân túy; Mỹ không hào hứng với biện pháp trừng phạt chống lại một nước, nhưng sẽ hướng đến quan hệ công bằng, có đi có lại. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (FT)
Kết cục xấu của trò chơi 'đổ lỗi' giữa Mỹ và Trung Quốc
Kết cục xấu của trò chơi 'đổ lỗi' giữa Mỹ và Trung Quốc

Yêu cầu điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 chỉ cần thiết nếu như các bên rút ra được những bài học quan trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN