Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trong khi một số nhà ngoại giao Trung Quốc theo đuổi chiến lược “ngoại giao chiến lang”, tung ra những thuyết âm mưu và phát ngôn đả kích lên mạng xã hội Twitter, thì về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục chỉ trích và cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Ngày 14/5, Tổng thống Trump cảnh báo có thể cắt đứt toàn bộ quan hệ, trong đó có thỏa thuận thương mại, với Trung Quốc do ông nghi ngờ quốc gia châu Á này che giấu thông tin về dịch bệnh ở giai đoạn đầu.
“Điều quan trọng là họ không nên bao giờ để chuyện này xảy ra. Tôi đã đạt được một thỏa thuận thương mại tuyệt vời, nhưng giờ tôi có thể nói nó không còn như cũ nữa. Mực đã khô và bệnh dịch đã tới. Chúng tôi sẽ không thương lượng lại”, nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu trên kênh truyền hình Fox News.
Trong những ngày gần đây, chính quyền Tổng thống Trump đã quyết định triển khai một số hành động chống lại Trung Quốc, bao gồm gây áp lực cho quỹ hưu trí của chính phủ liên bang ngừng đầu tư vào các công ty Trung Quốc và thắt chặt hơn nữa các lệnh hạn chế xuất khẩu đối với tập đoàn công nghệ Huawei.
Giới chuyên gia cho rằng chính những diễn biến thù địch leo thang ở trên cùng với loạt biện pháp hạn chế di chuyển giữa các nước trong mùa dịch bệnh đã "đóng băng" các cuộc gặp gỡ và thông điệp “phía sau hậu trường” giữa quan chức hai chính phủ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cựu quan chức và học giả hai bên.
“Dịch COVID-19 đã chặn đứng những cuộc gặp riêng. Và điều này thì rất tệ. Nhiều thông điệp chỉ được diễn đạt gián tiếp qua người phát ngôn và giới truyền thông, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả truyền tải và dễ dẫn đến hiểu lầm”, ông Wang Huiyao – Giám đốc Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh đồng thời cũng nằm trong ban cố vấn cho Quốc vụ viện – nhận định.
Bên cạnh đó, các biện pháp hạn chế di chuyển giữa các nước trong mùa dịch COVID-19 cũng khiến các hoạt động tương tác mặt đối mặt trở nên bất khả thi, từ đó khó có thể làm dịu căng thẳng song phương.
“Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ giỏi trong việc truyền tải thông điệp qua điện đàm hay hội nghị video kỹ thuật số như Zoom. Đó không phải là cách mà họ hoạt động”, ông James Green - cố vấn cấp cao tại Hiệp hội McLarty kiêm quan chức thương mại hàng đầu tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh – giải thích.
Theo ông Green, thông điệp mà ông thu thập được từ phía một số kênh phi chính phủ Trung Quốc hiện vẫn là những thông tin cơ bản. “Thời điểm này, phía Trung Quốc không có một thông điệp nào khác ngoại trừ nội dung ‘chúng ta cần nói chuyện’. Đó chắc chắn không phải là một thông điệp hấp dẫn. Mục đích cần phải rõ ràng, chẳng hạn như ‘có hai điều mà chúng ta cần thảo luận, đó là việc phát triển vắc-xin và tái khởi động nền kinh tế”.
Trong quá khứ, các kênh ngoại giao ngầm từng là công cụ để “bôi trơn” mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn đánh giá cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger là hình mẫu lý tưởng cho việc mở ra mối quan hệ giữa cựu Tổng thống Richard Nixon và cố Chủ tịch Mao Trạch Đông. Tháng 11/2019, ông Kissinger từng tới Bắc Kinh và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong chuyến thăm, ông khuyến khích hai bên cải thiện giao tiếp và xóa bỏ những cách biệt.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều cựu quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ vẫn giữ vai trò là đầu mối trung gian quan trọng giữa Mỹ và Trung Quốc. Cụ thể, trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 2018-2019, ông Stephen Schwarzman - người đứng đầu công ty đầu tư Blackstone Group; ông Hank Paulson – cựu Thư ký Bộ Tài chính kiêm Giám đốc điều hành Goldman Sachs; và John Thornton - cựu Chủ tịch Goldman Sachs đã thành lập bộ ba đối thoại giữa Phố Wall, Washington và Bắc Kinh. Tuy nhiên, với thời điểm hiện tại, khi các công ty phải đối mặt với những gián đoạn kinh tế lớn ở cả hai bờ Thái Bình Dương, trọng tâm đã chuyển sang các mối lo ngắn hạn.
“Vẫn còn kênh liên lạc mạnh mẽ giữa Phố Wall-Bắc Kinh, song câu hỏi được đặt ra hiện nay là nó còn hiệu quả hay không. Tôi nghĩ câu trả lời là không. Các cuộc đối thoại không còn mở đầu với những câu như làm thế nào để chúng ta thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự hợp tác”, Jude Blanchette – học giả chuyên về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – cho hay. Với sự chuyển hướng về cạnh tranh chiến lược và an ninh quốc gia trong quan hệ Mỹ-Trung, “sẽ rất khó để tiếp tục các cuộc thảo luận vì những người trung gian này sẽ bị chính phủ hai nước nghi ngờ”.
Còn theo Shi Yinhong – chuyên gia các vấn đề Mỹ tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh và là cố vấn của Quốc vụ viện, các kênh liên lạc ngầm giữa Washington và Bắc Kinh giờ không còn ảnh hưởng nhiều do cả hai bên đều đang thiếu quyết tâm chính trị. “Nó hoàn toàn vô ích, ngay cả khi có hàng chục nghìn người qua lại giữa hai quốc gia, và thậm chí trong số đó có nhiều người có khả năng làm trung gian”, ông Shi cho biết.
Theo bà Susan Shirk - cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách chính sách với Trung Quốc dưới thời của cựu Tổng thống Bill Clinton, trong cuộc gặp vào tháng 3/2019, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã không còn thoải mái và thẳng thắn về quan điểm cá nhân như trước đây. Ông Vương Nghị yêu cầu một thợ ảnh và một người ghi chép hiện diện trong cuộc gặp, không nói gì nhiều ngoài lập trường chính thức của nhà nước.
“Điều này hoàn toàn trái ngược với các cuộc trao đổi cá nhân và thảo luận thẳng thắn trong quá khứ”, bà Shirk bày tỏ đã quen biết nhà ngoại giao Trung Quốc hơn 20 năm. “Quy trình chính sách đối ngoại của Trung Quốc rất bí mật và nó thực sự giống như một hộp đen vậy. Chúng tôi không biết ông ấy có thực sự báo cáo với cấp trên và đưa ra lời khuyên hay không. Chúng tôi cũng gặp khó khăn tương tực đối với phía Mỹ về việc tiếp nhận lời khuyên”.