Theo các dữ liệu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố ngày 30/11bên lề Hội nghị các bên của Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP17) tại Durban (Nam Phi), nhiệt độ toàn cầu năm 2011 được xếp thứ 10 trong 10 năm nóng kỷ lục của lịch sử khí tượng thế giới kể từ năm 1850 và cao hơn bất cứ năm nào trong lịch sử có hiện tượng thời tiết La Nina, hiện tượng làm giảm nhiệt độ hành tinh. 13 năm nóng kỷ lục đều xảy ra trong vòng 15 năm gần đây kể từ năm 1997. Nhiệt độ Trái Đất trong thập kỷ 2002 - 2011 tăng 0,46 độ C trên mức trung bình dài hạn , tương đương với mức tăng nhiệt độ trong thập kỷ 1001 - 2010. Lượng băng ở Nam cực năm 2011 cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục mặc dù diện che phủ của băng là một trong 2 năm thấp nhất.
Thời tiết nắng nóng dẫn tới cháy rừng ở Nga. Ảnh: Internet |
Tổng thư ký WMO, Michel Jarraud, nhấn mạnh vai trò của WMO là cung cấp tri thức khoa học để các nhà hoạch định chính sách hành động. Khoa học là khách quan và không thể phủ nhận thực tế là Trái Đất đang nóng lên nhanh chóng do hoạt động của con người. Sự tập trung của khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã đạt mức kỷ lục mới và nhiệt độ Trái Đất đang tiệm cận nhanh đến mức tăng 2 - 2,4 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp, mức tăng đã được các nhà khoa học cảnh báo nếu vượt quá có thể gây thảm hoạ cho nhân loại. Nhiệt độ không khí trên bề mặt Trái Đất năm 2011 ở hầu hết các khu vực trên thế giới đều cao hơn mức trung bình dài hạn, đặc biệt nhiệt độ ở miền bắc nước Nga từ tháng 1 đến tháng 10 cao hơn mức trung bình dài hạn tới 4 độ C.
Khí hậu toàn cầu năm 2011 bị tác động năng nề của hiện tương La Nina mạnh kéo dài từ 6 tháng cuối năm 2010 đến hết 6 tháng đầu năm 2011. Đây là một trong những La Nina mạnh nhất trong vòng 60 năm qua song hành với hạn hán khốc liệt ở Đông Phi, miền nam nước Mỹ và các đảo ở vùng xích đạo trung tâm Thái Bình dương cùng với lũ lụt lớn ở đông Ôxtrâylia, Nam Á và miền nam châu Phi.
Anh Tuấn (P/v TTXVN tại LHQ)