Tương tự kết quả cuộc gặp tại Buenos Aires hồi năm ngoái, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí tái khởi động các cuộc đàm phán vốn bị gián đoạn từ tháng 5 vừa qua được xem là một giải pháp tối ưu, một mặt giúp tránh để quan hệ hai nước tiếp tục lao dốc, mặt khác tạo tiền đề cho việc tìm kiếm một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài suốt hơn 1 năm qua.
Đàm phán “trở lại đúng hướng” là cụm từ Tổng thống Trump đã nhấn mạnh sau cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo đó, hai bên đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại vừa bị gián đoạn hồi tháng trước trên cơ sở công bằng và tôn trọng lẫn nhau. Và như một cử chỉ thiện chí nhằm tạo thuận lợi cho việc tái khởi động đàm phán, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã thông báo sẽ không áp thuế bổ sung đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc.
Có thể nói, việc hai nước nhất trí tạm thời đóng băng cuộc chiến thương mại là kết quả không nằm ngoài dự đoán. Ngay trước thềm cuộc hội đàm, có thông tin rằng hai bên đã đạt được một thỏa thuận đình chiến và thỏa thuận này “giờ như chiếc bánh đã vào lò nướng”. Bên cạnh đó, những động thái của Trung Quốc và Mỹ trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh cũng phần nào dự đoán được kết quả cuối cùng.
Trước khi tới Osaka dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm, trong đó bày tỏ hy vọng về sự thỏa hiệp để hạ nhiệt tình trạng căng thẳng vốn đang tác động đáng kể tới không chỉ nền kinh tế của hai nước mà còn cả thế giới. Ngoài ra, những yếu tố chính trị trong nước cũng buộc hai nhà lãnh đạo ngồi lại với nhau để đi tới một sự đình chiến tạm thời, qua đó tạo không gian cho các cuộc đàm phán.
Trên thực tế, cả hai nhà lãnh đạo đều có lý do cần phải đảm bảo không ra về tay trắng sau cuộc gặp quan trọng này. Đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, các đòn thuế gây sát thương của Mỹ đang ngày càng gây hậu quả nặng nề khi hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi thị trường Trung Quốc. Do đó, việc đã sang Nhật Bản gặp Tổng thống Trump thì nhất định phải có kết quả chấp nhận được rõ ràng là “kịch bản” nhà lãnh đạo Trung Quốc hướng tới.
Về phần mình, ông chủ Nhà Trắng cũng đang phải chịu sự chỉ trích trong nước khi các biện pháp thuế quan của Mỹ đang ảnh hưởng tiêu cực tới người tiêu dùng và doanh nghiệp. Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) - hiệp hội thương mại bán lẻ lớn nhất thế giới - ước tính rằng người Mỹ phải trả thêm khoảng 18 tỷ USD/năm do tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Phó Chủ tịch NRF David French nêu rõ: "Việc tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể làm gián đoạn một số hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nội địa, nhất là các công ty nhỏ với nguồn lực hạn chế.
Ðiều này khiến số lượng việc làm tại Mỹ giảm xuống, trong khi người tiêu dùng sẽ phải đối diện với giá cả hàng hóa cao hơn”. Ước tính đòn tăng thuế của Mỹ đối với Trung Quốc đã “làm mất” 934.000 việc làm tại Mỹ và chi phí trung bình của mỗi gia đình Mỹ (trung bình 4 thành viên) tăng thêm 767 USD/năm. Bởi vậy, việc đạt được thỏa thuận đình chiến và nối lại đàm phán được xem là kết quả tốt nhất, vừa tạo điều kiện cho đàm phán trở về quỹ đạo, vừa giữ thể diện cho lãnh đạo hai phía, đồng thời cũng là “cách ngăn cuộc chiến thương mại leo thang", như nhận định của chuyên gia Tu Xinquan thuộc Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh.
Dù là một tín hiệu đáng mừng song giới phân tích cho rằng đây vẫn chỉ là một thỏa thuận đình chiến tạm thời nhằm tránh đổ vỡ về quan hệ chứ không thể coi là một sự đột phá. Kết quả này cũng đồng nghĩa sẽ để lại những vấn đề khó khăn nhất cho các cuộc đàm phán sắp được nối lại bởi không ai dám chắc sẽ có thay đổi xu hướng và va chạm căn bản giữa hai nước trong tương lai hay không.
