Hội nghị thượng đỉnh Khu vực tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) sẽ diễn ra ngày 20/2 tại thành phố Toluca của Mexico với mục tiêu nhìn lại 20 năm phát triển của khu vực và nâng cấp các quan hệ thương mại nội khối nhằm hướng tới mục tiêu lớn hơn là có thể ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay. Tuy nhiên, những khác biệt trong quan điểm và lợi ích của các bên báo hiệu hội nghị khó đạt được bước đột phá lớn cho dù dây được coi là cơ hội hiếm có để cả ba nhà lãnh đạo khu vực cùng ngồi lại với nhau. Ngày 1/1vừa qua, NAFTA tròn 20 tuổi. Trong 20 năm qua, các thế hệ lãnh đạo của 3 nước Mỹ, Mexico và Canada đã tốn không ít công sức nhằm xây dựng một khu vực tự do thương mại và đầu tư. Những nỗ lực đó đã được đền đáp bằng sự tăng trưởng đáng kể về trao đổi hàng hóa và dịch vụ với tổng kim ngạch ba bên trong năm 2011 đạt 1.200 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với con số 337 tỷ USD năm 1993, trước khi NAFTA được thành lập.
NAFTA vừa bước sang tuổi 20 trong tháng 1. |
Tuy nhiên, nếu xét về quy mô là khu vực kinh tế lớn thứ 3 thế giới và có tổng dân số 450 triệu người, những thành quả này xem ra vẫn còn “rất khiêm tốn”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “chậm tiến” này của NAFTA, trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến sự lỗi thời trong phương thức hợp tác thương mại nội khối, những mâu thuẫn xung quanh việc triển khai dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL nối từ Canada sang Mỹ, hay tranh cãi giữa Mỹ và Mexico liên quan đến việc lưu thông xe tải trên lãnh thổ của nhau và ngăn chặn các hoạt động buôn bán ma túy ở biên giới hai nước.
Vì vậy, theo các nhà quan sát, Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo 3 nước, gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Canada Stephen Harper và Tổng thống nước chủ nhà Pena Nieto tìm giải pháp khỏa lấp sự khác biệt để hướng tới triển vọng hợp tác sâu rộng hơn, qua đó tạo đà cho việc ký kết TPP trong năm nay theo kế hoạch.
Tổng thống nước chủ nhà Pena Nieto sẽ đưa lên bàn hội nghị hai vấn đề: Canada từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Mexico và tìm giải pháp nới lỏng quy định lưu thông đối với các xe tải của Mexico trên lãnh thổ Mỹ.
Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Stephen Harper sẽ nhân hội nghị này hối thúc chính quyền của Tổng thống Obama hoàn tất giai đoạn 4 của dự án Keystone XL có tổng trị giá 5,3 tỷ USD được khởi động cách đây 6 năm. Nếu được ký kết, dự án sẽ mở đường cho việc vận chuyển phần lớn sản lượng dầu thô khai thác được ở vùng Albertea của Canada đến bang Texas của Mỹ, đồng thời giúp tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới, tăng thêm nguồn thu cho Canada và đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở Mỹ.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, dự án vấp phải không ít phản đối từ các nhà hoạt động môi trường cũng như những người muốn duy trì chính sách bảo hộ ở cả hai nước. Các nhà môi trường cho rằng việc đưa vào sử dụng đường ống dẫn dầu này sẽ gây ra những tác hại lớn đối với môi trường, tạo thêm nhiều áp lực đối với các công ty Mỹ và quan trọng nhất là giờ đây Mỹ đã tự đảm bảo được phần nào nhu cầu năng lượng trong nước sau nhiều năm đầu tư mạnh cho ngành khai thác “vàng đen”. Chính vì thế, dù chính phủ của Thủ tướng Harper đã nhiều lần khẳng định đây là dự án ưu tiên hàng đầu đối với Ottawa, song Washington vẫn "nhùng nhằng" chưa ký.
Ngoài những nội dung mang tính song phương, ba nhà lãnh đạo cũng sẽ tập trung thảo luận phương thức tăng cường thương mại nội khối, trao đổi cách thức kiểm soát nguồn khí đốt được đánh giá lớn nhất thế giới và thảo luận về triển vọng ký kết TPP, hiệp định đang trong quá trình thảo luận với sự tham gia của 12 nước ở hai bên bờ Thái Bình Dương.
Theo nhận định của một số chuyên gia, mặc dù Mexico và Canada muốn xoáy sâu vào các vấn đề khu vực tại hội nghị lần này, song nhiều khả năng phía Mỹ sẽ lái câu chuyện hướng đến việc ký kết TPP, một hiệp định sẽ tạo ra khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với việc hướng tới xóa bỏ hoàn toàn các rào cản thương mại đối với tất cả các dòng chảy hàng hóa và dịch vụ giữa các nước thành viên.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker cho rằng việc tìm cách thúc đẩy quan hệ thương mại Bắc Mỹ đã không còn ý nghĩa thiết thực như trước vì các cuộc thảo luận về TPP, hiện đang diễn ra ở Singapore, sẽ trao trùm toàn bộ các vấn đề còn khúc mắc trong NAFTA. Theo ông, có rất nhiều việc có thể trao đổi giữa ba nước nhằm tận dụng lợi thế của NAFTA và thúc đẩy viễn cảnh tốt hơn cho người dân Bắc Mỹ một khi TPP được ký kết.
HẰNG LINH