Khu vực Trung Đông - Bắc Phi đã và đang trải qua một cơn địa chấn chính trị, gây chấn động thế giới và làm thay đổi bức tranh của khu vực này. Từ đầu năm 2011, làn sóng biểu tình chống chính phủ đã diễn ra tại một loạt nước trong khu vực, dẫn đến những thay đổi quyền lực ở một số quốc gia. Thế nhưng, sự ra đi của các nhà lãnh đạo đầy quyền lực vẫn chưa phải là dấu chấm hết cho những bất ổn chính trị tại khu vực này.
Bắt nguồn từ một vụ tự thiêu của một thanh niên người Tuynidi vào ngày 2/1/2011, các cuộc biểu tình, sau đó biến thành bạo động của những người chống chính phủ đã lật đổ chính quyền của Tổng thống Ben Ali, buộc ông này phải lưu vong. Cuộc bạo động chính trị ở Tuynidi như một mồi lửa thổi bùng thành một đám cháy lớn lan sang một loạt quốc gia Bắc Phi và Trung Đông khác như Ai Cập, Libi, Xyri, Yêmen, Gioócđani,... Tại Ai Cập, quốc gia đông dân nhất thế giới Arập, nhiều cuộc biểu tình, bạo động quy mô lớn đã buộc Tổng thống Hosni Mubarak phải từ bỏ quyền lực.
Tại Yêmen, sau nhiều lần tìm cách thoái thác, cuối cùng Tổng thống Apdulah Saleh cũng đã phải ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực, chấp nhận lùi bước trước sức ép của làn sóng chống chính phủ. Trong khi đó, với sự hỗ trợ bằng súng đạn của phương Tây, cuộc chuyển giao quyền lực tại Libi đã diễn ra đẫm máu hơn. Dưới danh nghĩa thực thi Nghị quyết 1793 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về thiết lập vùng cấm bay trên toàn lãnh thổ Libi, liên quân do Mỹ, Anh, Pháp đứng đầu đã tiến hành chiến dịch quân sự "Bình minh Odysse", không kích dữ dội các mục tiêu tại quốc gia này, làm hàng nghìn người thiệt mạng. Cuộc lật đổ chính quyền đã kết thúc với cái chết bi thảm của nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi và để lại một đất nước Libi tan hoang, kiệt quệ sau nhiều tháng chìm trong nội chiến.
Một điều khá bất ngờ là những biến động chính trị tại Trung Đông - Bắc Phi lại có thể tạo ra một hiệu ứng lớn đến thế trên toàn khu vực. Trên thực tế, những biến động vừa qua là hệ lụy của những vấn đề chính trị - xã hội - kinh tế tồn tại hàng thập kỷ trước. Nguyên nhân nội tại cũng là nhân tố chính của làn sóng nổi dậy tại Trung Đông - Bắc Phi là sự bất mãn của người dân về các vấn đề kinh tế-xã hội. Hình thức cầm quyền theo kiểu “gia đình trị” cũng là một trong những nguyên nhân đẩy các quốc gia rơi vào sự bảo thủ, trì trệ. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh tới khu vực Trung Đông - Bắc Phi khiến cuộc sống của tầng lớp dân nghèo ngày càng khốn khó. Thất nghiệp, mù chữ, tội phạm và tệ nạn xã hội gia tăng. Sự phẫn nộ ngày càng âm ỉ trong nhân dân lao động. Đến một thời điểm, được sự kích động của các thế lực chính trị đối lập và phương Tây, ngọn lửa âm ỉ đã bùng phát thành một trận hỏa hoạn dữ dội.
Có thể nói, làn sóng chống đối trong cái gọi là "Mùa xuân Arập" đã tạo cho phương Tây, đặc biệt là Mỹ, cơ hội vàng để công khai can dự và lật đổ những chính thể không thân Mỹ tại Trung Đông - Bắc Phi, một khu vực luôn được coi là trọng điểm trong chính sách đối ngoại của các đời tổng thống Mỹ. Còn nhớ, tháng 6/2004, chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã trình bày chiến lược Đại Trung Đông với mục tiêu công khai "thúc đẩy dân chủ" ở các nước Arập. Oasinhtơn đã xác định sử dụng các tổ chức phi chính phủ (NGO), mạng thông tin toàn cầu (Internet) làm phương tiện chính để thúc đẩy "các giá trị dân chủ kiểu Mỹ" nhằm thay đổi thể chế các nước theo ý đồ của Nhà Trắng.
Thế nhưng, “chơi dao dễ đứt tay”! Cơn lốc xoáy chính trị đã tràn vào các quốc gia có chính phủ đối đầu với Mỹ như Libi và Xyri, nhưng đồng thời cũng đang quét qua nhiều quốc gia vốn là đồng minh thân cận của Mỹ như Ai Cập, Tuynidi, Yêmen, Baranh. Quan hệ liên minh mà Mỹ thiết lập với các quốc gia này đang có nguy cơ bị thay đổi, đặc biệt tại Ai Cập và Tuynidi khi các chính đảng Hồi giáo giành thắng lợi lớn trong các cuộc bầu cử vừa qua. Một trật tự mới đang dần được thiết lập trong thế giới Arập, cán cân quyền lực truyền thống ngày càng suy yếu và thay vào đó là sự xuất hiện của một thế lực chính trị mới với lực lượng chủ yếu là dòng Hồi giáo Sunni. Diễn biến này nằm ngoài tầm kiểm soát của Mỹ. Nếu các chính đảng Hồi giáo tiếp tục thắng thế nhờ sự bất mãn của dân chúng đối với các bộ máy cầm quyền, nhiều khả năng bản đồ về tầm ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông - Bắc Phi sẽ được điều chỉnh theo hướng thu hẹp.
Cơn địa chấn chính trị - xã hội ở Trung Đông – Bắc Phi đã khiến một loạt chính phủ tồn tại hàng chục năm bị sụp đổ, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo chính trị ở các nước này và hiện đang làm trầm trọng thêm nền kinh tế khu vực. Khởi phát với mục đích tạo lập sự công bằng xã hội, nhưng mục tiêu này của người dân đã bị các thế lực bên ngoài lợi dụng để kích động. Sau khi vở kịch đẫm máu ở Libi hạ màn, thế giới đang quan ngại về một vở kịch thảm khốc hơn sẽ xảy ra tại Xyri, nơi mà các lực lượng chính trị đối lập cùng với sự tiếp tay của phương Tây đang kích động người dân tiếp tục chống lại chính phủ.
"Mùa xuân Arập" vẫn chưa kết thúc. Cuộc sống của người dân tại những nước vừa xảy ra chính biến vẫn vô cùng khó khăn. Tuynidi vẫn trong tình trạng hỗn loạn; các lực lượng chính trị ở Ai Cập chắc chắn sẽ sa lầy trong các cuộc tranh luận về những vấn đề gây tranh cãi như bầu cử quốc hội và tổng thống, tiến trình thành lập chính phủ và soạn thảo hiến pháp mới; Libi có thể lại lâm vào chiến sự; nguy cơ chiến tranh bùng nổ ở Xyri; tương lai chính trị ở Yêmen chưa có dấu hiệu sáng sủa sau thỏa thuận chuyển giao quyền lực; căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Baranh. Thế nên mới nói rằng lật đổ một chính phủ là điều không đơn giản, song để thiết lập được một chính phủ mới có thể xây dựng tương lai tươi sáng hơn cho người dân còn khó khăn gấp bội lần.
Cẩm Tuyến