Nếu chỉ xem xét thuần túy trong lĩnh vực kinh tế thương mại, lãnh đạo hai nước hoàn toàn đều có nhu cầu “hãm phanh” cuộc chiến hiện nay. Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ - Trung nối lại đàm phán thương mại thì vẫn tồn tại những nhân tố khiến các cuộc đàm phán sắp tới sẽ lặp lại “vết xe đổ” của các cuộc thương lượng sau lần đình chiến 90 ngày mà lãnh đạo hai nước nhất trí bên lề Hội nghị G20 ở Buenos Aires hồi năm ngoái.
Nhìn vào tiến trình đàm phán trước đó, cả Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thực sự có dấu hiệu thỏa hiệp trong các vấn đề then chốt. Bất chấp những tuyên bố đầy lạc quan của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trước thềm hội nghị G20 rằng đàm phán về thoả thuận thương mại Mỹ - Trung đã hoàn thành tới 90% và hy vọng hai bên sẽ ký kết vào cuối năm, việc giải quyết 10% còn lại mới là một vấn đề “khó nhằn”.
Trên thực tế, các cuộc đàm phán trước đó đã đổ bể chính là do không thể giải quyết được yếu tố 10% mang tính quyết định này, trong đó bao gồm yêu cầu Trung Quốc cải cách cấu trúc, giảm trợ cấp ngành nghề, chấm dứt hành động mà Mỹ cáo buộc là vi phạm sở hữu trí tuệ và ép buộc công ty Mỹ chuyển giao công nghệ. Nhưng khó khăn nhất là cơ chế thực hiện và giám sát thỏa thuận vì việc này liên quan tới vấn đề chủ quyền của Trung Quốc.
Dù hiểu rằng một cuộc đối đầu toàn diện với Mỹ sẽ gây tổn hại cho mức tăng trưởng kinh tế, kìm hãm đà phát triển và thậm chí gây bất ổn xã hội, song Chính phủ Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ một thoả thuận nào bị người dân trong nước coi là bất công.
Trong khi đó, đối với Tổng thống Trump, việc duy trì chính sách cứng rắn với Trung Quốc lại là một chiến lược có thể giúp ông tăng cơ hội tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh các sáng kiến như triển vọng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang bị mất đà. Vì vậy, nhà lãnh đạo Mỹ nhiều khả năng sẽ không “xuống nước” và chấp nhận một thỏa thuận “yếu thế” trừ khi Trung Quốc có sự nhượng bộ lớn hay nền kinh tế trong nước suy yếu.
Giáo sư Stephen Nagy, Đại học Thiên chúa giáo quốc tế ở Nhật Bản, nhận định: “Cái bắt tay hay nụ cười trong cuộc gặp của Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại G20 không giúp hai bên nhanh chóng chấm dứt chiến tranh thương mại do các vấn đề chính trị trong nước hay cuộc cạnh tranh chiến lược dài hạn”.
Ngoài ra, một nhân tố khác có sức chi phối lớn tới “cuộc chơi”chính là sự cạnh tranh “ngôi vương” trong lĩnh vực công nghệ, vốn được cho là tác động mạnh tới an ninh, chính trị và cả sức ảnh hưởng của một quốc gia trong thời đại hiện nay.Với vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, Mỹ không hoan nghênh chiến lược “Made in China 2025,” với trọng điểm phát triển các ngành công nghệ cao, nhằm đưa Trung Quốc bắt kịp với các đối thủ quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế then chốt, qua đó thúc đẩy mục tiêu biến Trung Quốc thành một siêu cường toàn cầu.
Điều này lý giải phần nào trong thời gian qua, Mỹ liên tiếp có những động thái cứng rắn đối với Tập đoàn viễn thông Huawei - tập đoàn đóng vai trò “xương sống” trong chiến lược “Made in China 2025” với công nghệ 5G. Có thể thấy cấu trúc của làn sóng đánh thuế của Mỹ cũng như các cáo buộc gián điệp nhằm vào Huawei đã chỉ ra thực tế rằng Washington không chỉ muốn thay đổi mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh, mà còn đang tìm cách cản trở sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.
Do đó, dù đàm phán thương mại có được nối lại, chiến tranh Mỹ - Trung trên các lĩnh vực khác vẫn tiếp diễn với hậu quả có thể tác động tiêu cực tới triển vọng đạt được một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại hiện nay.
Có thể nói, kết quả đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung dường như chỉ mang lại một bầu không khí lạc quan trong ngắn hạn, tạm thời giúp các thị trường và nhà đầu tư có một khoảng thời gian “dễ thở”, cũng như làm dịu đi mối đe dọa hiện đang phủ bóng nền kinh tế toàn cầu. Va chạm Mỹ - Trung không thể giải quyết chỉ qua một vài cuộc gặp mà là cả một quá trình “đấu trí” căng thẳng giữa giới chức hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.