Đối thoại Shangri-La, sự kiện an ninh thường niên lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra tại Singapore từ ngày 31/5 đến ngày 2/6. Sự kiện quy tụ các lãnh đạo quốc phòng và tình báo từ hàng chục quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh. và Trung Quốc. Lần này, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc. Cả hai bên đều đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình ở châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, nhân sự kiện này, phương Tây đang tìm cách thuyết phục các quốc gia châu Á ủng hộ Ukraine, tờ Izvestia (Nga) ngày 1/6 cho biết.
"Đối thoại Shangri-La đã trở thành một diễn đàn quốc tế quan trọng để Trung Quốc nêu quan điểm với các đối tác của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tham vọng ngày càng tăng của Bắc Kinh rõ ràng đang thúc đẩy nước này bảo vệ những thành tựu của mình đồng thời tìm kiếm những cơ hội mới mà trước đây ngoài tầm với", Alexander Mokretsky, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm "Nga, Trung Quốc, Thế giới" tại Viện Trung Quốc và châu Á hiện đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng sẽ được đề cập tại sự kiện này. “Một năm sau chiến dịch quân sự đặc biệt của [Nga], Bắc Kinh đã phát triển và đưa ra kế hoạch hòa bình ở Ukraine như một phần của sáng kiến an ninh toàn cầu. Li Hui, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và cựu đại sứ Trung Quốc tại Moskva, đã làm rõ kế hoạch này thông qua nhiều kênh khác nhau. Cùng với các quan chức cấp cao khác, vì cuộc xung đột vẫn tiếp diễn nên các vấn đề xung quanh Ukraine sẽ được thảo luận tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La”, chuyên gia Mokretsky lưu ý.
Về phần mình, Giáo sư Saeed Khan của Đại học bang Wayne ở Detroit nói với Izvestia rằng mục tiêu chính của Mỹ tại sự kiện này là tái khẳng định vai trò dẫn đầu của mình trong việc giải quyết các vấn đề quốc phòng quan trọng. Mỹ cũng có thể yêu cầu các đồng minh châu Á hỗ trợ hành động của mình ở Ukraine.
Tuy nhiên, cho đến nay, phương Tây vẫn chưa thành công lắm trong việc thuyết phục các nước châu Á khi chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore - tức là các quốc gia thân Mỹ - đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Nga vào thời điểm này.