Theo mạng tin Oilprice, lợi dụng việc giá dầu thế giới sụt giảm, Mỹ đang tìm mọi cách đánh bật Venezuela ra khỏi vị trí gây ảnh hưởng về năng lượng tại vùng biển Caribe.
Phó Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về An ninh Năng lượng Caribbean, ngày 26/1. Ảnh: AFP |
Vào 26/1 vừa qua, tại Washington DC, Phó Tổng thống Joe Biden đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về An ninh Năng lượng Caribe. Với sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ các quốc gia vùng Caribe, Hội nghị nhằm thảo luận để tìm ra các nguồn năng lượng sạch hơn với giá cả phải chăng hơn. Đối với các quốc đảo có nguồn năng lượng hạn chế (tiết kiệm gas tự nhiên tại Trinidad và Tobago), họ đang phải sống dựa vào nguồn dầu và gas nhập khẩu vô cùng tốn kém.
Nhưng ngoài việc đưa ra các lựa chọn cho nguồn năng lượng thay thế bền vững, hội nghị thượng đỉnh này dường như là một nỗ lực để tách các quốc gia Caribe ra khỏi sự phụ thuộc vào Venezuela.
Kể từ năm 2005, Venezuela đã rất hào phóng hỗ trợ cho các đồng minh ở Tây bán cầu. Theo EIA, bằng việc sử dụng nguồn dự trữ dầu mỏ phong phú với ước tính 298 tỷ thùng dầu - dự trữ được cho là lớn nhất trên thế giới - cố Tổng thống Hugo Chavez đã xây dựng nên một khu vực dầu mỏ lớn mạnh, có tầm ảnh hưởng ở Trung Mỹ và vùng Caribe.
Đó là Petrocaribe, một chương trình mà trong đó các nước thành viên được mua dầu của Venezuela với một mức giá đặc biệt hoặc được cho vay với lãi suất thấp để mua dầu. Có thể nói chương trình này như một “ơn huệ” cho các nước như Cuba và Nicaragua, nơi mà xăng dầu nhập khẩu chiếm quá nhiều ngân sách của chính phủ. Điều này cũng giúp duy trì sự phát triển cho nhiều nước Trung Mỹ khỏi sự ảnh hưởng của Mỹ.
Tuy nhiên, Venezuela hiện đang gặp rắc rối. Nền kinh tế Venezuela đã không còn phát triển đúng quỹ đạo kể từ thời điểm giá dầu vượt 100 USD/thùng. Giờ đây, với mức giá đã giảm một nửa trong vòng 6 tháng qua, Venezuela đang lâm vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng. Trái phiếu chính phủ đang được giao dịch ở mức chỉ 40 cent / một đô la, và đến 97% khả năng Venezuela sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ trái phiếu trong vòng 5 năm tới.
Vào đầu tháng 1 vừa qua, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã bay tới Trung Quốc nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt tài chính. Với cái cớ là để bảo đảm cam kết đầu tư 20 tỷ USD từ chính phủ Trung Quốc, nhưng khi nhìn vào những gì đang bày ra trước mắt, một số nhà phân tích cho rằng các cam kết chỉ đơn thuần là một cách nói khác của một thoả thuận đã tồn tại từ trước.
Các chương trình đầu tư của Venezuela đối với vùng Caribe là vô cùng tốn kém, buộc chính phủ phải rót tiền với mức 2,3 tỷ USD mỗi năm từ 2011 đến 2013. The Economist ghi nhận trong một bài báo vào tháng 10 năm 2014 rằng các điều khoản cho vay ban hành theo Petrocaribe ngày càng nặng nề bởi tình hình tài chính của Venezuela đã trở nên vô cùng tồi tệ. Đơn cử như trường hợp của Guatemala đã rút khỏi chương trình trong năm 2013 như một hệ quả tất yếu.
Tệ hơn nữa, nhiều người lo ngại rằng Petrocaribe có thể sẽ như một cú đá hất tung các quốc gia thành viên ra khỏi cuộc chơi một cách chóng vánh bởi đơn giản, Venezuela có thể ngay lập tức dừng đầu tư. Không những vậy, Petrocaribe có quyền hủy bỏ các thỏa thuận mà chỉ cần thông báo trước 30 ngày. Điều đó đặt các quốc gia Caribe - một số trong đó phụ thuộc vào Petrocaribe với hơn một nửa lượng dầu nhập khẩu - vào một tình huống rất bấp bênh.
"Đó hoàn toàn là kịch bản có thể xảy ra, khi mà tình hình kinh tế Venezuela đang xuống dốc thì rủi ro lại tăng lên gấp bội đối với tất cả các quốc gia này," theo David Goldwyn, cựu chuyên gia cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ tại Hội đồng Đại Tây Dương, đồng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh năng lượng.
Trong khi Mỹ tuyên bố rằng các sáng kiến an ninh năng lượng Caribe đã trở lại vào tháng 6 năm 2014 thì giờ đây các quan chức Mỹ đang đặt nhiều trọng trách nặng nề hơn lên nó kể từ khi giá dầu sụt giảm. "Tôi không nghĩ rằng sáng kiến này dù dưới hình thức nào có thể tồn tại được thêm một thời gian nữa, hoặc ít nhất là nó sẽ không hoàn chỉnh”, Peter Schechter, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ Latin của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết. “Chúng tôi không muốn các nước láng giềng gần gũi nhất trong vùng biển Caribe bị shock trước một tình huống bất ngờ ví dụ như việc Venezuela đột nhiên không thể tiếp tục cung cấp dầu cho họ”.
Gần như tất cả các quốc gia vùng Caribe đều tham gia vào hội nghị thượng đỉnh an ninh năng lượng này (ngoại trừ Cuba).
Mặc dù chính phủ Mỹ hy vọng sẽ nắm lấy điểm yếu của Venezuela nhưng kết quả cuối cùng của hội nghị vẫn chưa rõ ràng. Một quan chức làm việc cho Phó Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ đang có kế hoạch cung cấp các phương tiện hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và tư vấn chính sách để ngăn chặn biến dạng thị trường.
Thực tế, có thể Mỹ đang nhấn mạnh vào việc họ sẽ tập trung hơn cho xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến vùng biển Caribe mặc dù nước này ở mức độ nào đã biến các sự kiện diễn ra như một diễn đàn về năng lượng bền vững.
Cựu quan chức Bộ Ngoại giao David Goldwyn đã tham gia rất nhiều vào việc lập kế hoạch cho Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Năng lượng Caribe. Với kỷ lục cố gắng thuyết phục Quốc hội Mỹ trong một thời gian dài về tự do hoá xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, ông tin rằng Mỹ có thể sẽ ưu tiên cho xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn so với các nguyên liệu sạch thay thế.
Chính phủ Mỹ có thể sẽ trả tiền cho trung gian với mong muốn giảm phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính (thông cáo báo chí chính thức của Nhà Trắng cho biết diễn đàn này là nhằm "thúc đẩy một tương lai năng lượng sạch hơn và bền vững hơn tại vùng biển Caribe"), nhưng cuối cùng, Mỹ đang tìm cách khắc sâu tầm ảnh hưởng địa chính trị và kinh tế của mình đối với Venezuela.
Lê Hoàng