Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Washington DC., ngày 30/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chuyến công du của Ngoại trưởng Tillerson diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và các nước khu vực vốn được coi là “sân sau” của Washington không được “xuôi chèo mát mái” do những thay đổi đáng kể của Chính phủ Tổng thống Trump trong chính sách di cư, chủ trương bảo hộ thương mại cũng như lập trường cứng rắn về vấn đề Venezuela.
Tình hình chính trị với những biến động không ngừng ở khu vực Mỹ Latinh trong thập niên vừa qua cũng tác động tới mối quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia khu vực. Nhiều quốc gia khu vực không còn phụ thuộc vào Mỹ như trước đây, trong khi các cường quốc thế giới khác như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ ngày càng hướng sự chú ý tới khu vực này. Điều đó phần nào làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Nếu xét tới các thỏa thuận cụ thể tại từng nước, kết quả chuyến thăm có thể nói chưa được như kỳ vọng của Mỹ. Quan điểm của Mỹ trong vấn đề Venezuela không được các nước khu vực ủng hộ. Lãnh đạo Mexico, Argentina hay Peru đều khẳng định không bao giờ ủng hộ việc sử dụng vũ lực từ bên trong hay bên ngoài Venezuela để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia này, đồng thời nhấn mạnh chỉ có người dân Venezuela mới có thể tìm ra một giải pháp hòa bình để giải quyết những vấn đề của đất nước.
Vấn đề di cư cũng tiếp tục gây bất đồng giữa Mỹ với nước láng giềng phương Nam Mexico hay các quốc gia có nhiều người nhập cư tới Mỹ như Jamaica hay Peru. Tổng thống Trump vẫn tiếp tục sử dụng “bàn tay thép” siết chặt chính sách nhập cư và cũng không mảy may lùi bước trước kế hoạch xây dựng bức tường biên giới với Mexico.
Một chủ đề nhạy cảm cũng “phủ bóng đen” lên chuyến thăm lần này là thương mại. Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump, dẫn tới việc Mỹ yêu cầu đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico và Canada, cũng như nâng mức thuế chống bán phá giá đánh vào mặt hàng xăng sinh học của Argentina lên tới 71,45%, cũng khiến quan hệ song phương giữa Washinhton với các nước này trong tình trạng “bằng mặt không bằng lòng”. Đây cũng là những yếu tố khiến chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ lần này không đạt được nhiều kết quả thiết thực, ngoài những cam kết về chống ma túy hay chống ma túy.
Tuy vậy, chuyến thăm của Ngoại trưởng Tillerson lần này cũng là cơ hội để Washington củng cố lại vai trò trong khu vực, trong bối cảnh Mỹ đang định hình lại chiến lược hướng tới tương lai tại Mỹ Latinh. Có thể nói chuyến công du của ông Tillerson là bước khởi đầu để Mỹ tìm lại ảnh hưởng ở khu vực rộng lớn trải dài nửa bán cầu, từ vòng Bắc Cực đến đỉnh Tierra del Fuego ở Nam Mỹ.
Giới phân tích cho rằng Mỹ đang tìm cách thiết lập một công thức mới cho cái gọi là Học thuyết Monroe, ra đời từ năm 1832 với phương châm “Châu Mỹ là của người Mỹ”. Học thuyết Monroe từng chi phối mối quan hệ chính trị -kinh tế giữa Mỹ với các nước Mỹ Latinh suốt thế kỷ XX, trong đó khu vực này được Washington coi là “sân sau” tự nhiên, chịu ảnh hưởng của riêng Mỹ.
Ngày 1/2, phát biểu tại Đại học Texas ngay trước thềm chuyến đi, chính ông Tillerson tuyên bố Học thuyết Monroe, vốn được Mỹ sử dụng để can thiệp quân sự vào khu vực vì lợi ích của Washington, vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày nay.
Không phải ngẫu nhiên mà các tuyên bố này cũng như chuyến thăm của Ngoại trưởng Tillerson diễn ra trong bối cảnh các nước lớn đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở Tây bán cầu, đặc biệt là Trung Quốc. Tháng trước tại Chile, trong khuôn khổ Diễn đàn Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và vùng Caribe (CELAC)-Trung Quốc lần thứ hai, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp gỡ 33 người đồng cấp Mỹ Latinh và đã mời các nước này tham gia sáng kiến “Vành đai và con đường”, tìm cách mở rộng kết nối giữa Trung Quốc với Mỹ Latinh.
Trao đổi thương mại và đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ Latinh gia tăng đáng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ năm 2008. Trong giai đoạn 2015-2019, Trung Quốc dự kiến dành 250 tỷ USD đầu tư trực tiếp cho Mỹ Latinh và thúc đẩy kim ngạch thương mại tăng lên khoảng 500 tỷ USD. Trung Quốc hiện đã trở thành bạn hàng số một của Argentina, Brazil, Chile và Peru.
Với tuyên bố trở lại Học thuyết Monroe, Mỹ dường như không giấu diếm tham vọng tái lập “một khu vực ảnh hưởng độc quyền” của Washington ở Tây bán cầu. Trên thực tế thì với vị trí “sát sườn” Mỹ, các nước Mỹ Latinh vẫn nằm trong “lợi ích cốt lõi” của Washington. Trong bối cảnh năm 2018, tại khu vực Mỹ Latinh sẽ diễn ra nhiều cuộc bầu cử mang tính quyết định ở Mexico, Brazil, Colombia, chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình "hiện thực hóa" tham vọng này.