Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai quốc gia vốn nhìn bề ngoài là đồng minh của nhau trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn bị bao phủ vì nhiều mâu thuẫn và nghi kỵ. Cho dù thời gian qua, Mỹ đã giữ khoảng cách rất xa khỏi cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Ankara và Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân gia tăng quyền lực cho Tổng thống Erdogan, song nhìn từ phía Thổ Nhĩ Kỳ thì chính quyền Mỹ hiện nay vẫn có thái độ không rõ ràng trong nhiều vấn đề chủ chốt.
Mặc dù khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh lâu dài trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, nhưng Tổng thống Trump không hề nhắc đến lo ngại của Ankara về quyết định vũ trang cho lực lượng người Kurd tại Syria cũng như yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, người được cho là đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Tổng thống Trump chỉ cam kết chung chung rằng Mỹ sẽ "theo dõi sát sao" giáo sĩ Gulen có thể coi là một thất bại của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm Mỹ lần này. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn bảo vệ quyết định vũ trang cho lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) – một tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ xếp vào danh sách các nhóm khủng bố, điều mà ông Erdogan tuyên bố tại cuộc họp báo là "không thể chấp nhận được". Việc Tổng thống Trump lảng tránh 2 vấn đề mà Ankara quan tâm hàng đầu khiến ông Erdogan không còn cách nào khác phải đưa chủ đề này ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), dự kiến sẽ diễn ra tại Brussels, Bỉ, vào cuối tháng này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) tại Washington DC. ngày 16/5. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chuyến thăm của Tổng thống Erdogan đến Mỹ diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt từ sau vụ đảo chính bất thành tháng 7 năm ngoái ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mâu thuẫn này sinh từ việc Ankara yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Gulen, đang sống lưu vong ở bang Pennsylvania, về Thổ Nhĩ Kỳ để xét xử. Tuy nhiên, Washington đã bác bỏ với yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải cung cấp bằng chứng về sự tham gia của giáo sĩ này trong âm mưu đảo chính. Căng thẳng leo thang khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra tuyên bố về việc có "bàn tay nước ngoài" dính líu vào vụ chính biến. Thậm chí, Văn phòng Công tố thành phố Edirne, Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, đã “điểm mặt” Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) có liên đới khi “hỗ trợ đào tạo lực lượng nòng cốt trong phong trào của giáo sĩ Gulen". Tổng thống Erdogan cũng không ngần ngại cáo buộc đích danh Tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) Joseph Votelcó liên quan đến âm mưu lật đổ chính phủ của ông.
Ankara còn "khó chịu" về sự ủng hộ của Mỹ đối với các nhóm dân quân người Kurd, vốn được Washington coi là đội quân chiến đấu hiệu quả trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Syria, trong đó có nhóm YPG bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra ngoài vòng pháp luật. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần yêu cầu Mỹ thay đổi lập trường với lực lượng này, nhưng không nhận được sự đồng tình từ Washington.
Còn theo quan điểm của Mỹ, chính quyền của Tổng thống Erdogan chưa bao giờ cam kết đầy đủ đối với cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria. Ankara bị cáo buộc đã hỗ trợ tài chính, vũ khí và vật liệu nổ cho nhiều lực lượng của phiến quân Syria, trong đó có cả các tay súng IS cũng như cho phép các chiến binh và vũ khí vượt qua biên giới nước này tràn vào Syria. Một lượng lớn dầu mỏ mà IS khai thác từ các giếng dầu chúng chiếm được ở cả Syria và Iraq cùng nhiều hiện vật văn hóa được cho là tuồn ra thế giới qua các "giao dịch đen" có sự hậu thuẫn của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Mâu thuẫn giữa hai nước tiếp tục bị đẩy lên cao khi cuối tháng 8/2016, với lý do tăng cường an ninh biên giới và chống khủng bố, Thổ Nhĩ Kỳ đã lần đầu tiên đưa quân vào lãnh thổ Syria kể từ khi xung đột vũ trang bùng phát tại nước này. Cùng sự phối hợp của lực lượng đối lập Syria thân Ankara, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã giành được thị trấn chiến lược Jarablus nằm ở biên giới Syria do IS kiểm soát mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là có tầm quan trọng đối với an ninh nước này. Trong khi đó, phía Mỹ cho rằng việc Ankara triển khai chiến dịch trên bộ tại Syria để tiêu diệt IS thực chất là hướng tới mục tiêu xóa sổ YPG.
Cho dù trước chuyến thăm, ông Erdogan đã bày tỏ quan điểm mạnh mẽ trong vấn đề người Kurd và tuyên bố sẽ yêu cầu Mỹ lựa chọn giữa mối quan hệ đồng minh với Thổ Nhĩ Kỳ hoặc ủng hộ lực lượng YPG tại Syria, nhưng tại cuộc gặp giữa hai bên lần này, Tổng thống Trump lại không hề có phản hồi gì. Mỹ vẫn khăng khăng cho rằng việc vũ trang cho lực lượng người Kurd nhằm đánh bại các tay súng IS tại thành phố Raqqa ở Syria được xem là giải pháp khả thi nhất để Mỹ có thể giành thắng lợi quan trọng trong cuộc chiến suốt 10 năm qua. Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc đánh bại IS là một trong những mục tiêu chính trong nhiệm kỳ của ông và thành phố Raqqa ở Syria cùng với Mosul ở Iraq - 2 thành lũy trên thực tế của IS - dự kiến sẽ là nơi diễn ra trận chiến cuối cùng để tiêu diệt IS.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo có mối quan hệ tương đối gần gũi với phương Tây. Được coi là vùng đệm giữa châu Âu và khu vực Trung Đông thường xuyên xảy ra xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi NATO đặt căn cứ không quân chiến lược Incirlik, hiện giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến của liên quân chống . Mỹ không thể chối bỏ việc rất cần Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS, cũng như sử dụng chính quyền Ankara làm đối trọng với Iran tại Trung Đông. Tuy nhiên, việc Washington có ủng hộ ông Erodgan hay không là một câu chuyện hoàn toàn khác. Cũng như các nước EU, chính quyền Mỹ không ủng hộ "chiến dịch thanh trừng" mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành trong nhiều tháng qua nhằm vào hàng chục nghìn đối tượng bị cáo buộc tham gia và ủng hộ cuộc đảo chính bất thành. Mặc dù Tổng thống Trump đã gọi điện chúc mừng ông Erdogan sau thắng lợi trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp, nhưng với những gì diễn ra tại cuộc gặp cấp cao trực tiếp vừa qua tại Nhà Trắng, khó có thể xem đây thực sự là mối quan hệ giữa hai đồng minh.