Mỹ-Trung nỗ lực “gạn đục khơi trong”

Quan hệ Mỹ-Trung được đánh giá là đang trong giai đoạn căng thẳng do những bất đồng trong hàng loạt vấn đề song phương và đa phương. Tuy nhiên, tại Đối thoại Mỹ-Trung 2015 vừa qua, hai nước đã nỗ lực hướng tới những điểm tích cực, gạn bỏ bất đồng nhằm “hâm nóng” quan hệ. Dư luận đặt câu hỏi, liệu quan hệ hai nước có được cải thiện khi chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tới gần?

Quang cảnh Đối thoại Chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung (S&ED) lần thứ 7 tại thủ đô Washington ngày 24/6. Ảnh: AFP/TTXVN


Sau 3 ngày (23-25/6) diễn ra ở thủ đô Washington (Mỹ), với nội dung khá rộng - bao trùm hàng loạt các chủ đề, từ an ninh hàng hải, an ninh mạng đến biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, thương mại và hợp tác kinh tế - Đối thoại Mỹ-Trung 2015 đã kết thúc và tuyên bố “kết quả vượt quá mong đợi”. Đây được đánh giá là điểm sáng trong quan hệ Mỹ và Trung Quốc hiện nay. Hai bên đã “thành thực và thực chất” thảo luận những vấn đề có khả năng gây ra sự hoài nghi chiến lược, nhằm tránh “hiểu lầm, tính toán sai” dẫn tới xung đột nghiêm trọng.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Tổng thống Mỹ Biden thừa nhận, cuộc đối thoại này sẽ không thể giải quyết được tất cả những khúc mắc giữa hai phía, song nhấn mạnh cả Mỹ và Trung Quốc cam kết hợp tác tìm kiếm lời giải cho các vấn đề hiện nay. Theo ông, trong tình hình căng thẳng hiện tại, mối quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung vẫn mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Về phần mình, Trung Quốc cũng khẳng định mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác với Mỹ. Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cho rằng Washington và Bắc Kinh không cùng chung quan điểm ở nhiều vấn đề, nhưng nhấn mạnh “đối thoại luôn là lựa chọn tối ưu so với đối đầu”.

Có thể thấy, Washington rõ ràng cần có sự hợp tác đầy đủ của Bắc Kinh “như một cổ đông có trách nhiệm” để xử lý những vấn đề quốc tế nổi bật hiện nay mà một mình Mỹ khó có thể làm được, như: chống biến đổi khí hậu, những quan ngại chung về chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên, cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan... Ngược lại, Bắc Kinh cũng tỏ ra mềm mỏng để đối thoại lần này diễn ra suôn sẻ, đặt nền tảng thuận lợi cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới - chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Mỹ của ông Tập trên cương vị nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.

Hành động đơn phương gây căng thẳng trên Biển Đông vừa qua của Trung Quốc luôn là tâm điểm phê phán của Mỹ. Việc tiếp tục xây đảo nhân tạo có thể phá hỏng chuyến đi Mỹ vào tháng 9/2015 của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trên lĩnh vực kinh tế, Bắc Kinh mong muốn có được một phiếu ủng hộ của Washington để đồng nhân dân tệ được lọt vào rổ tiền tệ dự trữ chính thức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Giới phân tích cho rằng những sự đồng thuận đạt được trong vòng đối thoại lần này nhằm giảm căng thẳng giữa hai nước là một nước cờ khôn ngoan xét trong bối cảnh hai nước đều có các toan tính về lợi ích chiến lược của mình. Theo Phó giám đốc Học viện Ngoại giao Trung Quốc, giáo sư Vương Phàm, Mỹ và Trung Quốc đều nhận thấy giá trị của quá trình hợp tác, thay vì đối đầu. “Bắc Kinh và Washington đang tìm cách hợp tác trong lúc có nhiều bất đồng, dù quá trình này đòi hỏi thời gian với cả hai cường quốc”, giáo sư Vương Phàm đánh giá.

Tuy nhiên, vẫn có thể thấy dấu hiệu căng thẳng còn tồn tại trong quan hệ hai nước. Khi bước vào đối thoại, giữa hai nước còn quá nhiều bất đồng, nghi kỵ sâu sắc khó lấp đầy. Washington và Bắc Kinh một lần nữa nhắc lại quan điểm khác nhau về cách tiếp cận đối với những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước, nhất là vấn đề Biển Đông và an ninh mạng. Dù nỗ lực khẳng định mối quan hệ Mỹ - Trung đang ngày càng đi lên với những lĩnh vực rõ ràng mà hai nước sẽ hợp tác, song Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ phải đàm phán lâu dài để giải quyết những bất đồng. Trong khi đó, theo Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông, Mỹ-Trung chỉ có thể duy trì mối quan hệ song phương đi đúng hướng khi hai nước phải “tôn trọng và thích ứng với những lợi ích cốt lõi của nhau”.

Giang Nguyễn
NATO tìm cách tạo thế cân bằng với Nga
NATO tìm cách tạo thế cân bằng với Nga

Nhiều dấu hiệu cho thấy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tái trang bị để chuẩn bị cho cái mà họ gọi là cuộc đối đầu trong nhiều năm tới có khả năng xảy ra với một nước Nga đang trỗi dậy và khó đoán định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN