Nhận định trên của các chuyên gia được đưa ra trong bối cảnh mâu thuẫn dai dẳng giữa hai giáo phái lớn của Hồi giáo là dòng Sunni và dòng Shi'ite với đại diện một bên là Saudi Arabia và một bên là Iran vẫn chưa được giải quyết trong năm 2018, kéo theo các cuộc chiến ủy nhiệm tại Trung Đông chưa thể đi đến hồi kết.
Lâu nay, Mỹ vẫn luôn thực hiện mục tiêu là duy trì vị thế lãnh đạo, ngăn chặn bất kỳ quốc gia hay liên minh nào trong khu vực trỗi dậy tranh giành vai trò, vị thế lãnh đạo này và chống Hồi giáo cực đoan. Sau khi tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng bị đánh bại, việc Iran gia tăng ảnh hưởng trong khu vực luôn là "cái gai trong mắt" của Mỹ. Do đó, nhằm kiềm chế vai trò của Iran, một liên minh khu vực do Mỹ đứng đầu, với sự tham gia của Saudi Arabia và Israel đã được định hình, và dự báo sẽ tiếp tục được củng cố trong năm 2019. Thế đối đầu giữa Iran và các đối thủ, với các cuộc leo thang quân sự mới, có thể trở thành "một thùng thuốc súng", báo hiệu các cuộc chiến ủy nhiệm trong khu vực, nhất là tại Syria, Yemen và Iraq, tiếp tục diễn ra một cách quyết liệt.
Do đã tuyên bố rút quân khỏi Syria, chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ phải tăng cường việc siết chặt "gọng kìm" đối với Iran trên mọi lĩnh vực nhằm khiến kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo suy thoái, kéo theo bất ổn chính trị gia tăng với mục đích ép Iran ngồi vào bàn đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới theo các điều kiện đã đưa ra. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Washington khó lòng đạt được mục tiêu này bởi với kinh nghiệm đối phó trong quá khứ, Iran sẽ không để bất ổn vượt tầm kiểm soát, và nước này cũng sẽ không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử đã ký hồi năm 2015 cũng như sẽ không đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận hạt nhân mới.
Còn tại Syria, dù Mỹ rút quân, song cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông này - dù đang đi vào giai đoạn cuối, nhưng chưa thể kết thúc. Lâu nay, Ankara vẫn luôn coi các tay súng người Kurd ở Syria là "khủng bố", do đó, việc Mỹ rút quân khỏi Syria đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ "dọn đường", sớm phát động chiến dịch quân sự vào khu vực người Kurd ở Syria cũng như duy trì hiện diện quân sự lâu dài tại phía Đông Bắc Syria, khiến quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ trở nên phức tạp hơn. Ngay cả việc Tổng thống Trump ngày 19/12 tuyên bố rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Syria có vẻ sẽ không làm thay đổi cục diện, bởi Mỹ hoàn toàn có thể can thiệp quân sự vào Syria từ khoảng 20 căn cứ quân sự của Washington tại Trung Đông, tương tự như chiến dịch không kích của liên quân Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào Syria hồi tháng 4 vừa qua.
Trong khi đó, tiến trình hòa bình Trung Đông nhằm giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine khó có tiến triển do vấn đề nội bộ của mỗi bên trong cuộc xung đột này. Israel bước vào giai đoạn bầu cử và thành lập chính phủ mới, trong khi Chính quyền Palestine (PA) đang kiểm soát Bờ Tây và Phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza khó có khả năng hòa giải. Cả Israel và PA đều không thể nhượng bộ các vấn đề cốt lõi của xung đột như vấn đề thành lập một nhà nước Palestine độc lập, tranh chấp Đông Jerusalem và hồi hương người Palestine tị nạn.
Theo giới phân tích, cho dù chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang xây dựng Kế hoạch hòa bình Trung Đông, xem đây là thỏa thuận thế kỷ, giải quyết cuộc xung đột, thì cũng khó có thể giải quyết được cuộc xung đột kéo dài 100 năm qua trong "một sớm, một chiều".
Trái với sự đình trệ trong tiến trình hòa bình Trung Đông, quan hệ giữa Israel và các nước Arab sẽ ngày càng được cải thiện. Trên phương diện kinh tế, mối quan hệ này được đánh giá là "có đi, có lại" cho cả hai bên và liên kết kinh tế tại khu vực. Trong khi các nước Arab đang tìm cách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân để tránh lặp lại “Mùa xuân Arab”, thì Israel có khoa học công nghệ phát triển, có vị trí địa lý kết nối Arab với châu Âu có thể đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của các nước Arab.
Không chỉ vậy, "bài toán" khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh giữa khối Arab, do Saudi Arabia đứng đầu, và Qatar cũng khó có thể tìm được "lời giải" trong năm 2019. Việc Qatar tuyên bố rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong năm 2018 cho thấy nước này quyết tâm và có thể vượt qua các biện pháp bao vây, trừng phạt và sẽ không nhượng bộ các điều kiện do khối Arab đưa ra. Trong khi Saudi Arabia càng tìm cách củng cố vai trò lãnh đạo khu vực, Qatar sẽ càng tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng, chi phối của Saudi Arabia, theo đó, nước này có thể tìm đến Mỹ để đối trọng với Saudi Arabia.
Cuộc chiến tranh tại Yemen sẽ giảm về quy mô nhưng còn kéo dài. Do áp lực từ Mỹ, Saudi Arabia sẽ phải cân nhắc giảm cường độ chiến tranh tại Yemen để giải quyết vấn đề nhân đạo, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Saudi Arabia sẽ từ bỏ mục tiêu ngăn chặn phiến quân Houthi bắn tên lửa vào lãnh thổ nước này. Saudi Arabia cũng có mục tiêu ngăn chặn Houthi thành lập được một khu vực bán tự trị bên trong Yemen vì cho rằng Iran có thể sử dụng lãnh thổ tự trị đó thách thức an ninh quốc gia Saudi Arabia về lâu dài. Trái lại, lực lượng Houthi sẽ không bao giờ chấp nhận chịu sự kiểm soát của một chính phủ tại Yemen do Saudi Arabia hậu thuẫn. Chia rẽ sâu sắc giữa các cộng đồng, dân tộc, khu vực và vùng miền tại Yemen là nguyên nhân lớn nhất khiến xung đột tại quốc gia này rất khó giải quyết và kéo dài.
Mặc dù có nhiều mảng tối trong bức tranh chính trị tại khu vực, nhưng tình hình kinh tế khu vực được dự báo khả quan. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế các nước Arab vùng Vịnh có thể đạt 2,4% trong năm 2018 và 3% năm 2019. Giá dầu tăng và đầu tư công tăng là nguyên nhân chủ yếu giúp kinh tế khu vực vùng Vịnh tăng. Giá dầu trong năm 2018 đã tăng gần 60% so với năm 2017. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất vùng Vịnh, Saudi Arabia được dự báo đạt 2,2% trong năm 2018 và 2,4% trong năm 2019. Cải cách kinh tế tại Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) được kỳ vọng sẽ giúp thu hút đầu tư nước ngoài vào hai nước này trong dài hạn. Tăng trưởng kinh tế UAE được dự báo đạt 2,9% trong năm 2018 và 3,7% năm 2019.