Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần qua thông báo áp đặt mức thuế cao hơn đối với lượng hàng hóa trị giá khoảng 550 tỷ USD của Trung Quốc để đáp trả quyết định mới nhất của Bắc Kinh áp thuế bổ sung nhằm vào khoảng 75 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, lại đẩy căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên một tầng nấc mới.
"Cuộc đấu thuế quan" giữa hai nền kinh tế thế giới đã lún sâu vào giai đoạn "ăn miếng, trả miếng" không khoan nhượng khi việc áp thuế bổ sung của Trung Quốc cũng là biện pháp trả đũa trước sức ép từ Mỹ. Đối đầu Mỹ - Trung về thương mại rõ ràng đang thể hiện rõ tính chất quyết liệt và trực diện.
Những diễn biến trên thị trường tài chính thế giới phiên mở cửa đầu tuần ngày 26/8 phản ánh mối quan ngại sâu sắc của giới đầu tư. Đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua, với tỉ giá 7,14 NDT đổi được 1 USD. Tại Tokyo, đồng Yen đã tăng giá mạnh so với USD, do các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào đồng bản tệ của Nhật Bản để tích trữ, bởi đây vẫn được coi là một trong những tài sản an toàn mỗi khi xuất hiện các dấu hiệu bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu.
Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu các thị trường chứng khoán ở châu Á đồng loạt giảm điểm khi mở cửa ngày giao dịch 26/8. Chỉ số Nikkei Nhật Bản đã giảm hơn 500 điểm, tương đương 2,5%, trong khi chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) mất 3,27% (857,33 điểm) và chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) sụt 1,6%.
Những động thái cứng rắn của cả Mỹ và Trung Quốc tác động rất lớn tới triển vọng không chỉ trong ngắn hạn mà cả trung và dài hạn của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này. Tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 6%, thấp hơn mức mục tiêu đề ra và thấp hơn mức dự báo của Reuters đưa ra vào tháng 7 vừa qua là 6,2%. Giới chuyên gia cũng lo ngại một khi Trung Quốc bị cuốn vào vòng xoáy "trả đũa thuế quan", thiệt hại đối với Bắc Kinh sẽ giống như "con dao hai lưỡi", bởi các công ty Trung Quốc phải gia tăng chi phí sản xuất, đẩy giá thành sản phẩm và dịch vụ tăng theo dẫn tới doanh thu giảm.
Những biện pháp này còn có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong dài hạn nếu Bắc Kinh không có những điều chỉnh chính sách phù hợp cũng như tiếp tục bế tắc trong các cuộc đàm phán với Mỹ.
Trong khi đó, các đòn đáp trả thuế quan của Trung Quốc nhằm vào hàng hóa và các biện pháp trừng phạt đối với các công ty của Mỹ đang ảnh hưởng đáng kể tới nền sản xuất Mỹ, nhất là gây thiệt hại đối với ngành nông nghiệp.
Mặc dù cố vấn thương mại hàng đầu Mỹ Peter Navarro cho rằng quyết định của Trung Quốc có tác động "tương đối nhỏ", bởi thuế đánh vào 75 tỷ USD hàng hóa so với nền kinh tế có trị giá tổng cộng lên đến 30 nghìn tỷ USD không phải là điều khiến thị trường chứng khoán lo lắng, và Mỹ "hoàn toàn bình tĩnh”, song đối đầu thương mại do Tổng thống Trump phát động đã dẫn đến sự suy giảm trong đầu tư kinh doanh và sản xuất của Mỹ với những con số tồi tệ nhất trong một thập niên qua.
Tăng trưởng của Mỹ đang chậm lại, có thể giảm sâu xuống dưới 2% GDP, bất chấp cam kết về mức tăng trưởng 4% năm 2019. Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc đang "đóng một vai trò" trong sự suy yếu của sản xuất và chi tiêu vốn tại Mỹ và FED chưa có một giải pháp hữu hiệu nào để chống lại những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ cũng như các nền kinh tế toàn cầu.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ, ảnh hưởng xấu đến việc cung ứng hàng hóa và dịch vụ. Điều đó khiến nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cũng trở nên rõ rệt, thậm chí có thể xảy ra sớm hơn dự kiến.
Những diễn biến này đang "phủ bóng đen" lên vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung dự kiến được nối lại trong tháng 9, và cũng là chỉ dấu cho thấy hai bên khó đạt được tiến triển đột phá qua đàm phán, ít nhất là trong những tháng còn lại của năm 2019, khi vẫn còn một khoảng cách lớn về quan điểm của mỗi bên nhằm đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi của bên còn lại, tiêu biểu như việc Bắc Kinh mua nông sản của Mỹ và việc Washington cho phép các công ty nối lại việc bán linh kiện cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc.
Mỹ cũng thể hiện sự nghi ngờ đối với tham vọng thúc đẩy đạt được thỏa thuận thương mại của Trung Quốc, khi Tổng thống Donald Trump từng phát biểu rằng Bắc Kinh có thể không muốn ký một thỏa thuận thương mại cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Trong khi đó, các cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump, đặc biệt là Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow từ lâu đã thể hiện sự thiếu tin tưởng về kết quả các cuộc đàm phán, đồng thời cảnh báo Mỹ có thể đưa thực trạng mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung trở lại giai đoạn trước tháng 5/2019.
Dù vẫn sẽ tiến hành các cuộc đàm phán thương mại thời gian tới, song rất khó để hai nước thu hẹp bất đồng và tiến tới một số thỏa thuận do còn nhiều khác biệt về cách tiếp cận đối với vấn đề này. Bất chấp đưa ra một số cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cuối tháng 6 vừa qua, song cho đến nay, cả hai dường như chưa cho thấy thiện chí và chưa triển khai những cam kết trên thực tế.
Mỹ vẫn tiếp tục chỉ trích Trung Quốc về chính sách bảo hộ nhà nước, việc ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời đặt ra những hạn chế với việc nới lỏng trừng phạt Huawei.
Tổng thống Donald Trump cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ tìm kiếm các biện pháp hiệu quả hơn để có được nguồn cung đất hiếm samarium-coban, vốn được sử dụng trong chế tạo các động cơ đặc biệt cho quân đội Mỹ, khiến xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc sang Mỹ sụt giảm trong tháng 6, chỉ đạt 414 tấn (giảm 3,9% so với tháng trước). Điều đó cho thấy Mỹ đang tránh phụ thuộc vào Trung Quốc đối với mặt hàng quan trọng này, giúp Mỹ giải quyết sức ép cũng như chủ động đàm phán thương mại theo kế hoạch của mình. Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tỏ ra chần chừ trong việc nhập khẩu đậu tương của Mỹ,cũng là một chỉ dấu cho thấy thực chất cam kết của quốc gia này.
Đối với vấn đề thuế quan, Trung Quốc phản đối việc gỡ bỏ thuế theo từng giai đoạn và tiếp tục yêu cầu tất cả các loại thuế quan của Mỹ phải được gỡ bỏ, coi đây là một trong những điều kiện tiên quyết để đạt được thỏa thuận, trong khi Mỹ coi việc gỡ bỏ thuế như là đòn bẩy để thực thi bất kỳ thỏa thuận nào. Tuy nhiên, những động thái áp thuế lẫn nhau vừa qua có thể sẽ làm thay đổi cách nhìn nhận và cam kết của mỗi bên về vấn đề này.
Về mặt pháp lý, Mỹ yêu cầu Trung Quốc thực hiện sửa đổi luật để đảm bảo an toàn cho công nghệ của các công ty Mỹ, điều Bắc Kinh không muốn. Đồng thời, Mỹ có thể sẽ tiếp tục đàm phán với những nội dung văn bản dự thảo trước tháng 5 (thời điểm Mỹ gia tăng sức ép và Trung Quốc có một số dấu hiệu giảm căng thẳng), trong khi Bắc Kinh có thể chỉ muốn đàm phán với nội dung văn bản đã được gửi lại cho phía Mỹ. Điều này sẽ dẫn đến việc các bên có thừa nhận hay không đối với 90 thỏa thuận đã được thông qua trước khi đàm phán đổ vỡ vào đầu tháng 5/2019.
Việc Tổng thống Mỹ cuối tháng 7 vừa qua ra một bản ghi nhớ cáo buộc Trung Quốc và 10 nền kinh tế lớn khác lợi dụng vị thế các nước đang phát triển tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang trở thành một yếu tố có thể cản trở cuộc đàm phán, bởi điều này cũng đồng nghĩa với việc Mỹ có thể muốn thông qua động thái trên để tạo thêm sức ép và mặc cả hơn đối với Trung Quốc.
Cùng với loạt biện pháp trừng phạt về thuế lẫn nhau, có thể thấy xu hướng của cả hai bên trong các cuộc đàm phán sắp tới sẽ khá cứng rắn, khiến đối đầu thương mại Mỹ - Trung được dự báo sẽ vẫn khốc liệt và chưa có điểm dừng.