Trả lời phỏng vấn kênh CNBC ngày 12/12, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã xác nhận thông tin trên, đồng thời nhấn mạnh quyết định của phía Trung Quốc sẽ khẳng định tính xác thực của những thông tin mà Tổng thống Donald Trump công bố sau cuộc đối thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mới đây.
Theo giới chức Mỹ, trong cuộc gặp này, phía Trung Quốc đã đồng ý mua 1,5 triệu tấn đậu nành của Mỹ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ross không nói rõ thời điểm các biện pháp nhượng bộ trên của Bắc Kinh có hiệu lực cũng như liệu chính quyền Washington có động thái tương tự khác hay không.
Tờ Wall Street Journal cùng ngày đưa tin giới chức Bắc Kinh còn nhất trí thay thế chính sách công nghiệp toàn diện mang tên "Made in China 2025", vốn vấp phải sự chỉ trích của Tổng thống Trump, và thay vào đó bằng một kế hoạch mới, tạo điều kiện hơn cho các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc đã nâng mức thuế 15% lên 40% đối với xe nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời dừng mua sản phẩm đậu nành từ nước này và áp thuế 25% đối với nông sản trên của Mỹ, như một biện pháp trả đũa các biện pháp áp thuế của chỉnh phủ Tổng thống Donald Trump. Điều này đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nông dân Mỹ, đặc biệt các hộ trồng đậu nành.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, thảo luận việc giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại giữa hai nước, bao gồm lộ trình cho giai đoạn đàm phán tiếp theo.
Tại cuộc gặp bên lề G20 tại Argentina cuối tháng 11 vừa qua, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc nhất trí về một "thỏa thuận đình chiến thương mại" để tìm cách hóa giải tranh chấp căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong khi tiến hành đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại trong vòng 90 ngày. Cụ thể, phía Mỹ sẽ hoãn tăng thuế từ mức10% hiện nay lên 25% đối với gói hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc đồng ý mua một lượng lớn các mặt hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm khác của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại, đồng thời giảm và dỡ bỏ thuế đánh vào mặt hàng ôtô nhập khẩu từ Mỹ xuống dưới mức 40% hiện nay.
Theo ước tính, lượng đậu nành mà Trung Quốc đồng ý nhập khẩu từ Mỹ có giá trị chỉ hơn 500 triệu USD, chưa đủ để giảm thâm hụt thương mại lên tới hơn 43 tỷ USD giữa hai nước. Tuy nhiên, động thái này đã cho thấy sự thiện chí của Bắc Kinh trước khi diễn ra các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo nhằm điều chỉnh một số điều khoản trong hiệp định thương mại song phương, đồng thời xoa dịu mối quan ngại của các chủ nông trại trồng đậu nành tại Mỹ. Đậu nành là nông sản có giá trị nhất xuất khẩu lớn nhất của Mỹ trong khi Trung Quốc là thị trường chính của sản phẩm này, chiếm tới 60% lượng đậu nành xuất khẩu của Mỹ trong năm 2017 với tổng trị giá lên tới hơn 12 tỷ USD.
Những tháng gần đây, Trung Quốc và Mỹ trả đũa lẫn nhau bằng cách liên tiếp áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của bên kia. Việc không bên nào chịu "xuống nước" đã khiến những tranh cãi thương mại làm rung chuyển các thị trường tài chính và phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Tổng thống Trump dọa tiếp tục áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD nếu hai bên không thể đạt một thỏa thuận về thương mại.
Theo giới chuyên gia, một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - có thể sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm trở lại. Cụ thể, nếu bùng phát cuộc chiến thương mại áp dụng các biện pháp trừng phạt về thuế lẫn nhau giữa Mỹ với các đối tác Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Canada, Mexico, Hàn Quốc thì ước tính trong khoảng thời gian 5 năm (từ 2019-2023), tốc độ tăng trưởng sẽ giảm 2,7% so với trường hợp không xảy ra cuộc chiến thương mại.