Trước đó, một ngày sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu tạm thời đảm bảo ngân sách hoạt động cho Chính phủ Mỹ tới ngày 23/3 cũng như ngân sách tài khóa 2018 cho Bộ Quốc phòng, ngày 7/2 theo giờ Mỹ (tức rạng sáng 8/2 theo giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ cũng thông qua dự luật chi tiêu này với khoản tăng ngân sách 300 tỷ USD.
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Mỹ ở Washington, DC. Ảnh: UPI/Yonhap/TTXVN |
Mặc dù để có hiệu lực, dự luật này còn phải được Tổng thống Donald Trump ký thông qua, song việc vượt qua "ải" Thượng viện, Chính phủ Mỹ dường như đã "thoát hiểm" trong bối cảnh ngân sách chi tiêu tạm thời được lưỡng viện Quốc hội Mỹ nhất trí thông qua ngày 22/1 vừa qua chính thức hết hạn trong ngày 8/2.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mich MCConnell cho rằng đây là một dự luật quan trọng, đáp ứng được yêu cầu của cả hai đảng bởi dự luật này bao gồm việc tăng chi tiêu cho quốc phòng - mục tiêu hàng đầu mà các nghị sỹ đảng Cộng hòa đã chờ đợi từ lâu, và tăng chi tiêu cho các chương trình trong nước như các nghị sỹ đảng Dân chủ mong muốn.
Theo dự luật vừa thông qua, chi tiêu quốc phòng sẽ tăng lên 80 tỷ USD trong tài khóa 2018 và 85 tỷ USD trong tài khóa tiếp theo, bắt đầu từ ngày 1/10. Những khoản chi cho các chương trình trong nước cũng sẽ tăng lên 63 tỷ USD trong năm nay và tỷ USD vào năm tới. Dự luật này cũng sẽ trì hoãn mức trần nợ liên bang trong khoảng thời gian đang tiến hành xem xét.
Nói Thượng viện là "ải" khó khăn nhất bởi lẽ, trước đó Chính phủ Mỹ đã phải ngừng hoạt động trong 3 ngày không chỉ do ngân sách liên bang hết hiệu lực từ nửa đêm 19/1 giờ địa phương (trưa 20/1 theo giờ Việt Nam) và không thể gia hạn vì những bất đồng giữa Tổng thống Donald Trump và phe Dân chủ xung quanh vấn đề nhập cư, mà dự luật này đã không được Thượng viện thông qua do không đạt được con số tối thiểu 60 phiếu ủng hộ mặc dù đã được Hạ viện thông qua.
Theo quy định, Thượng viện Mỹ cần số phiếu "siêu đa số" với 3/5 thượng nghĩ sĩ (tức 60 trong tổng số 100 người), để dự luật được thông qua. Trong khi, đảng Cộng hòa chỉ nắm thế đa số ít ỏi (51-49) tại Thượng viện. Điều này có nghĩa ngay cả khi được toàn bộ thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ vẫn cần thêm 9 phiếu ủng hộ nữa để phá vỡ thế bế tắc. Phải nói rằng những nỗ lực vào phút chót của lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch MCConnell và lãnh đạo phe Dân chủ đã đem lại kết quả vô cùng khả quan trong bối cảnh tranh cãi về ngân sách kéo dài có thể làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn vốn được xem khó giải quyết trên chính trường nước Mỹ.
Nguy cơ chính phủ phải đóng cửa đã trở thành nỗi ám ảnh trong các cuộc thương lượng về ngân sách tại Quốc hội Mỹ. Lịch sử Mỹ từng ghi nhận chính phủ đã phải đóng cửa nhiều lần. Trước lần đóng cửa gần đây nhất tháng 1/2018, vào năm 2013, chính phủ nước này đã buộc phải đóng cửa trong 16 ngày do Nhà Trắng và Quốc hội không tìm được tiếng nói chung và không đạt được thỏa hiệp về ngân sách cho những cải cách chăm sóc y tế của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama. Trong hai năm 1995-1996, Chính phủ Mỹ cũng từng phải ngừng hoạt động 21 ngày.
Không cần bàn cãi về những hệ lụy của việc chính phủ liên bang bị đóng cửa đối với nền kinh tế số một thế giới. Hàng trăm nghìn nhân viên liên bang phải nghỉ việc tạm thời và hơn 1,3 triệu quân nhân vẫn phải thực hiện nhiệm vụ nhưng không được trả lương. Theo ước tính, nền kinh tế Mỹ sẽ bị thiệt hại khoảng 6,5 tỷ USD nếu chính phủ bị đóng cửa chỉ trong một tuần. Goldman Sachs tính toán tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý I/2018 sẽ giảm 0,2%. Với cá nhân Tổng thống Trump, việc chính phủ tạm đóng cửa ít nhiều cũng khiến ông "mất điểm" về đối nội trong năm đầu cầm quyền, đặc biệt khi vai trò của ông được đề cao qua các kết quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng của nền kinh tế số 1 thế giới.