Theo mạng tin "Economywatch" ngày 18/5, sau gần nửa thế kỷ bị cô lập, Myanmar có thể nổi lên là con rồng sắp tới của châu Á nếu chính phủ nước này có những chính sách đúng hướng.Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Thein Sein đã cải thiện đáng kể các quan hệ của Myanmar với Mỹ và các nước châu Âu, dẫn tới một dòng vốn phương Tây nhanh chóng chảy vào nước này. Về địa lý, Myanmar nằm giữa ngã tư chiến lược, với Trung Quốc ở phía đông, các nước Nam Á (Ấn Độ và Bangladesh) ở phía tây và Đông Nam Á (Lào, Thái Lan và Campuchia) ở phía nam. Kể từ sau cuộc bầu cử năm 2010, chính phủ của Tổng thống Thein Sein đã tiến hành một loạt những cải cách táo bạo để hướng nước này tới dân chủ hóa, mở cửa kinh tế và hòa giải.
Myanmar đang có nhiều yếu tố thuận lợi để tạo nên một kỳ tích mới ở châu Á. Ảnh: Một góc thủ đô Nay Pi Taw (nguồn: Internet)
|
|
Sau hòa giải chính trị vào tháng 4/2012, cộng đồng quốc tế đã đình chỉ hầu hết các lệnh trừng phạt chống lại Myanmar. Bất chấp những căng thẳng sắc tộc đang tiếp tục leo thang, đà cải cách vẫn mạnh. Tuy nhiên, tiến trình chuyển tiếp vẫn cần nhiều thời gian và còn những rủi ro.
Về kinh tế, Myanmar đã chậm mất gần nửa thế kỷ tiến bộ và phồn vinh. Trong những năm 1960, Myanmar là một trong hai nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á, với bình quân tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người cao hơn Trung Quốc 10%. Tuy nhiên, trong các năm 1962 - 2010, nền kinh tế Myanmar, dưới chế độ nửa quân sự, nửa dân sự, suy sụp khá nhanh, một phần do các nước phương Tây cấm vận hàng hóa và do không nhận được vốn đầu tư nước ngoài, nhưng phần lớn do sai lầm về chính sách kinh tế và khu vực kinh tế quốc doanh hoạt động không có hiệu quả.
Tính đến năm 2010, GDP bình quân đầu người của Myanmar thấp hơn của Trung Quốc tới 55% và kinh tế nước này hiện tụt hậu khá xa so với Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Trong 4 năm qua, GDP thực của Myanmar tăng trưởng ở mức 5 - 6%. Trong nửa thập kỷ tới, nước này có thể duy trì mức tăng trưởng 6 - 8%. Tuy nhiên, xuất phát điểm của Myanmar là rất thấp, với GDP bình quân đầu người/năm hiện chỉ đạt 1.400 USD và gần 25% dân số sống dưới mức nghèo khổ.
Với năng lực thể chế kém phát triển, hoạt động thu nhập kém đã dẫn đến thâm hụt ngân sách kéo dài, chủ yếu được Ngân hàng Trung ương của nước này tài trợ. Hậu quả là mức lạm phát trung bình tại Myanmar giai đoạn 2001 - 2010 là 23%, ảnh hưởng chủ yếu đến người nghèo và phá hoại lòng tin của người dân vào đồng kyat.
Myanmar có nhiều yếu tố thuận lợi để tạo nên một kỳ tích mới ở châu Á như diện tích lớn bằng nước Pháp, lực lượng lao động trẻ, đông đảo, thích hợp với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, đã từng thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc và Malaysia trong thời kỳ đầu. Myanmar giàu tài nguyên thiên nhiên, trong đó có khí đốt tự nhiên, đồng, gỗ và đá quý. Tuy nhiên, do quá phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và năng suất lao động thấp, nền kinh tế Myanmar vẫn dễ tổn thương trước những cú sốc.
Bất chấp các nguồn vốn lớn của phương Tây mới đổ vào, Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Myanmar. Nay Pyi Taw đang thực hiện việc cân bằng giữa đầu tư cũ của Trung Quốc và nguồn vốn phương Tây mới. Tuy nhiên một khó khăn là Myanmar mở cửa trong một kỷ nguyên lãi suất thấp và các khoản bơm tiền mặt lớn ở phương Tây, trong khi Nhật Bản, chủ nợ lớn nhất của Myanmar đã bắt đầu "canh bạc" mở rộng tiền tệ, và tăng trưởng kinh tế chậm lại tại các nền kinh tế châu Á đang nổi. Việc các nhà đầu tư đổ xô vào Myanmar sẽ dẫn tới một loạt khó khăn như lạm phát, hối đoái không ổn định, dòng chảy ngoại tệ mạnh quá nóng và “bong bóng” tín dụng, do hệ thống tài chính ngân hàng của nước này quá yếu.
Giống như Trung Quốc đầu những năm 1980, Myanmar không thể nhanh chóng thiết lập năng lực thể chế khiến các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng, và họ đang hướng đến "các đặc khu kinh tế" (SEZ). Nếu các SEZ này được thành lập tại các trung tâm đô thị lớn như Yangon và Mandalay, chúng có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút thêm các công ty đa quốc gia và các nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu Myanmar có thể duy trì mức tăng trưởng 7,7% trong những năm tới nhờ kiểm soát lạm phát thông qua các biện pháp quản lý kinh tế vĩ mô, nâng mức tiết kiệm trong nước cần cho đầu tư tài chính và chuyển hướng cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ để cải thiện năng suất, mở rộng xuất khẩu và tạo công ăn việc làm, họ sẽ trở thành một con rồng mới ở châu Á.
TTXVN/Tin tức