Diễn ra trong ba ngày từ 2 đến 4/6, diễn đàn Đối thoại an ninh quốc phòng Shangri-La lần thứ 20 tại Singapore với hàng loạt vấn đề nóng của khu vực và thế giới đã được các đại biểu đến từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ thảo luận cởi mở. Cùng với đó, nhiều cuộc gặp song phương bên lề Đối thoại Shangri-La cho thấy cơ chế này ngày càng tạo được uy tín thế giới và củng cố vai trò của châu Á - Thái Bình Dương trong cấu trúc an ninh toàn cầu.
Đối thoại Shangri-La năm nay tiếp tục là cơ hội để lãnh đạo an ninh các nước đưa ra thông điệp trong cách tiếp cận đối với vấn đề quốc phòng, an ninh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Với một chương trình nghị sự đa dạng từ Xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương cân bằng và ổn định đến các mối quan hệ đối tác mới cho an ninh khu vực song các lãnh đạo quốc phòng đến từ nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đều có chung quan điểm rằng “hợp tác, duy trì đối thoại và thượng tôn pháp luật” là chìa khóa then chốt để đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực.
Một điểm nhấn đáng chú ý tại Đối thoại Shangri-La năm nay là những tuyên bố đề cao trách nhiệm tập thể và luật pháp quốc tế trong kiểm soát các rủi ro và cạnh tranh. Nhiều ý kiến cho rằng, các điểm nóng như Ukraine, Triều Tiên hay Sudan đã một lần nữa cho thấy, các hành động đơn phương chỉ có thể làm lung lay niềm tin của các quốc gia về các quy tắc chung của luật pháp cũng như các mối quan hệ quốc tế, qua đó tạo nên nguy cơ phá vỡ ổn định và an ninh của không chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn trên toàn thế giới. Các đại biểu cũng đánh giá cao vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong duy trì hòa bình, ổn định và đảm bảo an ninh trong khu vực.
Tại phiên đối thoại về Xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương cân bằng và ổn định, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez Jr chia sẻ rằng đây là một khu vực tương đối hòa bình và ổn định kể từ khi trật tự thế giới lưỡng cực hồi Chiến tranh lạnh kết thúc. Tuy nhiên, ông Galvez Jr nhấn mạnh sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong khu vực hiện nay lại vô tình khiến mầm mống bất ổn gia tăng khi xuất hiện các trung tâm quyền lực mới, dẫn tới một kỷ nguyên tranh giành ảnh hưởng và lợi ích.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho rằng để giữ vừng hòa bình và ổn định lâu dài ở châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng biến động, tôn trọng luật pháp quốc tế, theo đuổi đối thoại và chủ nghĩa đa phương là hai chìa khóa quan trọng.
Trong khi đó, với tư cách là diễn giả chính tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định các cuộc thảo luận thẳng thắn và mang tính xây dựng đóng vai trò then chốt và việc giữ gìn hòa bình và an ninh không phải là nhiệm vụ đơn lẻ của bất kỳ quốc gia nào bởi vì sự thịnh vượng của khu vực luôn được thúc đẩy bởi cơ hội được chia sẻ, sự ổn định của khu vực chỉ có thể được đảm bảo thông qua trách nhiệm tập thể.
Sự có mặt đông đảo của đoàn đại biểu Liên minh châu Âu cũng là một điểm đáng chú ý tại Đối thoại Shangri-La năm nay và là cơ hội để các lãnh đạo an ninh châu Âu đưa ra thông điệp liên quan đến các bước tiếp theo trong cách tiếp cận của họ đối với vấn đề quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Josep Borrell, châu Âu và châu Á- Thái Bình Dương có lợi ích trực tiếp đối với an ninh của nhau và châu Âu muốn trở thành “một đối tác đáng tin cậy và có năng lực ở châu Á- Thái Bình Dương” để cùng nhau thúc đẩy an ninh. Ông nhấn manh: “Những thách thức chúng ta đang phải đối mặt không cho phép các giải pháp nào khác ngoài hợp tác mạnh mẽ. Tránh xung đột và tăng cường hợp tác trên khắp thế giới, ở châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Trên tinh thần đó, các bên tham gia diễn đàn đều đồng quan điểm cho rằng sự hợp tác, kể cả giữa các quốc gia bên ngoài khu vực, có vai trò rất quan trọng đối với hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand kêu gọi xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định và cân bằng, dựa trên các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, nơi tất cả các bên tham gia có trách nhiệm, các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, hướng đến một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do, rộng mở và bao trùm”. Bà Anand cũng cho biết: “Canada sẽ tiếp tục đảm bảo rằng chúng tôi đang làm việc trên các kênh liên lạc mở và nhận thức được nhu cầu cùng chung sống một cách có trách nhiệm”.
Ở một khía cạnh khác, tương tự như những năm trước đây, mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc tiếp tục trở thành tâm điểm của dư luận tại Đối thoại Shangri-La lần này khi mà ngay trước thềm hội nghị Bắc Kinh đã từ chối đề nghị tổ chức một cuộc gặp giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng. Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng do quan điểm khác nhau trong nhiều vấn đề, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã cảnh báo tâm lý Chiến tranh Lạnh đang trỗi dậy và làm gia tăng đáng kể rủi ro an ninh. Chính vì vậy, theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc, châu Á-Thái Bình Dương ngày nay cần sự hợp tác cởi mở và toàn diện. Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định cam kết của Mỹ làm việc cùng các đối tác để thúc đẩy tầm nhìn chung cho khu vực, trong đó có Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Theo đánh giá của giới quan sát, một triển vọng tích cực, nồng ấm hơn trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc là điều mà nhiều nước mong đợi để đóng góp cho các nỗ lực giải quyết các thách thức chung; tuy nhiên, điều này sẽ không tự động đến mà đòi hỏi những nỗ lực bền bỉ từ cả hai phía.
Có thể nói, Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 có tính chất đặc biệt quan trọng khi diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế nói chung và tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng còn nhiều biến động khó lường. Cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn còn diễn biến phức tạp. Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc ngày một gay gắt, xung đột tại Ukraine vẫn đang tiếp diễn tạo ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường an ninh của khu vực, buộc nhiều quốc gia phải điều chỉnh chiến lược quốc phòng, an ninh và tính toán lại quá trình hiện đại hóa quốc phòng, tiềm ẩn nguy cơ kích động cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.