Mỹ - Trung cần thiết lập con đường pháp lý về hàng hải

Vụ tàu chiến Trung Quốc suýt đâm tàu USS Cowpens và việc Mỹ điều 2 máy bay ném bom B-52 bay qua Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc thiết lập vừa qua cho thấy một mối bất hòa âm ỉ đang ngự trị trong mối quan hệ song phương Mỹ - Trung. Nhiều chuyên gia quốc tế thậm chí còn nhận định rằng giữa hai ông lớn này vẫn còn thiếu một niềm tin mang tính chiến lược. Và khi mà hai bên vẫn chưa thiết lập được một khung pháp lý chung về hàng hải và hàng không, những va chạm tương tự trong tương lai chắc chắn khó có thể tránh được.

Máy bay B-52 Mỹ đã bay vào ADIZ mà Trung Quốc vừa thiết lập mà không báo trước. Ảnh minh họa


Bầu không khí căng thẳng trên biển Hoa Đông đã bị hâm nóng thêm khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không mới vào ngày 23/11 vừa qua. Chỉ sau đó vài ngày, Mỹ điều hai máy bay ném bom B-52 bay qua khu vực này, làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột tại khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Vấn đề pháp lý liên quan tới việc sử dụng vùng biển và vùng trời ở khu vực tranh chấp sẽ là một chủ đề thú vị để các học giả về luật pháp quốc tế nghiên cứu. Tuy nhiên, xét về mặt chính trị thì vấn đề này đang đe dọa tới tình hình an ninh ở các nước láng giềng của Trung Quốc.

Từ phương diện pháp lý, tình huống trên biển Hoa Đông được nhận định là phức tạp trước tiên bởi tranh cãi chủ quyền có liên quan sâu tới nguồn gốc lịch sử. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, việc gọi tên nhóm đảo này thế nào phụ thuộc vào lập trường của nước đó với việc nước nào sở hữu các đảo này. Cho dù vấn đề chủ quyền được phân định rõ ràng thì vẫn còn câu hỏi lớn hơn rằng quốc gia sở hữu sẽ có quyền kiểm soát như thế nào với vùng trời xung quanh khu vực chủ quyền đó. Theo như Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tham gia thì hai quốc gia ven biển được phân cách bởi một vài “vùng”, gồm vùng biển chủ quyền, vùng biển tiếp giáp và vùng đặc khu kinh tế trên biển, tại các khu vực này các quốc gia ven bờ có quyền thực hiện kiểm soát hạn chế. Nước nào có quyền quản lý hợp pháp những vùng này thì họ có quyền triển khai máy bay ở các khu vực đó. Không ngạc nhiên khi mỗi nước có cách hiểu khác nhau về các quy định pháp lý, phụ thuộc vào khả năng của nước đó trong việc triển khai sức mạnh quân sự ở vùng đặc quyền kinh tế của nước kia.

Từ góc nhìn chính trị, căng thẳng hiện thời thể hiện rõ có rất ít những tiến bộ đã đạt được kể từ sau vụ đụng độ năm 2001, giữa một máy bay giám sát EP-3 của lực lượng Hải quân Mỹ và máy bay F-8 của Trung Quốc ở vùng biển phía nam Trung Quốc. Sau vụ đụng độ ở vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc, phi đội máy bay của Mỹ đã hạ cánh khẩn cấp thành công xuống lãnh thổ Trung Quốc, nơi họ phải ở lại trong 11 ngày (Trung Quốc đã trả lại Mỹ chiếc EP-3 tháo rời sau vài tháng). Căng thẳng giảm xuống sau khi Mỹ đưa ra những lời bào chữa khéo léo để tránh thừa nhận bất kỳ sai lầm nào. Việc chính phủ Mỹ kịch liệt phản đối rằng họ đã vi phạm luật quốc tế khi sử dụng máy bay do thám EP-3 bay qua vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc do lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ từng bước mở rộng tuyên bố chủ quyền và nếu không bị phản đối thì những tuyên bố mở rộng này sẽ được thừa nhận bởi luật quốc tế. Vụ va chạm năm 2001 may mắn là đã đi vào quá khứ nhưng những tình huống gây ra xung đột vẫn chưa kết thúc.

Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục không duy trì kênh liên lạc quân sự trực tiếp để giải quyết hiệu quả những tình huống đối đầu bất ngờ. Hơn thế nữa, tiềm lực quân sự của Trung Quốc đã tăng lên nhanh chóng trong chục năm qua, kể từ vụ đối đầu năm 2001. Hay nói đơn giản, sẽ có nhiều hơn những hành động đáng kể ở dưới nước, mặt biển và vùng trời phía trên. Trung Quốc vẫn chưa có hải quân viễn dương để triển khai lực lượng xa bờ biển nhưng nước này đang nhanh chóng xây dựng một hạm đội hiện đại, có quy mô lớn gây quan ngại cho các nước láng giềng và cả Mỹ - nước có quan hệ chặt chẽ với một vài láng giềng của Trung Quốc và ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải.

Lo ngại hiện tại về những điều không thể lường trước không chỉ giới hạn trong khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Biển Đông là nơi phức tạp vì những tuyên bố chồng lấn của không dưới 6 nước với những lợi ích lớn về hải sản và tài nguyên thiên nhiên làm tăng lên căng thẳng về quân sự. Những tranh cãi ở biển Hoa Đông theo như luật biển quốc tế có thể coi như những tranh cãi về “những hòn đảo”, kéo theo đó là quyền sử dụng vùng biển và vùng trời theo sau quyết định này, trong khi những tranh cãi ở Biển Đông chủ yếu là về chủ quyền với các “bãi đá”. Thực tế thì các nước tranh chấp vẫn chưa thống nhất được việc họ tranh chấp về cái gì, chưa nói tới việc phân định nước nào có chủ quyền với những khu vực này.

Luật quốc tế có thể mang lại cách giải quyết dài hạn cho những tuyên bố và có thể là một ưu tiên trong giải quyết. Lấy Philippines là ví dụ, nước này nhờ đến trọng tài quốc tế căn cứ vào điều khoản của UNCLOS để giải quyết những tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng Trung Quốc đã từ chối tham gia. Còn Mỹ thì đã thất bại trong việc thông qua UNCLOS, mặc dù liên tục kêu gọi các bên tuân thủ và tôn trọng các quy định của điều luật này. Mặc dù Mỹ coi UNCLOS như một một tập quán pháp lý quốc tế nhưng chỉ khi Mỹ trở thành một thành viên chính thức của bộ luật này mới thể hiện sự tôn trọng tối thiểu đối với vai trò pháp lý trong giải quyết tranh chấp.


Trong khi sử dụng các kênh pháp lý chắc chắn sẽ rất chậm, phải mất hàng thập kỷ để UNCLOS được soạn thảo và đi vào thực thi thì ngay lập tức cần có các giải pháp chắc chắn và hữu hiệu để ngăn chặn từ xa những xung đột và tạo kênh để nhanh chóng giải quyết những đối đầu trước khi nó bùng lên thành khủng hoảng. Tình trạng nhập nhằng về pháp lý trong các hoạt động quân sự trên biển cũng như nguy cơ chạm trán ngày càng tăng do hoạt động tập trận của Mỹ cũng như sức mạnh hải quân của Trung Quốc buộc hai nước cần đi đầu trong việc thiết lập “con đường pháp lý” cụ thể và thực tế để sử dụng khi có xung đột nhằm hạn chế bớt cơ hội phát sinh những sự cố trong tương lai.

Quá trình xoay trục của chính quyền Obama tới châu Á đã hạn chế quan hệ Mỹ - Trung tại châu Á, do giới lãnh đạo ở Bắc Kinh nghi ngờ về khẳng định của Mỹ là việc xoay trục không nhằm vào Trung Quốc. Sự trở lại không được mong đợi của Mỹ khiến nước này cần phải tiếp tục đối phó với nhà lãnh đạo Trung Quốc thế hệ thứ năm, Tập Cận Bình và những đồng sự cao cấp của ông Tập trong hàng thập kỷ tới. Washington không đủ sức chờ đợi tới tận năm 2022 để biết được rằng có liệu có một thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc dễ chịu hơn hay không. Họ cũng không thể gây ra một cuộc xung đột khác để thúc đẩy hai cường quốc này cùng hành động.


Đức Trung
(theo Diplomat)
Trung Quốc giải thích vụ tàu chiến suýt đụng chiến hạm Mỹ
Trung Quốc giải thích vụ tàu chiến suýt đụng chiến hạm Mỹ

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 18/12 khẳng định, trong cuộc “chạm trán” với tàu hải quân Mỹ USS Cowpens, tàu chiến Trung Quốc đã “tuân thủ quy trình ngoại giao”. Đây là xác nhận chính thức đầu tiên về điều mà quân đội Mỹ gọi là vụ suýt đụng nhau giữa tàu chiến hai nước.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN